TikTok hồi năm 2019 đã trả 5,7 triệu USD để dàn xếp cáo buộc của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ về thu thập thông tin cá nhân trái phép từ trẻ em
Theo trang Bloomberg hôm 20-6, bộ này sẽ không theo đuổi cáo buộc TikTok đã lừa dối người tiêu dùng Mỹ về vấn đề bảo mật dữ liệu trong vụ kiện sắp tới. Cụ thể, cáo buộc này cho rằng TikTok không cho người tiêu dùng Mỹ biết chuyện nhân viên của ByteDance tại Trung Quốc có quyền truy cập vào thông tin cá nhân và tài chính của họ.
Thay vào đó, vụ kiện bảo vệ người tiêu dùng nói trên sẽ tập trung vào cáo buộc TikTok vi phạm Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em, theo đó cấm thu thập dữ liệu về người dưới 13 tuổi.
Ông Shou Zi Chew, Giám đốc điều hành TikTok, tại một cuộc điều trần trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Mỹ hồi tháng 3-2023. Ảnh: Reuters
Trước đó, FTC đã điều tra vụ việc và khuyến nghị Bộ Tư pháp kiện TikTok về cả hai sai phạm nói trên. Tuy nhiên, trang Bloomberg chỉ ra rằng khi bộ này đại diện cho một cơ quan khác tại tòa án, họ có thẩm quyền xác định chiến lược kiện tụng tốt nhất để bảo đảm không có xung đột với các mối quan ngại về an ninh quốc gia hoặc các vụ kiện khác.
TikTok hồi năm 2019 đã trả 5,7 triệu USD để dàn xếp cáo buộc của FTC về thu thập thông tin cá nhân trái phép từ trẻ em. Ngoài ra, công ty còn đồng ý cung cấp các báo cáo hằng năm cho FTC về việc thu thập dữ liệu và tuân thủ thỏa thuận.
TikTok đang bị soi gắt gao về vấn đề bảo mật dữ liệu người dùng và mối quan hệ giữa ByteDance và Bắc Kinh.
Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 4 đã ký ban hành luật, theo đó cho ByteDance thời hạn đến ngày 19-1-2025 để thoái vốn khỏi TikTok tại Mỹ. Nếu không, nền tảng đang được 170 triệu người Mỹ sử dụng này sẽ phải đối mặt lệnh cấm.
TikTok và ByteDance hôm 20-6 đã thúc giục một tòa án Mỹ bác bỏ luật nói trên. Theo đơn kiện nộp lên tòa, ByteDance cho rằng không có bằng chứng xác thực nào về cáo buộc TikTok gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia, đồng thời nhấn mạnh việc thoái vốn là "bất khả thi về mặt công nghệ, thương mại hoặc pháp lý."
Ngoài ra, ByteDance và TikTok lập luận rằng luật trên đi ngược lại hoàn toàn truyền thống ủng hộ môi trường internet mở của nước Mỹ, cũng như đặt ra một tiền lệ nguy hiểm. ByteDance cũng cho biết các cuộc thương thảo kéo dài với chính phủ Mỹ đã đột ngột chấm dứt vào tháng 8-2022.
Ngoài ra, công ty công bố một phiên bản rút gọn của bản dự thảo thỏa thuận an ninh quốc gia dài hơn 100 trang để bảo vệ dữ liệu người dùng TikTok tại Mỹ và cho biết đã chi hơn 2 tỉ USD cho nỗ lực này.
Trong khi đó, các luật sư của nhóm người dùng TikTok lập luận rằng rõ ràng TikTok không gây rủi ro an ninh quốc gia tức thì bởi luật vẫn cho phép TikTok tiếp tục hoạt động từ giờ đến cuối năm nay, trong đó có giai đoạn diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Tòa án dự kiến vào ngày 16-9 tổ chức tranh luận về các vụ kiện do TikTok và ByteDance cùng với người dùng TikTok đệ trình. Kết quả của vụ kiện không chỉ tác động đến tương lai của TikTok tại Mỹ mà còn ảnh hưởng đến việc chính phủ Mỹ sử dụng quyền lực mới ra sao để tăng cường quản lý ứng dụng thuộc sở hữu nước ngoài. Trước đó, vào năm 2020, tòa án đã chặn nỗ lực của tổng thống Mỹ khi đó, ông Donald Trump, trong việc cấm TikTok và ứng dụng WeChat, thuộc sở hữu Công ty Tencent (Trung Quốc). |
Theo Hoàng Phương/NLĐO
Bình luận (0)