Lên được A Pa Chải, cực Tây Tổ quốc ở Điện Biên, nơi “một tiếng gà gáy ba nước đều nghe”, xem như ý chí, lòng quyết tâm, thể lực lẫn sự may mắn của người chinh phục được khẳng định.
Từ Hà Nội, có nhiều đường đi Điện Biên để lên A Pa Chải. Mùa khô còn dễ đi, vào mùa mưa, những cung đường Tây Bắc trở nên cực kỳ nguy hiểm. Cung đường này thử thách cả sức khỏe lẫn ý chí của người chinh phục.
Những người chinh phục A Pa Chải vượt qua các đoạn đường nguy hiểm
Nguy hiểm ghê người
Các thành viên trong đoàn chúng tôi đã hai lần đi trong mây mù, dù đã tham khảo bản tin dự báo thời tiết và kinh nghiệm người dân địa phương khá kỹ.
Lần thứ nhất là từ Tú Lệ đi Mù Cang Chải – Yên Bái. Trời mưa nhẹ. Rời khỏi Tú Lệ, chúng tôi gặp ngay những con dốc cao vọi chìm khuất trong mây mù.
Đá lớn, đá nhỏ lổn nhổn, vương vãi trên đường. Không cần chạy quá nhanh, những đoạn đổ dốc nếu xe gặp đá có thể lật ngang như chơi. Một viên đá cỡ cái bát rơi từ độ cao vài chục mét xuống đường có thể chọc thủng mũ bảo hiểm, vậy mà những tảng đá tựa chiếc bàn lại có thể rơi xuống đường chúng tôi đi bất cứ lúc nào! Đôi khi, những chiếc xe máy, xe tải bỗng lù lù hiện ra trước mặt, nơi khúc cua cùi chỏ, khiến chúng tôi giật bắn người.
Lần thứ hai, chúng tôi đi từ Mường Nhé vào Quảng Lâm – Điện Biên. Mới 17 giờ nhưng rừng nhá nhem tối bởi mặt trời đã khuất sau những ngọn núi cao. Bóng tối đổ xuống rất nhanh kèm theo những cơn gió mạnh, lạnh buốt khiến những chiếc xe máy cứ chao đảo. Áo quần bắt đầu thấm đẫm sương đêm, kính chiếu hậu của xe cũng mờ nhòa. Xe máy khi đi ban đêm ở đây không khác gì rùa bò bởi sương mù dày đặc, lại không có đèn đường. Cách chống lạnh hữu hiệu nhất là mặc áo mưa phủ kín người.
Từ Mường Nhé lên A Pa Chải, đường nhựa ngày càng ít. Có hàng chục đoạn đường sạt lở, bùn lầy trơn trượt ngập đến ngang cẳng chân khiến người đi bộ còn thấy khó khăn. Xe máy muốn qua đây phải huy động 2-3 người vừa kéo vừa đẩy, thậm chí… khiêng. Mặt mũi, quần áo các thành viên trong đoàn chúng tôi dính đầy sình lầy.
Một mối nguy hiểm khác nhưng rất khó đề phòng là vắt rừng. Vắt hút no máu xong tự rơi khỏi người, để lại một vết thương nhỏ nhưng không ngừng chảy máu. Tôi đã bị vắt cắn ngang cổ, máu chảy thấm đẫm cả quần. Vết vắt cắn còn gây ngứa rất lâu.
Bè ngang độc quyền
Cung đường từ trung tâm tỉnh Điện Biên vào A Pa Chải vốn đầy nguy hiểm. Trong đó, từ trung tâm huyện Mường Nhé đi vào bản Tá Miếu ở xã Sín Thầu rồi lên A Pa Chải, đường có nhiều đoạn nước suối chảy xiết cao đến ngực. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của dân địa phương và du khách, nghề đẩy bè ngang xuất hiện ở các đoạn đường này.
