Có một cung đường tre tuyệt đẹp dài những 40 km, nằm phía tây Thanh Hóa. Con đường sẽ là thử thách đầy gian nan với người thích chinh phục những dốc cao hun hút, những vực sâu thăm thẳm.
Khám phá phía tây Thanh Hóa
Để đi tới con đường tre đẹp như trong tranh, chúng tôi lên lịch trình với những chặng đường bắt đầu xuất phát từ Hà Nội qua Hòa Bình, Mai Châu, Co Lương, Trung Sơn, Mường Lý, rẽ tại chợ, đi qua bản… và kết thúc là Mường Lát. Con đường men sát biên giới Việt Nam – Lào ít người biết này cũng là tuyến đường thông từ Hòa Bình sang với bên kia tây Thanh Hóa. Từ Mai Châu – Hòa Bình, chúng tôi có 11 km đường tuyệt đẹp để chạy đến Co Lương (Hòa Bình)- nơi có những cánh đồng lúa mướt xanh dập dềnh lướt qua trong ánh hoàng hôn. Nhiều người từng biết đến đoạn đường chạy từ Co Lương này, vì đây là điểm bắt đầu vào khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Pu Luông – nơi trở thành điểm đi trekking lý tưởng của cánh du lịch bụi vào mỗi mùa lúa chín.
Bản gần nhất trên con đường có tên Thanh Sơn, cách ngã rẽ 11 km. Trời tối sập rất nhanh và chẳng mấy chốc, những ánh đèn pha quét không đủ sáng len lỏi trong đêm. Con đường vào ban ngày bụi bặm này, ban đêm không một bóng người qua lại. Đêm đầu tiên, chúng tôi ngủ nhờ trong nhà của một đôi vợ chồng trẻ, chồng cán bộ xã, vợ giáo viên. Bữa cơm tự tay nấu với hai món ăn đơn giản là trứng tráng và rau hái trong vườn nhà nhưng ấm cúng và rộn tiếng cười.
Sau bữa sáng mì tôm, cả nhóm chuyển bánh. Những chiếc xe máy được tân trang sửa chữa lại trước mỗi chuyến đi đã sẵn sàng cho mọi thử thách. Những bản làng bình dị đầu tiên lướt qua và rừng tre đầu tiên cũng hiện ra trước mắt đoàn khách hiếu kỳ. Suốt dọc con đường độc đạo đang nhỏ dần là rừng tre bạt ngàn, bên kia sông Mã cũng một màu xanh của những cánh rừng tre. Cách khu chợ tại bản Mau không xa là bến đò vắt ngang sông Mã. Chở khách sang sông là một cụ bà tuổi đã lục tuần có nụ cười khoe hàm răng đen nhánh khỏe mạnh. "Chỉ chở đến 4 giờ chiều thôi, rồi về nghỉ. Hôm nào nước lên hay mệt thì cho thằng cháu nó làm", cụ bảo. Gần 20 năm chở đò cho khách, cụ nhớ mặt từng người dân trong vùng, nên khi mấy đứa chúng tôi hỉ hả chụp ảnh, tạo dáng, cụ không khỏi ngạc nhiên vì con đường này rất ít người ngoài vùng biết đến.
Đường tre hun hút kéo dài như vô tận |
Con đường nhỏ bắt đầu thử thách tay lái từ đây. Những con suối ngập nước bất ngờ hiện ra sau mỗi khúc cua với độ dốc đáng kể. Điểm ra dọc con đường hơn 100 km này có đến gần 30 con suối lớn nhỏ. Những đôi giày được thay bằng dép tông vì những đoạn suối quá sâu, buộc các "ôm" phải xuống xe lội bộ qua trước dò đường cho "xế". Đoạn đường trước mặt quả thật quá gian nan có thể làm nản lòng bất cứ ai nhưng cũng mang tới cảm giác lạ lẫm, quyết tâm chinh phục của chúng tôi. Lúc thì toàn đá hộc xếp chồng lên nhau, khi thì những dải đất đỏ trơn như mỡ, tiếp đến là những con đường đá ngoằn ngoèo với khúc cua tay áo một bên là vách núi, một bên là vực thẳm… Các "xế" phải thật vững tay lái còn các "ôm" luôn sẵn sàng tư thế nhảy xuống đẩy xe kịp thời khi đoạn dốc ngược trơn tuột chực làm chiếc xe đổ nhào. Để rồi khi vượt qua con dốc là đoạn xuống dốc tưởng như muốn cháy phanh.
Thời tiết tốt nhất để đi con đường này là vào khoảng đầu tháng 5, khi những cây phượng bắt đầu nở hoa rạng rỡ và tre tốt tươi sau mưa xuân. Tầm tháng 11, 12 cũng rất đẹp, trời đã hết mưa bão và tre ngả sang màu vàng la đà. Tuyệt đối tránh những ngày mới mưa hoặc có nguy cơ mưa khi đi vào đường này bởi mưa sẽ làm nhão nhoét những con đường đất đỏ, làm đá thêm trơn như bôi mỡ và đặc biệt là nước sông nước suối sẽ dâng cao khó lòng cho xe máy qua được.
