Hội nhậpThế giới 24h

Chính khách thế giới: “Ném đá” ngôn từ

Tạp Chí Giáo Dục






Normal
0


false
false
false







MicrosoftInternetExplorer4




Do sự ràng buộc chặt chẽ, quan hệ Mỹ – Trung Quốc khó có những biến động lớn.

Tại cuộc điều trần trước Thượng viện Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner tố cáo Trung Quốc thao túng tỷ giá đồng bạc. Còn tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo lại lên án Mỹ làm sụp đổ hệ thống tài chính thế giới.
Từ lâu trong chính giới Mỹ đã tồn tại nỗi hoài nghi Trung Quốc thao túng đồng tiền, ấn định tỷ giá thấp đồng nhân dân tệ so với đô-la Mỹ để hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc giành được lợi thế giá rẻ trên thị trường Mỹ và ngược lại hàng hóa Mỹ trở nên quá đắt đỏ trên thị trường Trung Quốc, từ đó dẫn tới thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ và thặng dư thương mại của Trung Quốc cũng khổng lồ không kém. Một số nghị sĩ Mỹ đã nhiều lần đệ trình dự luật tăng thuế suất thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc để cân bằng tình trạng này nhưng dưới thời Tổng thống George Bush của đảng Cộng hòa, các dự luật trên chưa bao giờ được phê chuẩn. Thuật ngữ “thao túng tỷ giá” thường làm cho Trung Quốc tức giận, và cũng như vậy, thuật ngữ “nhập khẩu” gây xốn xang cho các nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ – những người tin rằng hàng hóa giá rẻ nhập từ Trung Quốc đã làm nhiều triệu người Mỹ mất việc làm và khuyến khích tình trạng tiêu xài hoang phí ở trong nước.
Nhưng ông Timothy Geithner là quan chức cao cấp đầu tiên của Mỹ nói thẳng ra là Trung Quốc thao túng đồng tiền – một điều mà người tiền nhiệm của ông là ông Henry Paulson luôn né tránh. “Tổng thống Obama, căn cứ vào kết luận của nhiều nhà kinh tế học, tin rằng Trung Quốc đang thao túng đồng tiền của mình”, ông Geithner nói. Có ba lý do để tin rằng, lời tuyên bố của ông T. Geithner là cố ý và có cân nhắc kỹ chứ không buột miệng nói ra trong một phút thiếu thận trọng. Một là, chính phủ Mỹ đã không bác bỏ nhận xét của ông Geithner, vì trong thực tế ông đã không nói gì nhiều hơn những điều mà tân Tổng thống Obama từng nhắc đi nhắc lại trong thời gian tranh cử. Hai là, ông Geithner phát biểu câu đó từ một văn bản viết sẵn chứ không ứng khẩu, lỡ lời. Ba là, Timothy Geithner hiểu rất rõ sự nhậy cảm mà từ “thao túng” gây ra ở Trung Quốc. Gia đình ông có mối quan hệ lâu dài và hiểu biết sâu sắc về chính trị ở đất nước lớn nhất châu Á này. Trong những năm qua hiếm có đoàn quan chức cao cấp Trung Quốc nào viếng thăm Mỹ mà không có cuộc đối thoại trực tiếp với ông – Thống đốc Ngân hàng trung ương New York, thông thạo tiếng Hoa, tiếng Nhật, từng sống và làm việc nhiều năm tại Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản và Trung Quốc.
Trong năm Kỷ Sửu nếu trâu Trung Quốc độ sừng với bò Mỹ thì các nền kinh té nhỏ cần phải có đối sách thích hợp để tự phòng vệ
Rõ ràng việc ông Geithner cáo buộc Trung Quốc “thao túng” đồng tiền là hành động cố ý. Giới lãnh đạo Trung Quốc nhiều năm qua đã tìm mọi cách thúc đẩy xuất khẩu, tạo công việc làm cho hàng trăm triệu người lao động và biện pháp tài chính hữu hiệu là duy trì tỷ giá đồng tiền thấp so với đô-la Mỹ. Trong nhiệm kỳ của mình, cựu Bộ trưởng tài chính Mỹ Henry Paulson đã thành công phần nào trong việc thuyết phục Trung Quốc nới lỏng tỷ giá. Đồng nhân dân tệ chính thức “tách” khỏi đô-la Mỹ vào tháng 7-2005 và từ đó đã tăng giá chút ít. Nhưng quá trình tăng giá đồng nhân dân tệ đã đột ngột dừng lại và đảo chiều vào tháng 11 năm ngoái khi xuất khẩu của Trung Quốc có dấu hiệu chững lại.