Cách trung tâm Mường Nhé khoảng 18 km, Chung Chải là con suối to nhất, sâu nhất và giá đi bè qua đây cũng đắt nhất, 10.000 – 50.000 đồng/lần. Qua Chung Chải vào bản Đoàn Kết khoảng 25 km, suối Leng Su Sìn hiện ra, không rộng bằng Chung Chải nhưng cũng khá sâu. Án ngữ trước xã Sín Thầu là con suối lớn Mo Phí. Suối sâu, nước chảy xiết và có khá nhiều mỏm đá lớn, những chiếc bè vượt suối vì thế cũng phải rất vững chãi. Đóng một bè tre tải được 2 người và một xe máy qua suối như thế khoảng 400.000 – 500.000 đồng. Giá sẽ rẻ hơn nếu các hộ dân chung tiền, chung sức đóng. Thông thường, khoảng 2-3 hộ góp nhau đóng và họ chỉ mất nhiều nhất một buổi để có một chiếc bè vững chắc đủ dùng cho hết mùa mưa lũ.
Ở suối Mo Phí có một chiếc bè tre đặc biệt: Bè công cộng do chính quyền xã Sín Thầu đầu tư kinh phí và khoán giá cố định cho người đẩy. Chủ tịch UBND xã Sín Thầu, ông Pờ Dần Sinh, cho biết mỗi lần bè qua suối, người đẩy chỉ được lấy giá cố định 20.000 đồng. Với trẻ em đi học, chủ trương của xã là không thu tiền.
Rất nhiều người đã sống bằng nghề đưa bè ngang qua suối. Đó có thể là một hay nhiều hộ gia đình cạnh bờ suối hoặc vài người được chính quyền xã chỉ định đưa bè theo kiểu dịch vụ công cộng. Đa phần những người đẩy bè là thanh niên. Với những đoạn suối sâu nhưng ngắn, người dân địa phương không dùng bè. Xe máy của khách muốn qua suối phải thuê 3-4 thanh niên khiêng, trả công 30.000 – 50.000 đồng.
Người Hà Nhì ở Điện Biên chỉ trồng lúa ruộng bậc thang hoặc trồng ngô trên nương mỗi năm một vụ. Khoản thu nhập sau khi chia đều được 30.000 – 50.000 đồng/ngày/người giúp gia đình người đẩy bè trang trải các chi phí. Bè ngang vốn gần như độc quyền trên những con suối ở vùng cao này. Khi mùa mưa lũ gần hết, bè tre trở thành cầu bắc ngang suối với những chồng đá xếp phía dưới làm trụ. Khi ấy, giá qua cầu là 5.000 đồng/người và 10.000 đồng/xe máy. Hết mùa mưa, bè được gỡ ra để lấy tre làm sào hoặc nhóm bếp.
Pờ Chí Sìn, 23 tuổi, cho biết anh đã đẩy bè hơn 10 năm nay. Không hiếm lần Pờ Chí Sìn gặp cảnh lật bè, đổ xe, rơi người xuống suối. Trên đường vào A Pa Chải, chúng tôi còn gặp Pờ Chí Hùng, 5 tuổi, dân Sín Thầu, tham gia đưa bè cùng các anh, các chú. Hùng chưa đi học, khoản tiền được chia khi đẩy bè đều được cậu mua bánh kẹo.
Chưa lên mốc 0, chưa xong hành trình
Một chiến sĩ Đồn Biên phòng 317 khẳng định với đoàn chinh phục A Pa Chải chúng tôi: “Chưa lên mốc 0, coi như chưa xong hành trình”. Tính theo đường chim bay, từ Đồn Biên phòng 317 đến mốc 0 chỉ vỏn vẹn khoảng 4 km nhưng để đến được ngã ba biên giới VN – Lào – Trung Quốc ấy, chúng tôi phải trải qua đoạn đường khoảng 16-20 km ngoằn ngoèo ôm theo các sườn núi hướng lên “đỉnh trời” Khoang La San – một ngọn núi cao đến 1.865 m so với mực nước biển. Trải qua đoạn đường này, chúng tôi mới thấy đoạn từ Mường Nhé vào Sín Thầu chẳng thấm tháp gì!
