Lần đầu tiên tại Việt Nam, một dự án của sinh viên trường nghề được doanh nghiệp đặt hàng, đầu tư hàng tỷ đồng để thương mại hóa sản phẩm và khởi nghiệp.
Các thành viên thực hiện dự án “Giải pháp giám sát điều khiển từ xa trạm viễn thông – Smart site” nhận giải nhì cuộc thi Startup Kite 2022
Đơn hàng trị giá… 6 tỷ đồng
Thành công của một dự án không phải là giải thưởng, cũng không phải là sản phẩm hoàn hảo mà ở tính thực tiễn, tiềm năng kinh doanh và gọi vốn thành công. Dự án “Giải pháp giám sát điều khiển từ xa trạm viễn thông – Smart site” do sinh viên Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM thực hiện là một dự án như vậy.
Em Lâm Võ Hữu Duy (đại diện nhóm thực hiện) cho biết, mục tiêu của dự án Smart site là hỗ trợ nhân viên kỹ thuật dễ dàng giám sát và xử lý kịp thời các sự cố ở trạm viễn thông. Rộng hơn là mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình giám sát nguy cơ cháy nổ, rò rỉ gas… thông qua cảm biến lửa, cảm biến khói, đóng mở cửa qua ứng dụng di động. Về kỹ thuật, Smart site sẽ hiển thị những dữ liệu thu được từ các cảm biến cho người dùng biết được tình trạng hoạt động tại các trạm được lắp đặt hệ thống. Khi bật app, người vận hành sẽ dễ dàng thấy trên màn hình hiển thị các thông số tại trạm. Và khi có sự cố báo cháy hay ngập nước sẽ hiển thị một khung thông báo trên điện thoại và nơi lắp đặt Smart site đang xảy ra sự cố. Đây là sự khác biệt lớn và được đánh giá có ưu điểm vượt trội so với các sản phẩm tương tự. Ngoài ra, Smart site còn có các tính năng như điều khiển và giám sát nguồn dự phòng (bình ắc quy, máy phát điện), lượng điện tiêu thụ và nhiệt độ, độ ẩm. Nhờ tính năng này, nếu không may xảy ra sự cố mất điện thì trạm viễn thông sẽ chuyển qua nguồn điện dự phòng, đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn.
TS. Châu Văn Bảo (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM, thứ 3 từ phải sang trái) trao đổi với các thành viên thực hiện dự án
Hữu Duy cho biết thêm, nền tảng công nghệ của Smart site theo xu thế chuyển đổi số. Đây là sản phẩm thuộc dạng IoT có cả phần cứng và phần mềm có thể giám sát điều khiển từ xa qua web hay app trên điện thoại. Đồng thời lưu trữ lại thông tin lên Server – nguồn thông tin quý giá cho phân tích dữ liệu khi cần thiết.
Với nhiều tính năng vượt trội, Smart site xuất sắc giành giải nhì cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp – Startup Kite 2022 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức. Không dừng lại ở đó, với tính khả thi trong thương mại, ngay khi dự án công bố đã được Công ty CP Việt Đan đặt đơn hàng 1.000 sản phẩm với tổng trị giá 6 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án còn được Công ty SAIGON POSTEL CORP đầu tư 1 tỷ đồng để mở rộng thị trường cũng như phát triển sản phẩm.
Mở ra cơ hội khởi nghiệp
Theo nhóm thực hiện dự án, giai đoạn đầu nghiên cứu, nhóm gặp không ít khó khăn do thiết bị chạy không ổn định và mất nhiều thời gian điều chỉnh. Các thành viên trong nhóm phải tích cực làm việc trước áp lực thời gian để giao hàng đúng tiến độ nhưng vẫn đảm bảo đúng tính năng kỹ thuật. Cấu trúc hoàn thiện về phần cứng và vỏ hộp cũng là một trở ngại lớn do nhóm không có chuyên môn, các chi tiết về cơ khí động học cũng phải tìm hiểu thêm. Nhóm tự mua nhôm về gia công trong điều kiện không có máy tiện, máy phay nên đó cũng là mặt hạn chế. “Mạch thì phải làm hộp để lắp vào, sản phẩm đầu tiên cần hoàn thiện cho khách hàng xem nên làm thủ công mất nhiều thời gian và tốn kém cho giai đoạn thử nghiệm cũng như hoàn thiện sản phẩm mẫu”, Lâm Võ Hữu Duy cho biết.
Các thành viên trình bày về tính năng của sản phẩm Smart site
Theo Hữu Duy, trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm phục vụ giám sát điều khiển từ xa trạm viễn thông tương tự do các nhà máy trong nước và nước ngoài sản xuất. Tuy nhiên, hầu hết đều có giá thành khá cao và tính năng còn hạn chế. Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ mới để cho ra một hệ thống giám sát và điều khiển với các tính năng tối ưu, Smart site còn gây sự chú ý bởi giá thành thấp hơn các sản phẩm tương tự đang có trên thị trường trên dưới 1 triệu đồng. “Mục tiêu ban đầu của dự án là bán ra 100 sản phẩm/tháng. Dự kiến tổng sản lượng bán ra trong năm 2023 là 1.200 sản phẩm, doanh thu khoảng 7,2 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng”, nhóm thực hiện dự án tính toán.
Dự án “Giải pháp giám sát điều khiển từ xa trạm viễn thông – Smart site” do TS. Châu Văn Bảo (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM) hướng dẫn; 4 sinh viên thực hiện gồm: Lâm Võ Hữu Duy (học năm 2 ngành điện công nghiệp thuộc Khoa Điện – Điện tử) phụ trách lắp ráp thiết bị, thiết kế bản vẽ; Nguyễn Lê Khải Hưng (học năm 3 ngành tự động hóa thuộc Khoa Điện – Điện tử) phụ trách lập trình phần mềm, gia công cơ khí; Huỳnh Vĩnh Phúc (học năm 3 ngành tự động hóa thuộc Khoa Điện – Điện tử) phụ trách lắp ráp, gia công thiết bị; Trần Trường An (học năm 2 ngành ngôn ngữ Anh thuộc Khoa Ngoại ngữ) phụ trách tìm hiểu thị trường, lên chiến lược kinh doanh. |
Đề cập đến hướng phát triển dự án, nhóm cho biết trước hết tập trung hoàn thành việc học tại trường rồi tiếp tục hoàn thiện các bước để khởi nghiệp như tuyển dụng thêm nhân sự phụ trách mảng kinh doanh, thương mại hóa sản phẩm. Ngoài ra, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm IoT tiếp theo như khóa cửa có OTP cho nhà cho thuê tự động, các thiết bị cho nhà thông minh, nhận các đơn đặt hàng về sản phẩm IoT trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh, đô thị thông minh… Hữu Duy cho biết nhóm dự kiến giới thiệu sản phẩm đến khách hàng thông qua nhiều kênh: Triển lãm, cho khách hàng là hộ gia đình và công ty sử dụng trải nghiệm, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng internet; tham gia các trang web công nghệ để giới thiệu sản phẩm; tham gia các cuộc thi về thiết bị công nghệ…
Bài, ảnh: Trọng Tri
Bình luận (0)