Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chinh phục nhiệm vụ “bất khả thi”

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm nay chủ nhật, tôi tạm cho mình được thong dong sau hàng núi công việc cần làm khi mới vào năm học. Không hẹn mà nên, các em HS tôi chủ nhiệm năm rồi, hết đứa này đến đứa khác điện thoại hỏi thăm sức khỏe và huyên thuyên kể về những trải nghiệm đầu năm của các em trên giảng đường đại học. Một niềm hạnh phúc mơn man lan tỏa trong tâm hồn tôi và những kỷ niệm của năm học rồi cứ như những thước phim chầm chậm hiện về.

Năm học 2016-2017, tôi được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 12/3, một lớp học yếu và đặc biệt có nhiều HS cá biệt nhất trường. Với tôi đây là một nhiệm vụ “bất khả thi”, như nhiều đồng nghiệp đã nhận xét bởi tôi còn quá “non nớt” trước những lớp như thế này. Quả thật “tiếng đồn không sai”, ngay từ đầu năm học các em đã gây cho tôi không biết bao nhiêu sự phiền toái. Lúc đầu chưa thích ứng tôi phản ứng rất quyết liệt, dần dà tôi ngộ ra cần phải tìm những “đối sách thích hợp”. Sự tức giận không giải quyết được vấn đề thậm chí còn làm tình hình thêm trầm trọng.

Tôi tiến hành phân loại HS theo nhóm, đặc biệt chú ý đến nhóm HS cá biệt. Tôi quyết định đi sâu vào “nội bộ” để “phá hoại tập đoàn quấy rối” này từ bên trong. Tôi tách nhóm các HS cá biệt ra rồi tâm sự với từng em tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể của mỗi em mà tôi có sự tác động riêng. Công việc tưởng chừng tạm ổn, chưa được thở phào nhẹ nhõm, tôi đã phát hiện một việc “tày trời” của “cái tập đoàn quấy rối” này: Các em tụ tập nhau đi uống rượu vào giờ nghỉ trưa. Bao nhiêu công sức trong hai tuần liền của tôi coi như đổ sông đổ biển. Tôi gọi các em lên phòng họp, tôi quan sát thấy các em chưa đến nỗi say, có uống rượu nhưng chưa quá đà. Nhìn ánh mắt có phần hối lỗi của các em, cơn giận dữ của tôi đã phần nào dịu bớt, tôi yêu cầu các em viết tờ tường trình. Đọc qua năm tờ tường trình, tôi bất ngờ bởi một chi tiết trong tờ tường trình của các em. Các em trình bày: Sở dĩ có buổi uống rượu hôm nay là do các em muốn “đoạn tuyệt” cuộc sống cũ mà chuyên tâm vào việc học. Tôi hoàn toàn bất ngờ trước tình huống này. Tuy không quá mù quáng tin hết vào lời của “tập đoàn quấy rối này” nhưng tôi cảm nhận được công sức của hai tuần trước không đến nỗi uổng phí. Tôi quyết định chỉ làm việc riêng với các em mà không đánh động đến Đoàn trường và gia đình của các em. Từ ấy về sau, trong “tập đoàn” ấy tuy không phải đã thật sự lột xác triệt để nhưng một số cá nhân đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Trong những buổi lao động, nhiều HS nam trong lớp không tự giác làm việc chỉ nô đùa, hoặc la cà trò chuyện phiếm. Tôi kêu thế nào các em cũng không làm việc tích cực. Không còn cách nào khác, tôi mượn dụng cụ và cùng các em khác lao động, không hiểu sao từ đấy cả lớp cùng làm việc nhiệt tình. Lớp tôi luôn là lớp hoàn thành sớm và chất lượng các công việc mà trường giao cho.

Vì là lớp học yếu nhất trường, nên phần đông các em trong lớp không nhận thức một cách sâu sắc mục tiêu học tập cũng như định hướng tương lai. Hơn thế nữa các em lại chưa được trang bị những giá trị sống, những kỹ năng sống cần thiết trong cuộc sống. Để bù đắp những thiếu hụt ấy tôi tải những câu chuyện “Quà tặng cuộc sống” phù hợp để cho các em xem vào những giờ ngoại khóa, sau đó cùng các em thảo luận bài học ý nghĩa sau từng câu chuyện. Qua những buổi ngoại khóa như thế tôi thấy các em đã tự rút ra cho mình nhiều bài học hay.

Một năm học với hằng hà xa số những việc đại loại như thế, chính bản thân tôi cũng đã bừng ngộ nhiều điều: Cách tốt nhất để đi đến trái tim các em là người giáo viên phải biết “nhập vai” vào vị trí của các em trong các tình huống. Có như thế người giáo viên mới hiểu HS một cách sâu sắc để từ đó đưa ra những cách xử lí thích hợp.

Kết quả thi tốt nghiệp nằm ngoài sự tưởng tượng của tôi, lớp tôi thi đỗ tốt nghiệp 100% còn tỉ lệ bộ môn của tôi lên đến 96%. Tôi như không tin vào mắt mình khi cầm bảng điểm trên tay. Một kết quả mà có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ đến. Vậy mà học trò tôi đã làm được.

Năm nay, tôi không chủ nhiệm nhưng vẫn dạy bộ môn lớp 12/3. Phòng học lớp tôi năm rồi, năm nay vẫn dành cho các em 12/3. Trong lúc tình cờ, khi đang dạy, tôi thấy những hàng chữ nhỏ ở góc tường kế chân bàn giáo viên: “Lớp 12/3 love thầy Tuấn mãi mãi”. Mắt tôi mờ đi. Các em HS đang ghi bài phía dưới cứ ngơ ngác: Sao thầy lại khóc?

Trầm Thanh Tuấn (Trà Vinh)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)