Chính phủ hôm 22-10 báo cáo trước Quốc hội về việc chưa có nguồn để tăng lương tối thiểu lên 1,3 triệu đồng theo lộ trình từ 1-5-2013.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ chiều 22-10 đã trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách năm 2013.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, nếu thực hiện đúng lộ trình cải cách tiền lương từ 1-5-2013, điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng và nâng phụ cấp công vụ từ 25% lên 30%, ngân sách nhà nước sẽ phải bố trí khoảng 60.000 tỉ đồng.
Cân đối ngân sách năm 2013 gặp khó khăn ảnh hưởng đến lộ trình tăng lương.
Theo bộ trưởng, do khả năng cân đối ngân sách năm 2013 khó khăn, phương án cân đối mới bố trí được trên 28.900 tỉ đồng, chỉ đủ để tiếp tục thực hiện mức lương tối thiểu 1,05 triệu đồng như đã tăng từ 1-5-2012. Bộ trưởng cho biết, căn cứ tình hình thực tế thu ngân sách năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về khả năng cải cách tiền lương năm 2013 tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2013).
Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, khả năng hoàn thành dự toán thu năm nay là rất khó khăn. Chín tháng đầu năm nay, tiến độ thu đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, chỉ đạt 740.500 tỉ đồng, tương đương 67,3% dự toán. Ngoài ra, ngân sách nhà nước cũng phải dành 20.000 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm nay cho việc miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế của doanh nghiệp để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, theo báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội của Chính phủ, tổng chi ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt trên 643.000 tỉ đồng, bằng 71,2% dự toán. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2013 khoảng 807.000 tỉ đồng, tăng 8,8% so với ước thực hiện năm 2012. Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2013 là 969.000 tỉ đồng.Bội chi ngân sách nhà nước dự kiến là 162.000 tỉ đồng, bằng 4,8% GDP.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, ngay trong ủy ban cũng đang còn có những ý kiến khác nhau về vấn đề nên tăng lương theo lộ trình hay không. Quan điểm thứ nhất là hoàn toàn đồng tình với đề xuất của Chính phủ. Quan điểm thứ hai cho rằng trong khi đời sống người dân gặp khó khăn như hiện nay, cần sớm thực hiện lộ trình tăng lương. Nguồn tiền lương có thể được lấy từ các khoản tăng thu nội địa và thu từ dầu khí, hoặc tiết kiệm một số khoản chi không cần thiết.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đề xuất: “Nên giảm những khoản khi không cần thiết để có tiền tăng lương”.
Theo ông Ngân, Chính phủ cần tăng thu nội địa, giảm những khoản chi không hợp lý, nhất là các khoản chi liên quan đến lễ hội, kỷ niệm, những khoản chi công lãng phí.
Trước những ý kiến cho rằng, tăng lương có thể ảnh hưởng đến giá cả, ông Ngân khẳng định, mấy năm gần đây, việc tăng lương đã không còn gây sốc đến nền kinh tế.
“Chúng ta cũng không tăng lương vào đầu năm vì vậy lương không còn là yếu tố nóng làm tăng giá; yếu tố tâm lý tăng giá do tăng lương cũng đã nhẹ hơn trước rất nhiều”, ông nói.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, không phải Chính phủ không muốn tăng lương, mà vì thu chi ngân sách khó khăn, nên trước mắt chỉ báo cáo với Quốc hội là chưa bố trí được, đề nghị giãn tiến độ, chưa thực hiện ngay. Đến khi nào cân đối được ngân sách, có nguồn để chi, Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội cho triển khai.
Dự toán ngân sách nhà nước 2013
– Dự toán thu nội địa: 545.500 tỉ đồng
– Dự toán thu từ dầu thô: 99.000 tỉ đồng
– Thu cân đối từ xuất nhập khẩu: 157.500 tỉ đồng
– Thu viện trợ: 5.000 tỉ đồng
– Dự kiến tổng chi cân đối ngân sách: 969.000 tỉ đồng. Trong đó chi cho đầu tư phát triển 180.000 tỉ đồng; chi trả nợ và viện trợ: 105.000 tỉ đồng; dự toán chi thường xuyên: 660.500 tỉ đồng (chưa bao gồm việc tăng lương tối thiểu lên 1,3 triệu đồng)
– Dự toán dự phòng chi ngân sách nhà nước: 23.400 tỉ đồng
– Bội chi ngân sách: 162.000 tỉ đồng, bằng 4,8% GDP.
(TBKTSG Online)
Bình luận (0)