Hội nhậpThế giới 24h

Chính phủ Nhật cứu chứng khoán

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm 13/3 thông tin này đã thúc đẩy chỉ số chứng khoán Nikkei tăng 5,2%, mức tăng cao nhất trong gần hai tháng qua

Đảng cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản, Taro Aso sẽ thảo luận việc sử dụng quỹ tài chính công 330 tỷ USD để mua cổ phiếu của các ngân hàng Nhật Bản và những công ty đang bị ảnh hưởng xấu của sự tụt giá trên TTCK.
Nếu Chính phủ Nhật Bản hành động như vậy, có thể tin rằng kế hoạch mua cổ phiếu sẽ giúp đỡ được các ngân hàng và công ty khác đang có tình hình tài chính khó khăn do TTCK tụt giảm. Hầu hết các ngân hàng và công ty Nhật Bản sẽ khóa sổ chứng từ vào 31/3 để kết thúc năm tài chính. Trong một số trường hợp, các ngân hàng có thể dùng các khoản tiền phụ thêm này để cho doanh nghiệp vay. Hơn thế nữa, một sự phục hồi chứng khoán có thể động viên người tiêu dùng Nhật Bản mạnh tay chi tiêu vì họ đã đóng băng mua sắm kể từ khi TTCK Tokyo giảm 41% kể từ tháng 9/2008.
Một chút hồi phục
Các chuyên gia lại cho rằng thị trường có thể bình ổn, tăng chút ít trong vài tuần hoặc vài tháng nhưng trừ khi nền kinh tế có các dấu hiệu phục hồi tích cực nếu không các nhà đầu tư có thể tiếp tục bán cổ phiếu. Trưởng nhóm chiến lược của Credit Suisse, Shinichi Ichikawa nhận xét giá cổ phiếu là hàn thử biểu của nền kinh tế và thu nhập của các tập đoàn. Làm TTCK ấm lên theo cách mua vào cổ phiếu bằng quỹ tài chính công sẽ làm sai lệch chiếc hàn thử biểu trên.
Ngày 9/3, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản Keidanren đề nghị Chính phủ không chỉ mua cổ phiếu của các công ty hàng đầu mà nên thúc đẩy cổ phiếu của càng nhiều công ty lên giá càng tốt. Một tập đoàn của Chính phủ có thể đầu tư vào các quỹ thương mại hoặc (ETF) một rổ cổ phiếu có tác động lớn đến chỉ số chứng khoán. Để trả tiền mua cổ phiếu, tập đoàn chính phủ có thể phát hành trái phiếu bảo đảm mà sau đó có thể chuyển đổi thành ETF. Sự hấp dẫn của các trái phiếu có thể chuyển sang ETF nằm ở chỗ chúng không đòi hỏi trả tỷ lệ lãi suất thông thường. Trong khi đó, giới đầu tư có quyền lựa chọn nhận tiền trả theo kỳ hạn hoặc bỏ khoản này để đổi sang nhận trái phiếu hoặc ETF. Hi vọng là việc này có thể thuyết phục người dân Nhật Bản bình thường (nắm giữ tới 22% cổ phiếu ở Nhật) đầu tư vào chứng khoán.
Nhà đầu tư quốc tế nản lòng
Một số chuyên gia lo lắng sự can thiệp quá sâu của Chính phủ Nhật Bản có thể làm tổn thương địa vị của Tokyo với tư cách là trung tâm tài chính và xua đuổi giới đầu tư toàn cầu. Cho đến năm 2008, các nhà đầu tư ngoài Nhật Bản là một lực lượng phát triển trên thị trường chứng khoán Tokyo. Tờ nhật báo tài chính Nikkei đánh giá một khi Tokyo bị coi là TTCK do chính phủ điều tiết thì danh tiếng của nó trong thế giới tài chính sẽ bị đe dọa trong phạm vi trung và dài hạn.
Giáo sư tài chính của Đại học Waseda, Jun Uno nhận định Chính phủ Nhật có thể giành được lợi thế cho Yên nếu phối hợp giữa việc mua cổ phiếu và gia tăng các gói giải pháp kích thích kinh tế. Cho đến giờ, Quốc hội Nhật đã thông qua hai gói kích thích trị giá 66 tỷ USD, bao gồm 20 tỷ USD tiền mặt dành cho công dân. Chính phủ và Ngân hàng trung ương đã xây dựng một quỹ tài chính công trị giá 330 tỷ USD để chống đỡ vốn cho các ngân hàng. Tuy nhiên ông Uno cho rằng những biện pháp trên còn xa mới đáp ứng đủ tình hình và khuyến nghị chính phủ có nhiều giải pháp hơn nữa.
Ngày 13/3/2009, Thủ tướng Taro Aso đã kêu gọi thực hiện gói giải pháp thứ ba tập trung vào chi tiêu công và cắt giảm thuế. Thông điệp này được trợ giúp bằng con số công bố một ngày trước đó cho biết tổng sản phẩm quốc nội Nhật Bản trong quý 4/2008 đã giảm 12,1%. Nhiều chuyên gia cho rằng tình hình kinh tế Nhật trong quý 1 cũng không khác gì. Vì giới chuyên gia cho rằng Chính phủ Nhật sẽ phải suy nghĩ, hành động nhiều để phục hồi lòng tin cho thị trường và tình hình sẽ chỉ khá lên từ từ, không thể ngay lập tức.
Hoa Chi (dddn)
 

Bình luận (0)