Theo dân gian, đối với nàng dâu, thì các bà cô bên chồng còn hơn cả giặc bên Ngô. Nhất là các bà em chồng, chị chồng vẫn còn quá rảnh rang, chưa bận bịu hôn nhân. Cũng có nghĩa chưa có đủ lòng trắc ẩn, và cảm thông cho người đã có chồng.
Lên xe hoa, về nhà chồng đã 5 năm, vậy mà bà Thái Huyền, cảm thấy cô em chồng hổng thương, hổng thích chị dâu. Bắt đầu từ cách xưng hô, chưa bao giờ cô em nhỏ hơn 2 tuổi gọi bà bằng chị, toàn nói trống, nói trơn, ngay cả lúc cô em ở nhà, ngồi vắt chân lên ghế nặn mụn, còn trong bếp thì bà chị dâu vật vã làm thức ăn. Trong đống quần áo của bố mẹ chồng, mà cô con dâu nhận trách nhiệm giặt giũ, bao giờ cũng có mấy cái đầm của cô em chồng bỏ nhầm vào.
Khổ nhất là cô em gái đi chơi về khuya lắc, ăn uống xong bày ra một bàn, rồi tót lên phòng riêng xem tivi. Con dâu không rửa thì mẹ chồng phải động tay, nên bà phải ráng nở một nụ cười, tự động viên mình dọn dẹp. Sức người có hạn, nên có lúc rửa xong đống chén đợt 2, bà than thở với chồng. Ông xã ôm vợ nhỏ nhẹ: “Thôi! Rồi nó cũng phải đi lấy chồng, chứ chẳng lẽ cứ ở vậy sao…”.
Nghe chồng nói, bà cũng lại ngậm bồ hòn mà khen ngọt, chứ biết sao. Nhưng qua lời chồng, bà bỗng lóe lên một ý tưởng táo bạo “Tìm chồng cho em chồng”. Bà bắt đầu lên kế hoạch, để ý hết mấy anh chàng độc thân trong cơ quan của mình, của bạn bè… lấy thông tin cá nhân của các đối tượng có vẻ hạp với cô em chồng. Bà tìm cớ để các đương sự vô tình ghé qua nhà lúc cô em có mặt. Qua nhiều đợt “tuyển” nhân sự, cuối cùng bà chọn ra một anh chàng đẹp trai tốt nghiệp đại học ngành ngoại ngữ, đang làm việc tại một công ty đối tác của cơ quan bà. Bà mời anh ta đến nhà, dạy tiếng Anh, cho cậu con trai cưng. Bà huấn luyện cho con trai vô tình khoe ông thầy với cô Út.
Có công mài sắt, có ngày nên kim. Cô Út cảm ông thầy trẻ, nên bỗng nhiên thân thiết, quí mến chị dâu, vì muốn có đồng minh. Ngày cô Út lên xe hoa, bà chị dâu còn mừng hơn ngày cưới của bà. Quả là: “Có chồng, mới biết thương chị dâu”, vì khi cô em chồng về làm dâu, khốn khổ với các “liền chị, liền em” bên nhà chồng, mới thấy luật… nhân quả “Mình từng làm khổ người, thì có người khác làm mình khổ!”.
Lấy chồng, có nhà ở riêng, đó là một giải pháp tuyệt vời để không còn “đụng chạm” với các bà cô bên chồng, thế nhưng, điều đó chưa hẳn là đã mang lại cho các bà chị dâu sự bình an. Bà Nguyễn Thị Bằng, một nhân viên ngành ngân hàng, là người ở trong hoàn cảnh này. Trước khi lấy chồng, bà đã mót hết tiền bạc, cùng người yêu mua cho được một căn hộ chung cư, để không phải “chung chạ” với gia đình chồng gồm bố mẹ, cậu em trai, và một bà chị của chồng.
Thằng em trai bàng quan với chị dâu bao nhiêu, thì bà chị gái lại dòm ngó em dâu bấy nhiêu. Cứ mỗi lần, chị em gặp nhau, bà đều khó chịu bởi những lời nhận xét đánh giá của bà chị chồng: “Dạo này, coi bộ em phát tướng, kiểu này mà sanh đẻ nữa, thì coi bộ to hơn má đó!”. Ngó qua cậu em trai bà chị chồng lại nói: “Còn em, lấy vợ xong cứ ốm dần, bộ làm ăn kiếm tiền nuôi vợ hả em?”. Bà chị chồng còn độc thân, mà cứ quan tâm đến chuyện sanh nở, còn làm ra vẻ như là mình rành rọt chuyện vợ chồng. Có lần, không kiềm chế được, bà Bằng đốp lại: “Cỡ chị mà lấy ai, thì người đó chắc còn da bọc xương”. Thế là, bà chị chồng làm ầm ĩ: “Cô nói vậy là nghĩa làm sao?”. “Thì chị tự hiểu đi…”.
Đối với bà Bằng, chị chồng khó đối phó hơn mẹ chồng. Bởi mẹ chồng, thì con dâu còn nể “người cao tuổi”, kính trọng bậc sinh thành của ông xã, nên kiềm chế dễ hơn. Còn chị chồng, hơn mình vài tuổi, ăn nói lung tung, làm sao chịu nổi? Thế nhưng, từ ngày bà Bằng sanh ra thằng Cu, thấy chị chồng bế bồng, nựng nịu con trai mình, bà nghĩ ra một chiêu kéo lại khoảng cách chị chồng em dâu: Bà trao cho thằng nhóc con vai trò của một sứ giả hòa bình. Mỗi lần nó khóc, nó làm biếng ăn, bà gọi điện cho chị chồng: “Thằng cục cưng của chị, nó làm sao nè?”. Ông xã bà nhắc: “Chị ấy chưa có con, biết gì đâu…”.
Ông đâu biết, đó là cách của bà xã nhằm “thu phục nhân tâm” bà chị chồng. Bà cô của thằng Cu bỗng chăm chỉ đọc sách, lên mạng lấy thông tin, đi hỏi khắp nơi… để chỉ vẽ cho cô em dâu. Bà chị chồng có cảm giác mình là người rất quan trọng đối với mẹ con thằng nhóc. Lâu lâu, “quăng” thằng con cho bà chị chồng, bà Bằng rủ ông xã đi coi ca nhạc, còn được chị chồng khen: “Vậy là em biết cách giữ chồng đó. Có con, cũng phải biết nghĩ đến chồng nghen em!”.
Thật ra, các bà cô bên chồng, đâu phải ai cũng “ghê gớm” hơn bọn giặc Ngô. Các nàng dâu, chị dâu, em dâu… hãy tập trung nghiên cứu cách chinh phục “giặc” để con cái của mình có những bà cô dễ thương.
PHƯ
Bình luận (0)