Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chính phủ đồng ý bơm mạnh ngoại tệ để cứu tỷ giá

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Giải pháp cả gói nhằm bình ổn thị trường ngoại tệ đang lên cơn sốt vừa được thường trực Chính phủ chấp thuận, trong đó kiên quyết không tăng tỷ giá, không kết hối.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia công bố thông tin này sáng nay. Theo đó, Chính phủ kiên định với chủ trương không tăng tỷ giá, không kết hối ngoại tệ, nghiêm cấm tăng lãi suất huy động và cho vay ngoại tệ.

Tuy nhiên, Chính phủ đồng ý để Ngân hàng Nhà nước mạnh tay hơn trong việc bơm ngoại tệ phục vụ các nhu cầu nhập khẩu thiết yếu, thay vì chỉ bơm nhỏ giọt như thời gian qua.

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện giảm so với mức đỉnh cao trên 20 tỷ USD trước đây, song vẫn đủ sức để can thiệp bình ổn thị trường.
Tuy chưa cho biết cụ thể lượng ngoại tệ sẽ được Ngân hàng Nhà nước bơm ra nhưng theo ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính, lượng tiền này sẽ chủ yếu phục vụ các nhu cầu vốn phục vụ hoạt động kinh tế cần thiết (xăng dầu, phân bón, thiết bị kỹ thuật…). “Khi có những nhu cầu vốn loại này, Ngân hàng cần đáp ứng ngay chứ không phải đợi xem xét, gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Thúy khẳng định.
Ông Lê Đức Thúy cho biết trong tháng 9 Ngân hàng Nhà nước mua để dự trữ thêm 300 triệu USD, đến tháng 10 bán ra 200 triệu USD để bình ổn thị trường. Tuy nhiên, theo ông Thúy biện pháp này chưa đủ mạnh.
Cùng với việc bơm ngoại tệ, Chính phủ chủ trương để lãi suất tiền đồng vận hành theo cơ chế thị trường, thay vì yêu cầu các ngân hàng hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp như trước đây. Điều này đồng nghĩa với việc “chấp nhận lãi suất trên thị trường tăng lên”.
“Tình hình đã thay đổi. Những lo ngại về việc Việt Nam không đạt được mục tiêu tăng trưởng đã không trở thành hiện thực. Trong khi đó CPI lại tăng. Trong khi đó, sự vận động của dòng tiền cho thấy lãi suất tiền đồng càng thấp thì đôla Mỹ càng có giá. Do đó, Chính phủ yêu cầu không đặt vấn đề giảm lãi suất nữa”, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính phân tích.
Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát tài chính cũng lưu ý rằng, để lãi suất vận hành theo cơ chế thị trường không có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước mất đi vai trò điều tiết. Ngược lại, các nghiệp vụ trên thị trường mở, với các công cụ khác như lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, tỷ lệ dự trữ bắt buộc… để ổn định mặt bằng lãi suất.
Theo ông Lê Đức Thúy, tác dụng lớn nhất của giải pháp này là giải quyết được vấn đề niềm tin của thị trường đối với đồng Việt Nam. Đây được xem là một trong những mâu thuẫn chủ yếu dẫn đến nghịch lý “ngược dòng” của tiền đồng, trong khi hầu hết các đồng tiền khác đều tăng giá so với đô la Mỹ.
Một chỉ đạo khác của Thường trực Chính phủ đối với Ngân hàng Nhà nước, theo thông báo của ông Lê Đức Thúy là ngăn chặn việc lãi suất đôla Mỹ tăng lên. Theo Ủy ban Giám sát Tài chính, đây là một giải pháp đúng hướng vì nếu để lãi suất ở mức cao, giá trị đôla Mỹ tất yếu sẽ tăng, tỷ giá càng khó kiểm soát.
Bên cạnh những giải pháp trước mắt nêu trên, về lâu dài, Ủy ban Giám sát Tài chính cho rằng các cơ quan chức năng cần xem xét, tháo gỡ những quy định, ràng buộc chưa hợp lý, thiếu đồng bộ, gây ra những méo mó trên thị trường tiền tệ, thị trường vàng hiện nay.
Một quan chức cấp cao của Ngân hàng Nhà nước xác nhận với VnExpress.net thông tin Thủ tướng đồng ý can thiệp thị trường ngoại tệ từ tối qua. Tuy nhiên nguồn tin này phủ nhận khả năng thả nổi lãi suất tiền đồng. Thông tin chi tiết sẽ sớm được Ngân hàng Nhà nước công bố trong nay mai.
Thị trường ngoại tệ lên cơn sốt kể từ cuối tháng 9, bứt khỏi giá chính thức 19.500 đồng của ngân hàng, rồi chinh phục mốc 20.000 đồng và từ đầu tuần đến giờ đang áp sát mốc 21.000 đồng. Đây là lần đầu tiên trong năm tỷ giá tự do bỏ xa giá ngân hàng tới hơn 1.000 điểm. Trên thị trường liên ngân hàng, giá cũng bị đẩy lên 20.700 đồng vào chiều qua.
Trước cơn sốt nóng của thị trường, nhiều người đồn đoán tỷ giá sẽ được điều chỉnh tăng thêm, hoặc phải tính tới giải pháp ép tất cả các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ phải bán lại cho ngân hàng (một giải pháp thường được biết đến với cái tên kết hối).
Tuy nhiên các chuyên gia không đánh giá cao các giải pháp này. Bởi nếu điều chỉnh tỷ giá cũng không thấm vào đâu so với đà tăng của thị trường, và sẽ khiến tình hình lạm phát thêm căng thẳng. Còn nếu kết hối trong tình trạng giá tự do vênh quá xa so với ngân hàng cũng là điều không có lợi đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Nguồn: VnExpress


Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)