Hội nhậpThế giới 24h

Chính phủ Chile bác bỏ siêu dự án thủy điện HidroAysen

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 10/6, chính quyền của Tổng thống Chile Michelle Bachele đã tuyên bố bác bỏ siêu dự án thủy điện gây tranh cãi HidroAysen với lý do kế hoạch này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Quyết định trên được Chính phủ Chile thông qua sau cuộc họp kéo dài 3 giờ giữa các bộ trưởng nằm trong thành phần nội các nước này.

Theo Bộ trưởng Môi trường Pablo Badenier, việc bác bỏ dự án đập thủy điện HidroAysen là một quyết định "hợp với lòng dân."

Sông Pascua – một trong hai dòng sông dự kiến là nơi xây thủy điện HidroAysen. (Nguồn: Santiago Times)

Hai tập đoàn điện lực lớn đầu tư vào dự án này là Colbun của Chile và Endesa của Tây Ban Nha sẽ có 30 ngày để kháng cáo lên Tòa án Môi trường ở Valdivia tại miền Nam Chile và sau đó là Tòa án Tối cao.

Ngay sau khi tuyên bố trên được đưa ra, hàng trăm người dân đã đổ ra khắp đường phố thủ đô Santiago để hoan nghênh quyết định của chính phủ.

Phát biểu trước báo giới, ông Patricio Rodrigo, Thư ký điều hành thuộc Hội đồng bảo vệ Pantagonia, nơi dự án trên dự kiến được triển khai, nhấn mạnh đây được xem "chiến thắng lớn nhất của chiến dịch bảo vệ môi trường," cho thấy chính phủ đã lắng nghe và cân nhắc ý nguyện thực sự của người dân.

Được đánh giá đóng vai trò chiến lược trong nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu hụt điện năng tại Chile, siêu dự dán thủy điện HidroAysen bao gồm việc xây dựng 5 nhà máy thủy điện có tổng công suất 2.750 MW với vốn đầu tư 3,5 tỷ USD trên hai dòng sông Baker và Pascua tại bang miền Nam Aysen.

Tuy nhiên, dự án này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhóm bảo vệ môi trường, cho rằng kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và tiềm năng du lịch.

Theo thiết kế, các đập nước trong dự án sẽ nhấn chìm 5.900ha đất chưa khai phá, tạo ra nhiều vùng đất trống trong rừng, làm biến mất những thác nước vốn là các điểm du lịch sinh thái của Chile, phá hủy môi trường sống của hàng nghìn sinh vật tại khu vực này.

Hiện Chile đang phải nhập tới hơn 90% nhiên liệu hóa thạch, nguồn điện năng còn lại chủ yếu phải dựa vào các nhà máy thủy điện. Do vậy, quốc gia Nam Mỹ này có nguy cơ rơi vào khủng hoảng năng lượng khi gặp điều kiện thời tiết bất thường như hạn hán… hay không nhập khẩu được nhiên liệu khi có tranh chấp thương mại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)