Dự thảo mới nhất về Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TPHCM đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến các bộ ngành, Ủy ban của Quốc hội để báo cáo Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội lần này. Bộ Tài chính cũng đưa ra đánh giá tác động của việc thực hiện Nghị quyết này.
Được thu phí, lệ phí chưa có danh mục; tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí
Theo dự thảo Nghị quyết, về công tác quản lý quy hoạch đô thị và đất đai, HĐND TPHCM quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung của TP đã được cấp có thẩm quyền quyết định, trừ quy hoạch về quốc phòng, an ninh và quy hoạch về bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa quốc gia; chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên nhưng phải bảo đảm diện tích đất trồng lúa theo quy định.
Còn UBND TPHCM được quyết định việc điều chỉnh quy hoạch khu công nghệ cao, các khu chức năng đặc thù khác cấp quốc gia trên địa bàn TP, trừ quy hoạch về quốc phòng, an ninh và quy hoạch về bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa quốc gia. Về quản lý đầu tư, HĐND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của TP theo quy định của luật đầu tư công, trừ dự án di tích quốc gia đặc biệt quan trọng, dự án đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, dự án có tính chất bảo mật quốc gia, dự án sản xuất chất độc hại, chất nổ.
UBND TP được quyết định hình thức và phương án chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án PPP trong điều kiện xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư như quy định.
Về quản lý tài chính-ngân sách Nhà nước, dự thảo nêu rõ HĐND TPHCM báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ QH quyết định áp dụng trên địa bàn TP và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất về: thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản; thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành trên cơ sở các nguyên tắc; phí, lệ phí chưa có danh mục quy định; tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí so với mức thu trong danh mục quy định. Dự thảo cũng nêu, phần tăng thêm so với quy định hiện hành của các khoản thu trên đây ngân sách TP được hưởng 100% để đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP và không dùng để xác định tỷ lệ % đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách TƯ và ngân sách TP.
Dự thảo cũng nêu, TP phải thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách TP bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội thì HĐND TP được quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp TP; cho ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng và chi thu nhập tăng thêm; tỷ lệ nguồn thu được để lại theo chế độ để tạo nguồn cải cách tiền lương đối với các cơ quan, đơn vi có số thu lớn, nhưng bảo đảm các cơ quan, đơn vị này phải tự sắp xếp nguồn để cải cách tiền lương, ngân sách sẽ không bổ sung thêm; cho phép các cơ quan hành chính, Đảng, đoàn thể, đơn vi sự nghiệp công lập sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư sau khi thực hiện việc trích nguồn thu được để lại để chi thu nhập tăng thêm, chi đầu tư, mua sắm, hoạt động chuyên môn.
Trong dự thảo tờ trình Quốc hội của Bộ Tài chính, bộ này cho biết, Nghị quyết của Đảng và Quốc hội quy định, các địa phương phải tạo nguồn để thực hiện cải cách tiền lương, nếu còn dư thì phải chuyển nguồn để tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương thời kỳ tiếp theo.
Trong những năm qua, TPHCM là địa phương không những luôn tự bảo đảm nguồn để tăng lương và chi an sinh xã hội mà còn dư nguồn khá lớn. Vì vậy, để chủ động cho TP cũng như tránh lãng phí nguồn lực, Bộ Tài chính kiến nghị cho phép TP được sử dụng số dư đó để đầu tư hạ tầng.
Vay lại để đầu tư hạ tầng trên 1 tỷ USD
Dự thảo Nghị quyết cũng nêu, TP được vay từ nguồn phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức trong nước khác và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho TP vay lại với mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách của TP hằng năm do Quốc hội quyết định.
Về nội dung này, Bộ Tài chính cho biết, luật NSNN quy định mức dư nợ vay của TPHCM không quá 60% thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Năm 2017, Chính phủ có Nghị định quy định mức dư nợ vay của TPHCM không quá 70% thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Với quy định này, theo dự toán ngân sách 2018 đang được trình QH thì mức dư nợ vay tối đa của TP năm 2018 là 54.300 tỷ đồng (ước dư nợ của TP đến hết năm 2017 khoảng 22.000 tỷ đồng, bằng khoảng 40% mức dư nợ vay cho phép). Nếu nâng mức dư nợ vay lên 90% thì tính theo dự toán năm 2018, dư nợ vay tối đa của TP khoảng 70.000 tỷ đồng, tăng 15.700 tỷ đồng, tương đương với khoảng 0,3% GDP so với quy định hiện hành.
