Ngày 15-6, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo chính sách đối với nhà giáo trong việc xây dựng Luật Nhà giáo. Có thể nói, chưa bao giờ lời giải cho bài toán giáo viên được đặt ra nóng bỏng như lúc này. Khi mà nỗi lo về một đội ngũ nhà giáo thiếu nhiệt huyết và động lực đang trở thành nỗi ám ảnh thường trực không chỉ đối với xã hội, mà còn đối với chính những người hoạch định chính sách.
Đề nghị phục hồi chế độ phụ cấp thâm niên
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4 TPHCM) trong giờ học môn Đạo đức. Ảnh: MAI HẢI
|
Theo Bộ GD-ĐT, tính đến năm học 2007 – 2008, cả nước có 1.055.078 nhà giáo; tăng 79.800 nhà giáo (7,56%) so với năm học 2004 – 2005. Tuy nhiên, theo Cục Nhà giáo Bộ GD-ĐT, hệ thống chính sách đối với nhà giáo hiện nay chưa thu hút được người tài giỏi làm nghề dạy học. Nhiều ý kiến đòi hỏi phải làm lại, xây dựng đồng bộ hệ thống chính sách đối với nhà giáo.
Ông Lê Phước Long, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho rằng, nếu nói về mức lương, thang bảng lương của giáo viên (GV) thì “khỏi phải bàn” vì so với các ngành khác trong hệ thống hành chính sự nghiệp, lương GV thuộc hệ cao. Nhưng vấn đề là GV ngoài lương ra rất khó để có thu nhập gì khác, khiến họ không bảo đảm được cuộc sống của mình và gia đình. Nếu coi GD-ĐT là quốc sách hàng đầu thì phải nâng lương GV lên. Cần phải khôi phục phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo để động viên họ.
Thực tế, phụ cấp thâm niên đối với GV chỉ được thực hiện từ 1988 – 1995, sau đó ngành GD-ĐT chuyển sang thực hiện phụ cấp ưu đãi. Luồng ý kiến khác cũng cho rằng, cần song song thực hiện cả phụ cấp ưu đãi lẫn phụ cấp thâm niên, vì như thế sẽ dung hòa được lợi ích của cả GV có thâm niên cũng như GV trẻ mới vào nghề, không thể lấy lý do ngân sách eo hẹp để chối bỏ điều này.
Ông Nguyễn Hữu Diễn, nguyên quyền Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, nói: Nhà giáo làm nghề lao động đặc thù, có điều kiện lao động cao hơn bình thường. Tuy hiện nay nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi trực tiếp giảng dạy, nhưng lại chưa được xác định trong mức lương, thang, bậc lương, chưa được dùng để tính đóng và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Nhà giáo nào rồi cũng phải nghỉ hưu. Sau bao nhiêu năm cống hiến, thực hiện nhiệm vụ quốc sách hàng đầu, nhưng khi về nghỉ chế độ, nhà giáo lại chỉ được hưởng tiền lương như bao lao động bình thường khác, là điều vô lý.
Luân chuyển GV: “Đi dễ, về khó”
Một vấn đề bức xúc trong chính sách đối với GV hiện nay, là việc luân chuyển GV lên vùng khó khăn. Bộ GD-ĐT khi soạn thảo Luật Nhà giáo cũng muốn luật hóa vấn đề này theo hướng quy định chính sách rút ngắn thời gian công tác của nhà giáo ở vùng khó khăn xuống còn 5 năm.
Tuy nhiên, thực tế đang vấp phải vấn đề nan giải: Nhiều trường vùng thuận lợi không còn “cửa” để tiếp nhận GV từ vùng khó chuyển về. Bao lâu nay, ngành GD-ĐT vẫn tồn tại nghịch cảnh luân chuyển GV “đi dễ, về khó”.
Bà Đoàn Thị Công Minh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương, cho rằng, phải luật hóa việc này, vì thực tế, việc luân chuyển GV không chỉ là giữa vùng khó khăn và vùng thuận lợi, mà ngay địa bàn một huyện sẽ diễn ra luân chuyển GV giữa trường kém và trường tốt.
Cùng tâm trạng, ông Lê Phước Long chia sẻ: “Chúng ta ngồi đây, ai đi công tác 1 tuần mà không khỏi lo cho con ở nhà. Trong khi các thầy cô, họ phải biền biệt quanh năm, lặng lẽ giữa ngút ngàn rừng núi, mà lương bổng lại chẳng đáng là bao”. Ông Long kiến nghị chính sách đối với GV vùng khó khăn cũng phải được tăng lên nhiều lần, tối thiểu phải gấp 2,5 – 3 lần so với lương GV ở vùng thuận lợi. Việc luân chuyển GV vùng khó khăn cũng cần được quy định cụ thể trong luật, tránh tình trạng nhiều GV có đến 10 – 20 năm đứng lớp ở rừng núi, phôi pha tuổi thanh xuân mà vẫn chưa được luân chuyển.
Tuyển giáo viên: Cần bỏ “biên chế”
Khi biên soạn Luật Nhà giáo, về vấn đề tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến theo 2 hướng: hoặc là phân cấp trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc tuyển chọn và sử dụng nhà giáo; hoặc là tuyển dụng nhà giáo theo quy định để lựa chọn được những người vừa có tài, vừa có đức vào ngành giáo dục.
Thảo luận về điều này, bà Đoàn Thị Công Minh ủng hộ phương án phân cấp trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc tuyển chọn và sử dụng nhà giáo, mà cụ thể ở đây là phân cấp cho nhà trường. 5 năm qua, Hải Dương đã thực hiện rất thành công. Nếu trước đó các trường hay “đổ lỗi” là do sở “ấn” GV về cho trường, nên chất lượng GV kém, thì nay các trường tự tuyển, tự bảo đảm chất lượng. Do vậy, đề nghị quy định hẳn điều này vào Luật Nhà giáo để dễ thực hiện.
Ông Lê Phước Long cùng đồng tình với quan điểm cho rằng, phải đổi mới cơ chế tuyển chọn, sử dụng GV hiện nay. Theo đó cần phải có cơ chế “mở” trong tuyển dụng, sử dụng và bố trí đội ngũ GV để tạo động lực phấn đấu của những người thầy. Nên chăng, thay đổi “biên chế” bằng “hợp đồng dài hạn”, đồng thời bảo đảm mọi chế độ cho GV như cơ chế biên chế.
Thực tế, việc xét tuyển GV vào biên chế hiện nay còn nhiều tiêu cực. Rất khó để vào biên chế, nhưng khi đã vào rồi thì chẳng có ai phải ra. “Tuyển GV bằng hợp đồng dài hạn, thì nếu dạy kém, GV có thể bị sa thải” – ông Long kiến nghị. Đồng thời cho rằng, để tuyển được GV giỏi, phải thực hiện chính sách ưu tiên xét tuyển đặc cách và được chọn nhiệm sở đối với sinh viên sư phạm chính quy, tốt nghiệp loại giỏi và những người có bằng tiến sĩ, thạc sĩ theo đúng chuyên ngành đào tạo đang cần tuyển dụng.
Phan Thảo (SGGP)
Bình luận (0)