Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Chính kịch hồi sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Cùng một lúc, các sân khấu kịch thành phố đều trình làng với khán giả những vở kịch mới mang nội dung chính kịch rất hấp dẫn với sự vào cuộc của các đạo diễn “lão làng” cùng một dàn diễn viên ngôi sao. Có thể nói đây là một tín hiệu vui bởi nó đã đẩy lùi những vở kịch hài nhàn nhạt, câu khách rẻ tiền vốn “ngự trị” trên sân khấu kịch nhiều năm qua.

Hấp dẫn và lôi cuốn

Vở chính kịch Hồn ma báo oán của Sân khấu Kịch Sài Gòn đang thu hút khán giảNếu như trước đây, hầu hết các sân khấu kịch đều khai thác yếu tố hài để thu hút khán giả thì hiện tại, các vở mới đều thuộc thể loại chính kịch với nhiều tình huống bất ngờ. Sân khấu kịch Phú Nhuận dẫn đầu với 4 kịch bản Nước mắt người điên, Trai mới lớn, Kỹ nghệ lấy Tây, Giết chó dạy chồng do NSND Doãn Hoàng Giang, Hồng Vân, Minh Hoàng, Minh Nhí đạo diễn. Trong đó Nước mắt người điên là câu chuyện nói về bi kịch của một gia đình, Giám đốc Hoàng (NSƯT Việt Anh) sau khi bị mất đứa con, quá đau đớn đã trở nên trầm cảm, xa lánh vợ (Thanh Vân) vì ông cho rằng chính vợ đã gây ra cái chết của con mình. Ong Hoàng luôn tìm cách hành hạ vợ, không màng đến chuyện chăn gối và có nhiều biểu hiện của một người điên. Người vợ tìm cách đưa ông vào nhà thương điên để chữa trị đồng thời ngã vào vòng tay của một người đàn ông khác… Hay như Kỹ nghệ lấy Tây nói về một nhà văn, một phóng viên người Hà Nội tên Vũ đang viết một phóng sự về làng chuyên lấy Tây. Trong quá trình thu thập tài liệu, anh đã nảy sinh tình cảm với cô con gái của bà chuyên môi giới cho các cô gái lấy chồng Đài Loan, nhưng rồi cả hai đã không đến được với nhau. Sau khi tiếp xúc với làng lấy Tây, Vũ hiểu ra được cốt lõi của vấn đề là vì sao đa số các cô gái của làng này đều lấy Tây: vì họ quá khổ, vì muốn duy trì cuộc sống và báo hiếu cho cha mẹ. Chính vì hiểu ra điều đó nên cuối cùng Vũ đã không cho đăng bài phóng sự của mình. Cuối tháng 9 này, NSƯT Hồng Vân sẽ khai trương thêm một sân khấu mới mang tên mình tọa lạc trên đường Nguyễn Thái Bình, quận 1, vở kịch đầu tiên sẽ là Người vợ ma 2 do Thái Hòa viết kịch bản và dàn dựng cũng tiếp tục khai thác yếu tố chính kịch.

Sân khấu 5B đang ăn khách với vở “mới ra lò” Người điên trong ngôi nhà cổ của tác giả Ngọc Linh do Ái Như đạo diễn. Vở lấy nước mắt khán giả bởi nội dung rất sâu sắc, con người vì đồng tiền mà đã làm hại lẫn nhau, giẫm đạp lên mọi tình nghĩa. Vở Cánh đồng bất tận của tác giả- đạo diễn Minh Nguyệt cũng hoàn toàn không có yếu tố hài hước. Minh Nguyệt tâm sự: “Kịch bản tôi viết vẫn giữ nguyên “chất” của Nguyễn Ngọc Tư, nhưng kết thúc sẽ le lói lên niềm vui cuối cánh đồng. Vẫn là nỗi cô đơn bất tận của một kiếp người, nhưng khán giả sẽ không còn căng thẳng mà nhẹ nhõm khi xem xong vở này. Thông điệp mà tôi muốn gửi đến khán giả đó là khát vọng được làm người bình thường để yêu thương và được yêu thương. Hãy bình tĩnh dù ở hoàn cảnh nào để nắm giữ hạnh phúc đang có trong tầm tay…”.

Sân khấu Kịch Sài Gòn xưa nay vốn chỉ đi theo xu hướng hài kịch, nay cũng mạnh dạn chọn chính kịch để ra mắt khán giả trong vở Hồn ma báo oán của đạo diễn – NSƯT Trần Ngọc Giàu. Cũng vì lòng tham với hai viên đá quý mà Hùng (Tấn Hoàng) đã ra tay sát hại hai vợ chồng người bạn thân của mình. Sống trong cảnh giàu sang nhưng lúc nào Hùng cũng ám ảnh bởi linh hồn người chết về báo oán… Đạo diễn đã thể hiện tài năng của mình trong cách xử lý tâm lý nhân vật, tạo nên những màn kịch mang tính khốc liệt. Nhà hát kịch TP cũng tung ra hai vở chính kịch Tả quân Lê Văn DuyệtNợ sữa. Tuy có hơi nặng nề trong những tuyến kịch nhưng lại thu hút bởi những tình tiết gay cấn qua nét diễn xuất chân thật của các diễn viên. Đây cũng là cách làm mới mình của sân khấu kịch này.

Sân khấu IDECAF cũng không nằm ngoài cuộc, hai vở kịch mới nhất là Thánh GióngLá cờ thêu sáu chữ vàng không đặt nặng yếu tố hài bởi đây là hai vở kịch lịch sử nhằm giáo dục và giúp các em thiếu nhi hiểu sâu hơn về lịch sử của nước nhà.

Một cách làm hay

Mặc dù dàn dựng những vở chính kịch nhưng các sân khấu đều thu hút được khán giả. Điều này cũng cho thấy khán giả bây giờ đã có một cái nhìn mới trong việc thưởng thức nghệ thuật. Họ không chỉ giải trí bằng những vở kịch hài đơn thuần mà còn muốn được suy ngẫm thấu đáo qua các kịch bản được dàn dựng công phu và xúc động. NSƯT Hồng Vân cho biết: “ Khi bắt tay vào dàn dựng những vở chính kịch, thú thật tôi cũng hồi hộp lắm. Nhưng để thay đổi khẩu vị của khán giả, cần phải biết luôn luôn làm mới mình. Sự đón nhận của khán giả đã giúp cho tôi tự tin hơn, đồng thời cũng cảm nhận được hướng đi của mình là đúng…”.

NSND Doãn Hoàng Giang thì khẳng định: “Đa số những vở kịch hay, để đời đều là những vở chính kịch. Bản thân các diễn viên khi đảm nhận các vai chính kịch cũng nhận được nhiều giải thưởng hơn hài kịch. Có một thời gian hài kịch tung hoành trên các sân khấu theo yêu cầu của thị hiếu khán giả. Nhưng nay chính kịch đã sống lại, đó là một điều đáng mừng. Dám dũng cảm dựng chính kịch, đó là một cách làm hay. Bản thân tôi khi bắt tay vào dàn dựng những vở này cũng thấy yên tâm và đầy phấn khởi…”.

HIỆP THANH

Bình luận (0)