Đường lên mốc 0 toàn dốc dựng đứng với cỏ tranh bén ngót, gai mâm xôi nhọn hoắt và sương mù rừng già mờ mịt. Chúng tôi phải vượt qua ngọn đồi dài khoảng 4 km với cỏ mọc cao ngang đầu gối để khởi động. Qua ngọn dốc cỏ tranh là đến phần rừng già nằm chìm trong mây. Vào địa phận rừng già, chúng tôi luôn đối diện những bụi mâm xôi gai tua tủa có thể móc vào da thịt bất cứ lúc nào.
Càng lên cao dốc càng trơn trượt, đường đi trở thành rãnh thoát nước mưa từ bên trên. Đôi khi, anh bộ đội biên phòng dẫn đường còn phải trượt ngã, còn chúng tôi thay phiên nhau “chụp ếch”. “Mây mù có thể làm người đi mất phương hướng và lạc sang tận Lào. Đã có không ít trường hợp lạc lối giữa rừng già như thế. Khi dẫn đường, chúng tôi phải quay lại tìm kiếm bằng cách hú gọi họ. Mỗi cuộc tìm kiếm như thế mất 1-3 giờ, thậm chí 5-6 giờ” – anh bộ đội cho biết.
Leo qua ngọn dốc cao, cột mốc số 0, nơi “một tiếng gà gáy ba nước đều nghe” hiện ra. Việc đầu tiên của chúng tôi là… thở. Thở lấy thở để vì mệt và không khí vốn loãng, thiếu ôxy. Chỉ có các chiến sĩ biên phòng vẫn tỉnh rụi. Họ vẫn lội rừng hằng ngày, hằng tuần để trực dọc vùng biên giới ba nước, từng đi những quãng đường dài gấp nhiều lần như thế để hoàn thành nhiệm vụ. Cũng như mọi khi, người lính biên phòng cùng du khách lên mốc 0 hôm ấy không khỏi tự hào – niềm tự hào của những người yêu dải đất hình chữ S và muốn chinh phục những nơi mình chưa biết.
Cờ Tổ quốc được mọi người chuẩn bị sẵn liền đem ra phất lên. Có người quấn cờ lên ngực, để sao vàng nằm ngang ngực trái. Có người quấn quốc kỳ lên trán. “Cảm giác gì đó cứ lâng lâng từ lồng ngực trái lên đến đỉnh đầu, tự hào lắm, sung sướng lắm!”- Hoàng Minh, một tay phượt trong đoàn, xúc động.
Cảnh đẹp say lòng
Chiếc xe máy của chúng tôi luôn phải đi với số 1 hoặc 2 để liên tục lên xuống những con dốc dựng đứng dài hàng chục cây số. Chúng tôi đi trong mây, ngang mây và lên cao hơn cả mây. Cảnh đẹp như tranh vẽ khiến chúng tôi chốc chốc phải dừng lại ngắm nghía, chụp ảnh. Những bản làng dưới thung lũng nằm cạnh các đồi cỏ xanh rượi. Những con suối trong veo. Những mảnh ruộng bậc thang vàng ươm, mây trắng lững lờ điểm tô xung quanh càng tạo cảm giác phiêu bồng, thoát tục.
A Pa Chải chìm khuất trong sương mù dày đặc
Đấy là ban ngày lúc trời nắng đẹp. Vào ban đêm, khi có trăng, những cung đường chúng tôi qua bàng bạc một màu huyền bí. Chúng tôi có cảm tưởng mặt trăng như một cái mâm vàng được ai đó đặt tài tình trên đỉnh núi. Xa xa, tiếng thiếu nữ Hà Nhì đùa nghịch khi tắm suối.
|
Bài và ảnh: Mai Quốc Ấn / NLĐ
Bình luận (0)