Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, một trong những nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất ở châu Âu, tuyên bố từ chức sau khi ông không đạt được thỏa thuận với các đối tác liên minh của mình về vấn đề di cư.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte phát biểu trong cuộc họp báo với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Amsterdam, Hà Lan ngày 12/4/2023 – Ảnh: Piroschka van de Wouw/Reuters
Ngày 7/7, Chính phủ Hà Lan tan rã sau khi các đảng trong liên minh cầm quyền không đạt được thỏa thuận về chính sách di cư, giữa lúc vấn đề về người xin tị nạn đến châu Âu tiếp tục chia rẽ các chính phủ trên khắp lục địa.
Thủ tướng Mark Rutte, người đang giám sát nội các thứ tư của mình và là một trong những nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất ở châu Âu, nói với các phóng viên rằng, ông sẽ đệ đơn từ chức lên nhà vua.
Ông Rutte phát biểu trước phóng viên ở thành phố The Hague: “Các đối tác liên minh vẫn luôn có quan điểm rất khác nhau về chính sách di cư. Và hôm nay, thật không may, chúng ta phải rút ra kết luận rằng những khác biệt đó là không thể hòa giải”.
Sự tan rã của chính phủ sẽ kích hoạt cuộc tổng tuyển cử mới vào mùa thu và một chính phủ tạm quyền do ông Rutte đứng đầu sẽ tiếp tục tại vị cho đến lúc đó.
Trong nhiều tháng, các bên trong chính phủ liên minh đã đấu tranh để đạt được thỏa thuận về di cư, tranh luận về các điều khoản đoàn tụ gia đình và liệu có nên tạo ra 2 loại tị nạn: 1 loại tạm thời dành cho những người chạy trốn xung đột và 1 loại vĩnh viễn dành cho những người chạy trốn sự đàn áp.
Truyền thông tại Hà Lan đưa tin, ông Rutte kêu gọi hạn chế nhập cảnh cho con em của những người tị nạn chiến tranh ở Hà Lan, và yêu cầu các gia đình phải đợi ít nhất 2 năm trước khi họ có thể được đoàn tụ. Dù vậy, theo đài truyền hình NOS của Hà Lan, ông Rutte đã phủ nhận những thông tin trên.
Nhân viên cứu trợ phát mền và các vật dụng khác cho những người xin tị nạn ở Ter Apel, Hà Lan, vào tháng 8/2022 – Ảnh: Vincent Jannink/AFP
Những tranh luận về chính sách di cư liên tục gây chia rẽ trong chính phủ Hà Lan, đất nước vốn đã có những chính sách nhập cư khó khăn hơn so với một số quốc gia khác thuộc Liên minh Châu Âu (EU).
Mới đây, 2 đảng trong liên minh cầm quyền là Liên minh Cơ đốc giáo và đảng trung dung D66 xác định rằng họ không thể đi đến thỏa thuận với đảng của ông Rutte, dẫn đến một cuộc khủng hoảng trong chính phủ.
Người di cư luôn là một vấn đề nan giải đối với nhiều cử tri và đảng chính trị châu Âu, thúc đẩy sự phát triển của các đảng phái theo chủ nghĩa dân tộc và cánh hữu trên khắp lục địa, đồng thời dẫn đến sự chỉ trích gay gắt từ các nhà hoạt động nhân quyền về cách chính phủ đối xử với người di cư.
Năm 2022, các cơ quan viện trợ Hà Lan gặp khó khăn khi giúp đỡ hàng trăm người xin tị nạn sống trong một khu trại tạm bợ bên ngoài trung tâm tiếp nhận người di cư, trong điều kiện mà các nhân viên cứu trợ mô tả là "tồi tệ".
Cũng trong năm 2022, hơn 21.000 người từ bên ngoài Liên minh châu Âu đã xin tị nạn ở Hà Lan, với hơn 400.000 người nhập cư vào Hà Lan nói chung vào năm 2022. Số lượng lớn người di cư đã gây căng thẳng cho khả năng cung cấp nhà ở của Hà Lan, vốn luôn thiếu hụt so với hơn 17 triệu dân của đất nước.
Tấn Vĩ/PNO (theo New York Times, Reuters)
Bình luận (0)