Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, trong đó có viên chức giáo viên.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang liên quan đến việc rà soát các văn bản, đề án do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng năm 2023.
Nhiều giáo viên tâm tư, bức xúc liên quan việc xét thăng hạng, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp. ĐÀO NGỌC THẠCH
Liên quan đến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Phó thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Bộ Nội vụ rà soát, tiếp thu ý kiến bộ, ngành, địa phương, chỉnh lý dự thảo nghị định, bảo đảm thực hiện thống nhất quy định xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và bảo đảm quyền, lợi ích của đội ngũ viên chức hoạt động chuyên ngành, tránh phát sinh vướng mắc khi thực hiện, trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Như vậy, khi nghị định được thông qua, viên chức sẽ không còn phải thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Trước đó, tại cuộc làm việc của Thủ tướng với Hội Nhà báo Việt Nam hồi giữa tháng 6, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đang tham mưu bỏ thi thăng hạng. Trước mắt là thực hiện xét thăng hạng theo tiêu chuẩn, theo điều kiện để khắc phục các bất cập và hướng tới sẽ bỏ thi thăng hạng, xét thăng hạng mà thay vào đó là trả lương theo vị trí việc làm.
Theo bà Trà, không đâu trên thế giới xét thăng hạng, nâng hạng viên chức. Việt Nam cũng phải đổi mới cơ chế này.
Mới đây, gần 2.500 giáo viên Hà Nội viết tâm thư bày tỏ mong muốn bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Bởi theo họ, thăng hạng chức danh nghề nghiệp vốn là một sự đãi ngộ, ghi nhận và khuyến khích về những thành tích, cống hiến của giáo viên nhưng việc thực hiện chưa đồng bộ giữa các địa phương, trong khi tỉnh này tổ chức xét, tỉnh khác lại phải thi.
Nhiều giáo viên khác cũng cùng chung nguyện vọng nên bỏ thi và xét thăng hạng cho giáo viên, bởi họ cho rằng tiêu chí quan trọng nhất để xét thăng hạng chính là những đóng góp cho ngành giáo dục. Chưa kể, công sức, thời gian giáo viên dành cho việc ôn tập và dự thi cũng không ít, nhưng tính chất kỳ thi lại không xây dựng được giá trị cốt lõi gì đối với ngành giáo dục.
Trước tâm tư của các giáo viên, Bộ GD-DDT cho biết, đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là có căn cứ. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT không có thẩm quyền bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên và cũng không có thẩm quyền đề nghị địa phương thực hiện thống nhất theo một hình thức là xét thăng hạng.
Bộ GD-ĐT nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ Nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Bộ GD-ĐT đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này.
Theo Thu Hằng/TNO
Bình luận (0)