Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chính phủ yêu cầu hạ lãi suất ngay lập tức

Tạp Chí Giáo Dục

Sẽ không chia lại ruộng đất vào năm 2013. Vài ngày tới sẽ hạ trần lãi suất huy động từ 14% xuống 13%. Xăng dầu đang lỗ nặng và sẽ phải tăng giá.
Đó là ba thông điệp quan trọng được đưa ra tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều tối 6-3. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, phiên họp Chính phủ ngày 5 và 6-3, Chính phủ đánh giá kinh tế-xã hội hai tháng đầu năm có chuyển biến tích cực. Lạm phát hai tháng ở mức 2,38% – mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Hệ thống ngân hàng tiếp tục ổn định, tính thanh khoản cao. Các tổ chức quốc tế qua theo dõi tình hình đã nâng mức tín nhiệm với Việt Nam lên một bậc.
Tới đây, trần lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng sẽ giảm từ 14% xuống 13%. Ảnh: HTD
Nhiều tín hiệu tích cực
Trước diễn biến thuận lợi ấy, vẫn khẳng định phải kiên trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng Thủ tướng yêu cầu thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng giảm trần lãi suất huy động, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, qua đó hạ lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.
Cụ thể về nội dung này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết trong vài ngày tới, NHNN sẽ có thông báo chính thức. Ông phân tích điều hành kinh tế suốt năm 2011 đã nhất quán theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ và kết quả cho đến những tháng đầu năm nay cho thấy hướng đi này là đúng, cho phép điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất tín dụng. Quý IV năm trước, lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh đã được giảm một bước, về mức 17%-19%/năm, tức giảm 1%-2% so với trước đó. Tuy nhiên, tại thời điểm đó một số ngân hàng gặp khó khăn thanh khoản, phải xin NHNN tái cấp vốn.
Sang đầu năm nay, tình hình được cải thiện. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng thuộc nhóm các tổ chức tín dụng sức khỏe tốt đã giảm rất mạnh, cao nhất là kỳ hạn một tháng cũng chỉ ở mức 13%-14%/năm. Số còn lại, chín tổ chức tín dụng yếu kém, còn bị nợ quá hạn trên thị trường liên ngân hàng thì lãi suất kể cả phạt chậm trả chỉ ở mức 18%-20%/năm. Tuy nhiên, những ngân hàng này đang nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ của NHNN, trước đây chiếm khoảng 10% hoạt động toàn hệ thống, sau bước chấn chỉnh ban đầu, chỉ còn 6%, ảnh hưởng tới hệ thống không đáng kể.
Một chỉ dấu khác là tình hình phát hành trái phiếu chính phủ khá tích cực. Năm ngoái, trái phiếu chính phủ phát hành với lãi suất cao mà không thu hút được các ngân hàng thương mại tham gia. Tới hai tháng đầu năm nay, lãi suất trái phiếu chính phủ giảm, cao nhất chỉ ở mức 11,27% cho kỳ hạn 3-5 năm, vậy mà một khối lượng lớn đã được đấu thầu thành công. Trong đó, giá trị mà các tổ chức tín dụng mua vào tăng gần 11% – con số kỷ lục so với cả những năm kinh tế vĩ mô ổn định.
Tỉ giá ngoại tệ gần như không biến động trong cả năm 2011 cho phép NHNN mua ngoại tệ, nâng dự trữ ngoại hối thêm 50% so với cuối 2010 và tiếp theo hai tháng đầu năm nay, tăng thêm 20% so với cuối 2011.
Trần lãi suất huy động còn 13%
“Với các chỉ dấu ấy, chúng tôi đã báo cáo Chính phủ, trước mắt các lãi suất điều hành của NHNN như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất trên thị trường OMO, lãi suất vay qua đêm trong hệ thống có thể đồng loạt giảm 1%. Trần lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng cũng được giảm từ 14% xuống 13%. NHNN sẽ theo dõi kỹ lưỡng diễn biến tình hình, nếu thuận lợi sẽ tiếp tục giảm thêm 1% mỗi quý. Nếu đến cuối năm, kiểm soát lạm phát được ở mức một con số, thì lãi suất huy động của ngân hàng sẽ xoay quanh mức 10%” – ông Bình nói.
Điều hành như vậy có dẫn tới nới lỏng quá mức chính sách tiền tệ? Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, cùng với việc tung lượng tiền lớn ra mua ngoại tệ, cũng như tăng kỳ hạn tái cấp vốn trong hệ thống, NHNN sẽ phát hành tín phiếu với kỳ hạn linh hoạt, lãi suất hợp lý để hút vốn tạm thời dư thừa mà các tổ chức tín dụng chưa đẩy ra ngoài được. Như vậy, các ngân hàng thương mại được nâng tính thanh khoản, tăng vốn khả dụng, có thể hạ lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay với nền kinh tế. Còn NHNN kiểm soát được dòng tiền, không gây áp lực lạm phát cũng như áp lực tới thị trường ngoại hối.
Xăng dầu buộc phải tăng giá
Về khả năng tăng giá xăng dầu, Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai cho hay những tháng gần đây, do diễn biến chính trị phức tạp ở Trung Đông và Bắc Phi, giá xăng dầu nhập khẩu tăng mạnh. Tại các đầu mối nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu, giá cơ sở hiện tại, chưa tính trích quỹ bình ổn đang cao hơn giá bán khoảng 2.000 đồng/lít. Giá bán trong nước so với các nước trong khu vực đang thấp hơn 6.000-8.000 đồng. Vì vậy, điều hành giá xăng dầu những ngày tới sẽ đúng tinh thần Nghị định 84 là điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường có định hướng của Nhà nước. Cụ thể, sau khi đã giảm thuế, trích quỹ bình ổn, nếu giá cơ sở vẫn còn cao hơn giá bán thì sẽ cho tăng giá ở mức hợp lý.
Ngoài ra, để đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo các địa phương kiểm tra các đại lý, cây xăng ghim hàng, đóng cửa. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tích trữ chờ tăng giá.
Đất hết thời hạn giao 20 năm: Không chia lại
Đây là tinh thần báo cáo về hướng giải quyết đất nông nghiệp hết hạn giao đất 20 năm vào năm 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi Chính phủ. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết do không đủ thời gian, Chính phủ chưa kịp bàn nội dung này. Nhưng trước tình hình người dân một số nơi lo lắng bị thu hồi đất khi hết hạn; một số ngân hàng từ chối giao dịch đất đai, thế chấp với đất sắp hết hạn giao, quan điểm chung của lãnh đạo Chính phủ là đảm bảo ổn định trong lĩnh vực đất đai. Người dân hoàn toàn yên tâm, tiếp tục đầu tư, sử dụng đất nông nghiệp ổn định, lâu dài.
NGHĨA NHÂN
Theo Pháp Luật

Bình luận (0)