Nay khi kinh tế Mỹ suy thoái, thất nghiệp gia tăng, buộc chính phủ Mỹ phải tung ra hàng trăm tỷ đô-la để cứu nguy thì người Mỹ buộc phải có biện pháp cứng rắn hơn với chính sách tỷ giá của Trung Quốc. Sẽ là vô nghĩa nếu tiền cứu nguy kinh tế của người Mỹ lại được sử dụng để mua hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, tạo việc làm cho người Trung Quốc, trong khi người Mỹ tiếp tục thất nghiệp và lún sâu vào nợ nần không biết đến bao giờ mới thoát ra được.
Cảnh vắng vẻ tại các cửa hàng ngày càng nhìn thấy nhiều hơn tại Mỹ
Tuy nhiên, Trung Quốc đã lập tức trả miếng. Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã mạnh mẽ lên án mô hình kinh tế tư bản chủ nghĩa đã đưa thế giới vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng và tác hại nặng nề đến tài sản của Trung Quốc. Ông cho rằng, “sự bành trướng quá đáng của các thể chế tài chính nhằm theo đuổi lợi nhuận một cách mù quáng”, “thất bại của chính phủ trong việc giám sát lĩnh vực tài chính ngân hàng” và “mô hình phát triển không bền vững mà đặc trưng là kéo dài quá lâu tình trạng tiết kiệm quá ít, tiêu xài quá nhiều” là nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống tài chính, từ đó lan ra toàn bộ nền kinh tế thế giới. Tuy không trực tiếp nhắc tới nước Mỹ, rõ ràng ông Ôn Gia Bảo đang lên án Mỹ và hệ thống kinh tế phương Tây do Mỹ lãnh đạo.
Để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, ông Ôn Gia Bảo kêu gọi thế giới thiết lập cơ chế giám sát hiệu quả đối với các đồng tiền mạnh, hiện vẫn được dùng làm phương tiện dự trữ và thanh toán quốc tế. Tuy không trực tiếp nói tới đồng đô-la Mỹ – mà hiện chiếm khoảng hai phần ba tổng dự trữ ngoại tệ trị giá hơn 2.000 tỉ đô-la của Trung Quốc – ông Ôn Gia Bảo đã nói bóng gió đến khả năng Trung Quốc sẽ xem xét lại việc có tiếp tục mua trái phiếu của chính phủ Mỹ hay không. “Việc Trung Quốc có tiếp tục mua (trái phiếu chính phủ Mỹ) hay không, mua bao nhiêu… còn phụ thuộc vào nhu cầu của Trung Quốc, vào độ an toàn và sự bảo hộ giá trị của hối suất”, ông Ôn Gia Bảo cảnh báo. Ngoài ra, ông cũng tiết lộ Trung Quốc đang xem xét lại các khoản đầu tư ở Mỹ.
Tưởng nên nhắc lại rằng, trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc kiên trì theo đuổi chính sách đẩy mạnh xuất khẩu và tích lũy ngoại tệ. Những đồng đô-la thu được từ đầu tư nước ngoài và thặng dư thương mại lại được Trung Quốc bỏ ra mua các tài sản trị giá bằng đồng đô-la Mỹ, nhiều nhất là trái phiếu chính phủ Mỹ và cổ phần của các tập đoàn Mỹ. Đến tháng 9 năm ngoái Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nước nắm giữ nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ nhất. Chính nguồn “tiền vay giá rẻ” từ Trung Quốc đã góp phần “tài trợ” cho sự thâm hụt liên tục trong ngân sách và cán cân thương mại Mỹ, giúp nước này duy trì chính sách lãi suất thấp trong một thời gian dài, làm người dân Mỹ có nhiều tiền để mua hàng hóa Trung Quốc và thổi bùng lên bong bóng nhà đất. Hiện nay nhiều người kỳ vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục đổ tiền vào Mỹ, tài trợ cho những gói kích thích kinh tế tài chính khổng lồ cuối thời Tổng thống George Bush và tân Tổng thống Barack Obama.
