Các em học sinh Thổ Nhĩ Kỳ có năng khiếu đặc biệt sẽ được hưởng một số chính sách ưu tiên (ảnh minh họa). Ảnh I.T
|
Theo Bộ Giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ, hiện nay một loạt các chính sách ưu tiên dành cho những trẻ em có năng khiếu đặc biệt do các bộ ngành đề xuất sẽ được xem xét trình lên hội đồng và sau đó là Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại với tờ Nhật báo Kinh tế Hurriyet, Ruhi Kílic – Giám đốc lĩnh vực giáo dục đặc biệt thuộc Bộ Giáo dục, cho biết: “Chúng tôi sẽ đệ trình bảng danh sách đề xuất về giáo dục cho các trẻ em có năng khiếu, trong đó cũng bao gồm kế hoạch của Hội đồng cấp cao về khoa học, kỹ thuật”.
Hiện nay, số trẻ em có năng khiếu, khả năng đặc biệt chiếm khoảng 2,5-3% dân số của Thổ Nhĩ Kỳ, tỉ lệ này tương tự với những nước khác trên thế giới (số liệu này được cung cấp bởi Học viện dành cho trẻ em có năng khiếu – thiên tài – thần đồng). Mặc dù vậy, rất khó tìm được một học viện đặc biệt thuộc tuyến công lập cho các em này. Trường Tiểu học Beyazýt Ford Otosan là ngôi trường công lập duy nhất có chương trình đào tạo dành cho các em học sinh đặc biệt như thế ở Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi năm trường này chỉ nhận thêm 24 học sinh, tuy nhiên sau khi tốt nghiệp lại không có trường cấp 2 nào có loại hình đào tạo này.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Nhật báo, bà Mehpare Kýnýk Ustomar – Giám đốc điều hành học viện dành cho trẻ em có năng khiếu – thiên tài – thần đồng, cho biết: “Những trẻ em có tài năng thiên bẩm lại học chương trình thông thường thì thật không công bằng”. Bà cũng cảnh báo rằng nếu các em không được giáo dục và đào tạo đặc biệt để phát triển kỹ năng, nguy cơ chúng sẽ mất đi những khả năng này là rất lớn.
Hiện nay một số trường tư ở Thổ Nhĩ Kỳ có thực hiện giảng dạy chương trình như thế nhưng khả năng tuyển sinh của họ không đáp ứng đủ nhu cầu của cả nước. Do đó, các trung tâm khoa học – nghệ thuật được mở ra dưới dạng trung tâm cộng đồng được cấp quỹ. Ở đây, phụ huynh có nhiều chọn lựa với những khóa học được thiết kế đặc biệt dành cho các bé có năng khiếu. Các em đến học ngoài giờ lên lớp, đa phần là vào cuối tuần. Tuy nhiên, một chương trình học đặc biệt với thời khóa biểu toàn thời gian vẫn rất cần thiết đối với các em.
Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức cho những nhà giáo dục cũng như các bậc phụ huynh là nhân tố quan trọng và mang tính quyết định. Một chiến dịch nhằm phục vụ cho mục tiêu trên có thể sẽ được phát động rộng khắp trên cả nước. Bà Utomar cho biết thêm: “Các con tôi khá may mắn khi tôi nhận ra một số khả năng đặc biệt của chúng. Bọn trẻ có trí nhớ và có khả năng phán đoán rất tốt cũng như có thể đọc viết khi còn rất nhỏ”. Bà cũng giải thích thêm rằng nhận thức của những trẻ em có năng khiếu đặc biệt về thế giới xung quanh phát triển hơn hẳn so với các trẻ khác.
Ông Kílic cho rằng việc đưa ra một chương trình mẫu cho dạng giáo dục này là cần thiết và một vấn đề khác tồn tại cũng cần được giải quyết là học sinh ở những vùng nông thôn sẽ gặp nhiều khó khăn. Bộ Giáo dục dự kiến sẽ lập một bản kế hoạch trong đó đưa ra giải pháp cho những điểm cần quan tâm thông qua việc tiến hành chương trình “Chân trời rộng mở từ lớp học”. Theo đó, những học sinh đặc biệt sẽ được tham gia các lớp học nâng cao sau khi xác định được năng khiếu. “Các em này sẽ tham gia các khóa học độc đáo ngoài chương trình học ở trường và làm việc trên những đề tài nhất định. Dựa trên nền tảng này, các em sẽ có thể phát triển khả năng của mình xa hơn. Để thực hiện được điều này, không chỉ cần những biến chuyển trong hệ thống lập pháp hiện tại mà còn đòi hỏi những thay đổi trong môi trường học tập ở các trường học” – ông Kílic kết luận.
(theo hurriyetdaily-news.com)
Ngọc Trúc
Bình luận (0)