Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chính sách hỗ trợ đào tạo sinh viên sư phạm: Chờ đến bao giờ

Tạp Chí Giáo Dục

Nghị định 116 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (Nghị định 116) sau 2 năm triển khai, các trường sư phạm và sinh viên, từ đối tượng đáng lẽ được chủ động thì lại trở thành bị động.

Sinh ra và lớn lên ở một huyện khó khăn của tỉnh Điện Biên, L.V.H muốn trở thành một thầy giáo dạy Lịch sử. Do hoàn cảnh gia đình không cho phép, năm 2022, khi trúng tuyển vào ngành Sư phạm Lịch sử, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội, L.V.H viết cam kết để được hưởng chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí theo nghị định 116 của Chính phủ.

Theo L.V.H, chính sách này giúp em yên tâm học 4 năm học ĐH. Nhưng điều khiến em luôn canh cánh trong lòng là theo quy định, nếu sau 2 năm kể từ ngày tốt nghiệp không công tác trong ngành giáo dục, em sẽ phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ.

“Không phải bản thân em không muốn mà do không có cơ hội xin được việc. Thời điểm này em chưa nhận được thông tin địa phương đặt hàng đào tạo như thế nào nên khá hoang mang về việc làm sau này”, L.V. H chia sẻ. Có rất nhiều sinh viên sư phạm đang rơi vào tình trạng giống L.V.H.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trước hết phải khẳng định Nghị định 116 có tính ưu việt trong bối cảnh hiện nay. Nhưng sau khi triển khai, vướng mắc lớn nhất hiện nay là đặt hàng đào tạo. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là địa chỉ đào tạo giáo viên lớn nhất cả nước nhưng mới chỉ có 5 địa phương đặt hàng với khoảng 200 sinh viên.

Trong khi đó, năm 2022, có tới 80% sinh viên nhập học các ngành sư phạm của trường cam kết để hưởng chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí. Ông Minh nhận định, do sự hạn chế trong nhận thức của địa phương cũng như sự phối hợp của các cơ quan quản lý trong việc thực hiện Nghị định 116 nên việc đặt hàng đào tạo sư phạm còn rất khó khăn.

Chính sách hỗ trợ đào tạo sinh viên sư phạm: Chờ đến bao giờ ảnh 1

Sắp đến mùa tuyển sinh mới nhưng vấn đề đặt hàng, đấu thầu đào tạo sư phạm vẫn chưa có câu trả lời. Ảnh: Mạnh Thắng

Nghịch lý hiện nay được GS Nguyễn Văn Minh chỉ ra là hằng năm, các địa phương báo cáo lên Bộ GD&ĐT nhu cầu đội ngũ giáo viên trong thời gian tới, từ đó, Bộ xác định chỉ tiêu để giao cho các trường, nhưng địa phương lại không chịu đặt hàng đào tạo giáo viên với các trường sư phạm. Nghịch lý này xuất phát từ chính Nghị định 116 không quy định chặt chẽ trách nhiệm của địa phương.

Do vậy, địa phương báo cáo nhu cầu tuyển nhưng không có trách nhiệm đặt hàng. Từ đó dẫn đến hệ lụy là sinh viên viết cam kết và nhu cầu tuyển dụng của địa phương giống như hai đường thẳng song song. Còn các trường sư phạm lại dài cổ ngóng ngân sách giao về để đào tạo. Thậm chí, có cơ sở đào tạo hai năm nay chưa nhận được ngân sách để hỗ trợ sinh viên theo Nghị định 116.

Trước vướng mắc của các cơ sở đào tạo về việc tuyển sinh đào tạo giáo viên theo quy định của Nghị định 116, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Nghị định quy định rõ việc đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên do ngân sách địa phương chi trả. Bộ GD&ĐT cũng đang kiến nghị Chính phủ sửa Nghị định 116. Tuy nhiên dù sửa theo hướng nào, ngân sách đào tạo giáo viên cũng sẽ qua UBND các tỉnh, thành phố.

Chính sách không nhất quán là rào cản lớn

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk cho biết, trong năm đầu tiên áp dụng Nghị định 116, địa phương chưa kịp chi trả tiền học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên. Tuy nhiên, đến nay ngân sách địa phương đã cấp về trường, hiện nhà trường đang rà soát danh sách để chi trả cho sinh viên các khóa.

Ông Thành cho rằng, Nghị định 116 yêu cầu sinh viên nhận hỗ trợ phải bồi hoàn lại kinh phí 2 năm sau khi tốt nghiệp nếu không làm việc trong ngành giáo dục nên vẫn có không ít sinh viên e ngại không dám làm đơn để được nhận khoản tiền này. Tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, có khoảng 70% sinh viên làm đơn nhận trợ cấp. Những sinh viên còn lại phần lớn lo lắng sau khi ra trường sẽ không tìm được việc trong ngành giáo dục, khi đó phải bồi hoàn số tiền không nhỏ.

TS Nguyễn Trung Triều, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương 3, Khánh Hòa, cho rằng Nghị định 116 có 3 phương thức thực hiện là đấu thầu, đặt hàng và giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên. Trong đó, điểm nhấn là cơ chế đặt hàng và đấu thầu đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, triển khai cơ chế, chính sách này vẫn còn khó khăn. Bằng chứng là, đến thời điểm này, trong 3 phương thức thì Bộ GD&ĐT, các địa phương vẫn chủ yếu thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ.

Còn cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu gần như chưa có; hoặc nếu có, số lượng sinh viên theo phương thức này rất khiêm tốn. Rào cản khi thực hiện cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên, theo TS Triều là do việc rà soát, tính toán, xác định nhu cầu tuyển dụng và đào tạo giáo viên theo từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học chưa có điều kiện để thực hiện đầy đủ, đồng bộ. Do đó, các địa phương chưa có dữ liệu chắc chắn để đặt hàng.

Ông Triều cũng chỉ ra rằng, việc đặt hàng chịu ràng buộc bởi nhiều bên liên quan, trong khi việc tuyển dụng ở các địa phương vẫn có thể tiến hành mà ít bị ràng buộc; chẳng hạn như tuyển dụng độc lập với đào tạo.

“Hiện việc đặt hàng đào tạo không đồng thời bảo đảm đầu ra việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp. Theo đó, tất cả sinh viên sau khi ra trường vẫn phải qua tuyển dụng theo hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển theo cơ chế cạnh tranh thông thường. Chính sách không nhất quán, vô hình trung trở thành rào cản để đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên khó thành hiện thực”, ông Triều nói.

Theo Nghiêm Huê/TPO 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)