Ngày 4-5, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 4-2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp sáng 4-5. Ảnh: VGP |
Theo Thủ tướng, một số ngành kinh tế tiếp tục gặp khó khăn, nhất là lĩnh vực chăn nuôi. Giá nông sản còn thấp, đặc biệt giá thịt lợn hơi rất thấp, kéo dài, gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Từ đầu năm đến nay, người nuôi lợn từ Đồng Nai tới các tỉnh phía Bắc “khóc ròng” vì giá lợn hơi bán tại chuồng, trại xuống thấp kỷ lục, chỉ còn khoảng 23.000-25.000 đồng 1kg, giảm gần 50% so với trước khiến người nuôi lỗ nặng. Trong khi đó thì giá thịt lợn trên thị trường vẫn cao (siêu thị vẫn bán giá khoảng 100.000 đồng/kg). Theo đó, Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNN, Bộ Công thương làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khẩn trương khắc phục.
Thủ tướng đề nghị rà soát ngay các quy hoạch, kế hoạch và tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm thuộc phạm vi quản lý, không được để xảy ra những trường hợp tương tự. “Chúng ta đã bị dưa hấu mấy trận rồi, bây giờ đến thịt lợn, sắp tới còn bị cái gì nữa?”, Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là đúng hướng nhưng trước đó, cần xem xét thị trường tiêu thụ nào cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đó, chứ không chỉ tập trung vào sản xuất mà không chú ý vấn đề tiêu thụ.
Đồng thời, Thủ tướng đánh giá, không khí sản xuất, kinh doanh của các địa phương và doanh nghiệp rất đáng hoan nghênh. Tại một số địa phương Bình Thuận, Trà Vinh, Thủ tướng trực tiếp đến làm việc và tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư cho thấy đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, công tác xúc tiến đầu tư thực chất và đi vào chiều sâu.
Điều đáng mừng là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 không tăng dù có sự điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại 14 tỉnh, thành phố; tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi, nhất là sản xuất công nghiệp. Trong tháng 4 có thêm gần 40.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký và bổ sung 825.000 tỉ đồng.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng thẳng thắn nêu lên những tồn tại hiện nay, đó là một số ngành kinh tế tiếp tục khó khăn, nhất là công nghiệp, khai khoáng, trồng trọt và chăn nuôi. Tổng cầu phục hồi chậm. Và có trên 4.000 doanh nghiệp giải thể và gần 27.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% năm nay cả về phía cung và cầu cần thực hiện quyết liệt hơn.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Xây dựng có giải pháp xử lý tình trạng tồn đọng các sản phẩm như titan, quặng sắt, đá khối, đá ốp lát, và một số mặt hàng khác còn tồn tại lớn, chưa tiêu thụ được, ảnh hưởng đến sản xuất. Cùng với đó là có giải pháp để phục hồi tăng trưởng khu vực công nghiệp – xây dựng theo hướng tái cơ cấu, tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo, điện, nước, xây dựng.
Trước thực trạng tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chậm, Thủ tướng yêu cầu tập trung cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp và phải làm rõ trách nhiệm cá nhân trong vấn đề này. Dù số doanh nghiệp tư nhân tăng mạnh nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã quyết định mở hội nghị doanh nghiệp toàn quốc lần thứ hai để tiếp tục tháo gỡ cho các loại hình doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân.
Trước tình hình kỷ luật, kỷ cương hành chính còn chưa nghiêm; còn nhiều vụ vi phạm quy định về công tác cán bộ, các vụ việc nhũng nhiễu, lợi ích nhóm, lãng phí. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Nội vụ, Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo thực trạng tình hình và đề xuất giải pháp để lập lại trật tự, kỷ luật kỷ cương hành chính và không để tình trạng vi phạm trong công tác cán bộ, nhũng nhiễu, lợi ích nhóm… tiếp diễn.
Trước thực tế này thịt lợn hơi giảm giá mạnh, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi sở tài chính các tỉnh, thành phố về tăng cường biện pháp bình ổn thị trường thịt lợn. Theo đó đề nghị các sở theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, rà soát và chủ động tham mưu với chính quyền địa phương có phương án kịp thời bình ổn giá; khuyến khích doanh nghiệp thu mua thịt lợn cho người nuôi với giá hợp lý. Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y tính toán và có giải pháp giảm giá bán sản phẩm khi các yếu tố chi phí đầu vào giảm và kê khai giá với cơ quan Nhà nước. |
An ninh trật tự, an toàn xã hội nói chung được giữ vững nhưng còn nảy sinh một số vụ việc như kích động giáo dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh, đặc biệt là vụ việc ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội)… diễn biến phức tạp. Do đó Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo tóm tắt tình hình và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp đối với các ngành, các cấp, nhất là chính quyền cơ sở để Chính phủ thảo luận, thống nhất đưa vào nghị quyết phiên họp. “Không thể nói là coi trọng phát triển kinh tế mà coi nhẹ an ninh trật tự xã hội được”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo bước chuyển rõ nét trong từng ngành và lĩnh vực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Cùng với đó, các bộ, ngành cũng phải đề xuất giải pháp để huy động nguồn lực, giải quyết tình trạng đình trệ trong đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư, khơi thông được các nguồn vốn tín dụng, đầu tư tư nhân và có biện pháp kích thích tiêu dùng, xuất khẩu để tạo đà cho tăng trưởng, nhất là với các bộ liên quan đến sản xuất và tăng trưởng.
N.B
Bình luận (0)