Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Chính quyền 2.0

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trên đoàn tàu ở San Francisco, California (Mỹ), một cảnh khó chịu thường xuyên diễn ra: toa tàu đông nghẹt người trong không khí nóng bức. Nếu như vài năm trước người dân chỉ nhún vai mặc kệ, hoặc phàn nàn kêu ca khi gặp bạn bè, còn nay thời của công nghệ di động, người dân sẽ làm gì?

Công cụ web, công nghệ di động và các ứng dụng GPS giúp người dân có tiếng nói nhiều hơn về việc điều hành của chính quyền – Ảnh: CNN

Craig Newmark, người sáng lập Craigslist – trang web quảng cáo tất cả các dịch vụ ở 570 thành phố tại 50 quốc gia, lấy ra chiếc iPhone chụp hình toa tàu đầy người, dùng phần mềm ứng dụng có tên “SeeClickFix” (xem, bấm và sửa chữa), cộng thêm vài câu phàn nàn mà ông vừa đi vừa bấm phím, GPS (hệ thống định vị toàn cầu) để gửi thẳng bức hình tới tòa thị chính. Newmark kể: “Một tuần sau tôi nhận được email hồi âm: Chúng tôi biết vấn đề đó và sẽ thực hiện một số giải pháp nhằm hạn chế và chấm dứt tình trạng này”.

Newmark đang làm việc mà những người ưa công nghệ gọi là “Gov 2.0” (Chính quyền 2.0). Công nghệ di động và các ứng dụng này đang giúp nhiều người dân lên tiếng về cách chính quyền sử dụng tiền thuế của họ để cung cấp các dịch vụ giúp họ sống tốt hơn. Đó là dịch vụ công trong thời kỹ thuật số.

"Chính quyền nhiều khi quên mất tài sản quý giá nhất mà họ có là những công dân có thật của mình"
Các chuyên gia công nghệ đã hướng tới phát triển những ứng dụng liên quan tới lịch chạy tàu, hệ thống phàn nàn kiện cáo, những lỗ hổng luật pháp, vị trí để sửa dây điện, đổ rác. Mục đích của các ứng dụng này là giúp người dân báo cho nhà chức trách các vấn đề họ gặp phải trên đường dễ hơn, chính xác hơn và công khai hơn. Xu hướng này có thể giúp cải thiện mối quan hệ giữa chính quyền – cử tri tốt hơn, và có thể là nền tảng cho một thời kỳ mới về dân chủ ở cơ sở.

Clay Johnson, giám đốc Sunlight Labs – nhóm thúc đẩy ứng dụng Gov 2.0, nhận định: “Những ứng dụng này sẽ chấm dứt mối quan hệ bị động giữa người dân và chính quyền. Nghĩa là thay vì người dân xem những rắc rối họ gặp trên đường là việc chính quyền phải xử lý, họ sẽ có vai trò chủ động hơn, có trách nhiệm hơn qua việc thông báo cho chính quyền chuyện đó”. Các bức hình hay thông tin sẽ được gửi thẳng tới bộ phận dữ liệu của nhà chức trách địa phương, như cây chết, đồng hồ đếm giờ đậu xe bị hỏng, biển chỉ đường cần được sửa chữa…

Brian Purchia, người phát ngôn của văn phòng thị trưởng ở San Francisco, nhìn nhận những thông tin này cũng như thông tin trên trang Twitter của thành phố đã giúp thành phố tìm được điều người dân quan tâm nhất để ưu tiên giải quyết. Ví dụ, một người dùng Twitter sử dụng tên @bolinasgirl báo đèn đường bị hỏng. Chính quyền trả lời trên Twitter và gửi thông tin trong vòng 24 giờ cho biết đèn đã được sửa. Cho dù không phải phàn nàn nào cũng được giải quyết ngay, nhưng nhờ thế nhà chức trách biết được một số vấn đề mà họ có thể không biết.

Đến nay, chính quyền ở thành phố lớn như San Francisco, Washington, New York, Washington D.C đều đã tổ chức các cuộc thi cho những chuyên gia phát triển web để đưa các dữ liệu vào ứng dụng phục vụ người dân, và họ cũng được hưởng lợi từ các chương trình này.

Peter Corbett, giám đốc điều hành iStrategyLabs và là người tổ chức cuộc thi “Các ứng dụng tại Washington”, nhận định: “Tôi nghĩ chính quyền đã nhận ra họ không thể có tiền để cái gì cũng tự làm. Chính quyền nhiều khi quên mất tài sản quý giá nhất mà họ có là những công dân có thật của mình”.

Cuộc thi lần thứ hai “Các ứng dụng cho dân chủ” ở Washington đã trao các giải thưởng tổng giá trị 20.000 USD cho các nhà phát triển phần mềm ứng dụng. Nhưng nhiều người sẵn sàng làm việc miễn phí. Ví dụ, Alan Wells là đồng sáng lập Haku Wale, một công ty phát triển ứng dụng có tên “EcoFinder” (Tìm nguồn sinh thái) ở San Francisco. Ứng dụng này giúp công dân biết các vị trí cho phép vứt rác điện tử hoặc những vật liệu độc hại khác. Ông cho biết công ty đã chi 20.000 USD để phát triển ứng dụng, nhưng không lấy 1 xu phí của người dùng. Điều quan trọng là có sẵn dữ liệu về các nơi xử lý rác của thành phố để công ty sử dụng.

HẠNH NGUYÊN (Theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)