Qua một con suối, cảnh sắc lại thay đổi đẹp hơn – Ảnh: Lam Linh |
Bù lại với con đường vất vả là khung cảnh đất trời không giống với bất cứ nơi nào. Dòng sông Mã uốn lượn theo con đường mà đến lúc này đã hoàn toàn không có mặt trên bản đồ nữa. Đi mà không biết bao giờ mình mới tới đích. Bên kia sông, những ghềnh thác, hang động với những cảnh quan mỹ lệ, huyền bí ẩn hiện. Thác, ghềnh trên sông Mã tại Bá Thước như: thác Suội, thác Cả, thác Long, thác Ngốc Cùng… là những ghềnh nguy hiểm. Lúc thì sông ở bên phải đường, vượt qua con suối nhỏ sang phía bên kia núi, sông lại đã nằm ở bên trái con đường. Vượt lên đỉnh con dốc cao, thiên nhiên hùng vĩ khiến chúng tôi có cảm giác đang chạm tay tới mây. Một vài đoạn, dòng sông Mã đi sát cạnh, người ta có thể xuống dưới rửa chân. Và khi qua một khúc quanh, sông Mã tựa như một dải lụa mềm mại cuộn đỏ phù sa vắt ngang trời xanh. Đoạn đường men chân núi có bề ngang chỉ còn gần nửa mét là nguy hiểm nhất. Dưới chân cát trượt. Chúng tôi chơi vơi giữa một bên là núi, một bên vực thẳm sâu, dòng sông Mã đỏ ngầu chảy cuồn cuộn phía dưới. Chầm chậm, cẩn thận, tiến qua con đường nhỏ này. Mồ hôi bám rịn nhỏ giọt trên từng khuôn mặt vì căng thẳng và vì cái nắng gay gắt của buổi trưa… Và khi con đường đầy thử thách được vượt qua, một cảm giác chiến thắng lan tỏa trên nụ cười rạng rỡ.
Đi mãi chúng tôi mới đến được một bản nhỏ. Cứ cách quãng chừng mươi, mười lăm km mới có một bản, lác đác vài quầy tạp hóa bán đủ mặt hàng thiết yếu từ bánh kẹo, mì tôm, trứng gà cho đến bột giặt. Những ánh mắt đầy ngạc nhiên khi thấy đoàn xe chúng tôi chạy qua. Dừng lại trước một ngôi nhà sàn của người Mông trong bản Chiềng Nưa, chúng tôi được người chủ nhà hồn hậu mời lên nhà nghỉ ngơi, cho mượn bếp để nấu ăn và chỉ chỗ cho rửa mặt. Ở khu vực biên giới hẻo lánh xa xôi này, những nếp nhà vẫn còn quá nghèo. Đa phần nhà cửa làm theo kiểu nhà sàn. Dưới nhà là nơi phơi thóc. Gian nhà chính rộng rãi, chất liệu làm nhà bằng gỗ, thoáng vào mùa hè và ấm khi đông về. Những bản làng đã đi qua từ bản Mau, bản Tà Chánh, bản Kít, bản Nàng, bản Xì Lô, bản Chiềng Nưa, bản Cha Lan, bản Póc… đâu đâu cũng bắt gặp những ánh mắt thân thiện như thế. Người dân đến sống trên con đường mòn này hầu hết là người từ dưới xuôi lên, một số là người Thanh Hóa, số khác là người Thái sống ở Co Lương, còn người chủ nhà tốt bụng mà chúng tôi nghỉ nhờ ở Mường Lý đến từ Nam Định, theo chồng về đây lập nghiệp. Con đường mà chúng tôi đang đi qua được người dân trong vùng gọi là đường suối Muống, vì con suối nhỏ nằm vắt ngang qua sông Mã gần đó mang cái tên giản dị này.
Cách không xa bản Chiềng Nưa (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) là di tích huyền táng (mộ táng treo trên vách núi) mới được Viện khảo cổ học phát hiện năm 1998, có niên đại khoảng thế kỷ XI. Hiện tại đây còn lưu giữ chứng tích của văn hóa Đông Sơn. Nơi đây còn có một hệ thống đền đài, miếu mạo là những dấu ấn lịch sử về tinh thần đấu tranh dựng nước của cha ông, trở thành những di tích lịch sử văn hóa gắn liền với dòng sông Mã. Đó là đền thờ Trần Nhật Duật và những đền thờ các tướng lĩnh có công trạng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ở thế kỷ XV như: đền Khăm Ban (phò mã nhà Lê tại xã Hồi Xuân), đền Tư Mã (xã Tén Tần, Mường Lát), đền và bia ghi sự tích về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (ở Mường Lát)…
Đi xuyên đường tre
Đích đến cuối cùng của chúng tôi là đường tre suối Muống, ấy vậy nhưng đi mãi, đi mãi, đường tre vẫn bặt vô âm tín. Và khi tất cả mọi người đều đã nản thì đoạn đường tre bất ngờ hiện ra. Đó là một đoạn đường tre cong vòng một cách hết sức tự nhiên. Những thân tre mảnh mai đan vào nhau kéo dài hàng trăm mét tạo thành một chiếu nghỉ thiên nhiên tuyệt mỹ. Nhìn từ xa, vòm tre như đôi mắt nhấp nhánh cười, hút sâu. Chúng tôi thả xe nhảy ùa vào giữa con đường tre, ngồi bệt trên thảm lá nghỉ ngơi. Ánh nắng xiên xiên qua vòm tre, nhảy múa trên thảm lá và đọng lại nơi khóe môi những nụ cười, nhảy nhót trên những khuôn mặt và những chiếc xe đang được nghỉ ngơi sau một ngày chạy hết khả năng kia tạo nên một cảnh tượng ngoạn mục…
Tất cả con đường đều được tái hiện khi chúng tôi dừng lại nơi đường tre suối Muống, đích đến của cả chặng đường thử thách và Mường Lát – huyện biên giới Thanh Hóa. Đi để cảm nhận cụ thể tình yêu quê hương vẫn dạt dào trong tim…
Lam Linh – Kim Giang / TNO
Bình luận (0)