Bộ Tài chính cho rằng, việc quy định tăng giới hạn mức dư nợ vay bảo đảm cho TPHCM có thêm dư địa được vay và phù hợp với bối cảnh thực hiện đẩy mạnh cơ chế cho chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước, thay vì cấp phát như hiện nay. Dự kiến, trong thời gian tới, TPHCM vay lại từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm khoảng trên 1 tỷ USD (dự án giảm thất thoát nước, tăng cường mạng lưới cấp nước; dự án phát triển giao thông xanh TPHCM; dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 tuyến Bến Thành-Suối Tiên; dự án vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2..). Bộ Tài chính cho rằng, việc tăng mức dư nợ này được kiểm soát trong giới hạn nợ công cho phép, vì tổng mức vay và bội chi ngân sách của TPHCM hàng năm là do QH quyết định.
Cũng theo dự thảo, hằng năm Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định bổ sung có mục tiêu từ ngân sách TƯ cho ngân sách TP tương ứng 70% số tăng thu ngân sách TƯ từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách TƯ và ngân sách TP so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (phần còn lại sau khi thực hiện thưởng vượt thu) và số tăng thu từ các khoản thu ngân sách TƯ hưởng 100% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; số bổ sung có mục tiêu không cao hơn số tăng thu ngân sách TƯ trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước.
Ngân sách TP được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với tài sản trên đất (sau khi đã khấu trừ kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị TƯ quản lý trên địa bàn TP (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư hạ tầng.
Ngân sách TP cũng được hưởng số thu từ cổ phần hóa của của các DNNN do UBND TPHCM quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu. TPHCM sử dụng nguồn thu này và ngân sách TP để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kể cả dự toán 18.800 tỷ đồng chi đầu tư cho dự án chống ngập (10.000 tỷ đồng) và đầu tư 2 bệnh viện tuyến cuối (8.800 tỷ đồng) của TP theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được QH phê duyệt; ngân sách TƯ không bổ sung cho TP để thực hiện các dự án này. Ngân sách TPHCM thực hiện vay lại toàn bộ phần vốn tăng thêm so với tổng mức đầu tư của các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài nước đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Không ảnh hưởng đến cả nước
Về thu nhập của cán bộ công chức, viên chức thuộc TPHCM quản lý, dự thảo Nghị quyết nêu rõ, HĐND TPHCM quyết định chi trả mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) thuộc TP quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng phạm vi, ngân sách của TP.
Dự kiến, Nghị quyết này được QH thông qua tại kỳ họp này thì sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 và được thực hiện trong thời hạn 5 năm. Đánh giá tác động của việc Quốc hội ban hành Nghị quyết này, Bộ Tài chính cho rằng việc phân cấp một số nhiệm vụ, thẩm quyền về công tác quản lý quy hoạch đô thị và đất đai; quản lý đầu tư, quản lý tài chính- ngân sách; thu nhập của CBCCVC thuộc TPHCM quản lý sẽ tạo động lực cho TP phát triển nhanh hơn, xứng đáng là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và lan tỏa lớn, đóng góp lớn hơn vào ngân sách chung của cả nước.
Nghị quyết cũng sẽ không làm ảnh hưởng đến sản suất, lưu thông hàng hóa của thị trường cả nước; tập trung thu đối với hàng hóa, thu nhập phát sinh trên địa bàn TP. Đồng thời, cũng không ảnh hưởng tổng thể đến kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Có chăng, việc để lại cho ngân sách TP khoản thu từ cổ phần hóa các DNNN do TP quản lý sẽ ảnh hưởng nhưng không lớn đến cân đối ngân sách TƯ trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
PHAN THẢO/ SGGP
Bình luận (0)