Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chính sách bảo hiểm y tế mới từ 1-10: Chưa áp dụng đã thấy rắc rối

Tạp Chí Giáo Dục

Có ít nhất hai trong số hàng loạt điểm mới về bảo hiểm y tế (BHYT) gây ra những thắc mắc không có hướng giải quyết khi các đại biểu nêu ra tại Hội nghị hướng dẫn thực hiện Luật BHYT ngày 5-9.

Xét nghiệm để điều trị bệnh nhân theo chế độ bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) – Ảnh: THANH ĐẠM
Đó là yêu cầu đối tượng bảo trợ xã hội (trẻ không nơi nương tựa, người già neo đơn…), thương binh dưới 81%, các cụ hưu trí phải cùng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh, người bị tai nạn giao thông phải đóng chi phí khám chữa bệnh trước khi xác định có vi phạm Luật giao thông hay không.
Luật mà cũng…“vận dụng”, “du di”(!)
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền – phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai  (Hà Nội), với quy định mới, trên 90% bệnh nhân sẽ phải cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh các mức 5-20%. Những bệnh viện chưa áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý sẽ không thể tính được vì không ai nhớ được 15 mã thẻ (đối tượng) và mức cùng chi trả của từng mã. “Hai điều vướng” cũng làm giới chức y tế lúng túng. Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Tống Thị Song Hương đề xuất: các địa phương phải “vận dụng”, “du di” với hai quy định này!
Đại diện Bảo hiểm xã hội Cao Bằng tham dự hội nghị cho rằng nếu cơ quan tài chính không có hướng dẫn cụ thể những điểm có thể du di, các địa phương sẽ không dám thanh toán cho người bệnh. Theo vị này, nhóm đối tượng bảo trợ xã hội rất khó có khả năng cùng chi trả. Chưa kể bệnh viện sẽ bị người bệnh là thương binh, các cụ hưu trí phản ứng (vì trước đây BHYT thanh toán 100% phí khám chữa bệnh). Với người bị tai nạn giao thông, nếu yêu cầu nộp phí trước khi xác minh có phạm luật hay không sẽ ảnh hưởng đến tiến độ cứu chữa vì có khi người bệnh không có tiền.
Theo bà Song Hương, các địa phương sẽ phải du di bằng cách đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ chi phí cho nhóm bệnh nhân bảo trợ xã hội vì chắc chắn khó thu 5% cùng chi trả. Với người bị tai nạn giao thông, bà Hương đánh giá: “Ngay từ đầu đã xác định khó thực hiện, quan điểm của ngành y tế là phải cấp cứu trước rồi mới quan tâm đến có thẻ BHYT hay không, có phạm luật hay không. Trường hợp chưa rõ, BHYT cứ chi trả”!
Luật đánh đố, nên chưa thực hiện đã buộc phải du di!
Phiền toái có thể phát sinh
Gọi những việc chuẩn bị thực hiện BHYT mới là phương án 1.10 (thực hiện ngày 1-10), bà Song Hương cho biết Bộ Y tế sẽ tổ chức 20 đoàn kiểm tra việc thực hiện BHYT tại các bệnh viện. Xem bệnh viện chuẩn bị đến đâu, vướng mắc thế nào, nếu không ngày 1-10 sẽ hỗn loạn và người bệnh phàn nàn. Sẽ có những phiền toái mới, bởi thấy trước rằng người bệnh sẽ phải xếp hàng thêm ít nhất hai lần để trả phần cùng chi trả và lấy lại thẻ BHYT: một lần trước khi làm các xét nghiệm và một lần trước khi ra viện!
Bên lề hội nghị hôm qua, hầu hết những người có trách nhiệm được hỏi đều không thể giải thích những lý do chấp nhận được cho quyết định thực hiện cùng chi trả với trên 90% người bệnh. Ai cũng cho rằng cùng chi trả để người bệnh kiểm soát chi phí điều trị, nhưng thực tế họ lại đóng vai trò thứ yếu trong quyết định sử dụng dịch vụ gì, thuốc nào, giá cả ra sao, vì thế vai trò kiểm soát của họ không hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Minh Thảo – trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội VN), cách để kiểm soát chi phí tốt nhất là tạo ra quy trình điều trị chuẩn cho nhóm bệnh. Chẳng hạn nhóm nào chỉ cần chụp X-quang, nhóm nào cần cộng hưởng từ hay CT scanner, các thuốc điều trị tương ứng nhưng quy trình này VN chưa có. Vì thế, rất khó xác định bác sĩ, bệnh nhân lạm dụng. Và khi chưa kiểm soát được điều này, những quy định trên hạn chế bệnh nhân trước bằng “trần thanh toán” và theo đó là hàng loạt quy định nhằm hạn chế quyền lợi của người bệnh.
LAN ANH (TTO)
Khi xuất viện được lĩnh thuốc tối đa năm ngày
Đó là nội dung công văn hướng dẫn mới đây của Bộ Y tế về việc cấp thuốc cho bệnh nhân BHYT nội trú khi xuất viện.
Theo hướng dẫn này, với những bệnh nhân BHYT nội trú khi xuất viện nếu cần phải tiếp tục sử dụng thuốc để đảm bảo hiệu quả điều trị, bác sĩ được kê đơn cho bệnh nhân lĩnh thuốc về nhà tối đa năm ngày. Tiền thuốc cấp được kê vào chi phí điều trị nội trú của bệnh nhân tại bệnh viện. Nếu phải điều trị thuốc hơn năm ngày, bệnh viện phải hướng dẫn bệnh nhân đăng ký điều trị ngoại trú tại bệnh viện của mình hoặc chuyển bệnh nhân về tuyến dưới điều trị tiếp.
Bộ Y tế yêu cầu lãnh đạo các bệnh viện có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc kê đơn, cấp phát thuốc cho bệnh nhân BHYT đúng quy định, không để xảy ra việc lạm dụng thuốc.
L.TH.H.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)