Sự kiện Trung Quốc có thể không tiếp tục mua trái phiếu của Mỹ được giới phân tích quan tâm nghiên cứu. Một ý kiến đáng chú ý là việc Trung Quốc ngừng mua trái phiếu chính phủ Mỹ, rút khỏi các dự án đầu tư tại Mỹ không hẳn là do bất mãn với chính quyền Mỹ mà có thể do những sự thua lỗ nghiêm trọng của các khoản đầu tư này. Thực tế trong nửa cuối năm 2008, với chiêu bài đa dạng hóa danh mục đầu tư, chính phủ và các doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu rút vốn đầu tư ra khỏi những tập đoàn khổng lồ đang thua lỗ nghiêm trọng ở Mỹ. Ví dụ, riêng tại Fannie Mae và Freddie Mac – hai tập đoàn tài trợ tín dụng nhà đất lớn nhất của Mỹ – Trung Quốc đã rút ra khoảng 26,1 tỉ đô- la trong số 400 tỉ đô-la đầu tư vào trái phiếu của các tập đoàn này. Tại Trung Quốc, giới phân tích kinh tế và chính trị không ngừng phê phán các cơ quan quản lý quỹ dự trữ ngoại tệ đã tiến hành đầu tư không cẩn trọng vào các tài sản ở Mỹ gây thất thoát lớn cho đất nước. Việc CIC – Công ty đầu tư của nhà nước Trung Quốc – bỏ ra 5,6 tỉ đô-la mua cổ phần Ngân hàng Morgan Stanley để rồi sau 13 tháng mất đi 60% giá trị, cũng như trước đó đã mất 3 tỉ đô-la mua cổ phần của Công ty môi giới chứng khoán Blackstone Group là những ví dụ. Thậm chí tại Trung Quốc đã có dư luận rộng rãi kết án ông Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan), Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, và ông Lou Jiwei, Chủ tịch CIC từng du học ở Mỹ, là “câu kết với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson để mua trái phiếu Mỹ, nâng giá đồng nhân dân tệ, ràng buộc kinh tế Trung Quốc vào kinh tế Mỹ và phá vỡ sự độc lập của Trung Quốc”.
Lời cáo buộc này có một điểm đúng là, đến thời điểm này kinh tế Mỹ và Trung Quốc có liên hệ mật thiết với nhau và một cuộc xung đột thương mại – tài chính giữa hai nền kinh tế sẽ không mang lại lợi ích cho bên nào. Việc Trung Quốc không tiếp tục đầu tư vào trái phiếu của Mỹ không phải là sự kiện mới, nhưng nếu việc này diễn ra trên quy mô lớn có thể gây khó khăn cho cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Không còn nguồn “tài trợ” từ Trung Quốc, lãi suất của Mỹ sẽ không thể dừng ở mức gần 0% hiện nay mà sẽ tăng nhanh, đồng đô-la sẽ giảm giá và chính sách kích cầu của Tổng thống Barack Obama sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, khi ấy quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc và nhiều nước khác sẽ mất giá trị từng ngày; giới phân tích gọi đây là biện pháp “cắt cổ để giữ mặt”. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ kéo dài và trầm trọng hơn nhiều.
Về phần mình, nếu từ cáo buộc của Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner mà Quốc hội Mỹ thông qua luật áp đặt thuế suất cao lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thì điều đó sẽ gây phản ứng mạnh của Trung Quốc. Điều này tai hại không chỉ cho hai nền kinh tế mà có nguy cơ lan rộng trên toàn cầu.
Cho đến nay, trừ việc Trung Quốc ngừng các khoản đầu tư vào Mỹ, chính quyền hai nước chưa đi xa hơn việc ném đá nhau bằng lời nói, trên các diễn đàn quốc tế và phương tiện truyền thông. Người ta vẫn hy vọng rằng, do tầm vóc và sự ràng buộc vào nhau chặt chẽ của kinh tế Mỹ – Trung Quốc, sẽ khó có thể xảy ra những biến động lớn và bất ngờ. Tục ngữ có nói “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết” – trong năm Kỷ Sửu nếu trâu Trung Quốc đọ sừng với bò Mỹ thì các nền kinh tế nhỏ cần phải có đối sách thích hợp để tự phòng vệ.
Thái Bình (doanh nhan)
 
 

 

 

Bình luận (0)