Đề án đổi mới cơ chế tài chính này vẫn theo hướng học phí phổ thông nằm trong khả năng chi trả của người dân, còn học phí ở khối đào tạo sẽ tiến tới đảm bảo chi phí đào tạo trước hết là chi thường xuyên.
Bộ GD&ĐT vừa thông báo kết quả Hội nghị giao ban lần thứ nhất năm học 2008 -2009 khối các Sở GD&ĐT được tổ chức tại 7 vùng hồi cuối tháng 11, đầu tháng 12 vừa qua.
Theo đó, Chính phủ đã thông qua và trình Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo, trong đó có nội dung về chế độ học phí mới. Sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ phê duyệt triển khai đề án nhằm tăng kinh phí cho các trường, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập.
Chính sách học phí mới có thể được áp dụng trong năm 2009. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đề án này vẫn theo hướng, chi phí cho giáo dục phổ thông chủ yếu do ngân sách nhà nước, học phí phổ thông nằm trong khả năng chi trả của người dân (khoảng 4-8% thu nhập) còn học phí khối đào tạo sẽ tiến tới đảm bảo chi phí đào tạo, trước hết là chi thường xuyên. Đồng thời, nhà nước tiếp tục miễn giảm học phí cho học sinh diện chính sách, cho vay vốn đi học đối với sinh viên nghèo và cận nghèo.
Bên cạnh việc tăng học phí, Đề án này cũng đề cập đến việc cải cách chế độ tiền lương đối với giáo viên, trong đó có giáo viên mầm non. Bộ GD&ĐT cũng sẽ bổ sung nội dung đổi mới quản lý tài chính ở các trường vào chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng phổ thông đang được triển khai. Việc nhiều trường phải nộp một tỷ lệ từ nguồn học phí cho Phòng và Sở GD&ĐT là không phù hợp với quy định về quản lý và sử dụng học phí của nhà nước.
Dù ngay từ đầu năm học, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường kéo dài thời gian học từ 35 lên 37 tuần để giảm tải cho học sinh nhưng một số Sở vẫn chưa thực hiện do chậm nhận được hướng dẫn phân phối chương trình. Bộ GD&ĐT chỉ đạo, năm sau, các địa phương chủ động thực hiện quy định này cho bậc THCS và THPT để khắc phục việc dạy quá 30 tiết một tuần.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT còn yêu cầu các Sở thống kê chính xác quy mô học sinh các cấp để xác định lại mạng lưới các cơ sở giáo dục phổ thông cho phù hợp với quy mô học sinh đến năm 2012 và dự báo đến năm 2020. Trên thực tế, quy mô học sinh đang giảm do tỷ lệ sinh giảm trong nhiều năm trước.
Hiện, các trường ĐH, CĐ và THCN công lập thực hiện mức thu học phí theo Quyết định 70 của Thủ tướng ban hành năm 1998. Theo đó, mức thu một năm với hệ đại học không quá 1,8 triệu đồng, hệ CĐ không quá 1,5 triệu đồng; hệ THCN không quá 1 triệu đồng; dạy nghề không quá 1,2 triệu đồng. Còn bậc THPT, học sinh thành phố, thị xã đóng tối đa 35.000 đồng một tháng; học sinh nông thôn, đồng bằng 25.000 đồng và học sinh miền núi 15.000 đồng. Bậc THCS lần lượt là 20.000 đồng, 10.000 đồng và 8.000 đồng một tháng. |
Tiến Dũng (Theo VNE)
Bình luận (0)