Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Chính sách thu hút người giỏi vào sư phạm

Tạp Chí Giáo Dục

Ở Việt Nam, một thời gian dài giữa các trường sư phạm và trường phổ thông có một khoảng cách. Lần đổi mới này, Bộ GD-ĐT đang tìm mọi giải pháp để kéo các trường sư phạm đến gần với trường phổ thông hơn. Quan trọng nhất là sinh viên sư phạm phải được “nhúng mình” trong môi trường phổ thông.

Muốn thu hút học sinh giỏi vào sư phạm, theo nhiều chuyên gia, ngành giáo dục phải có nhiều chính sách đãi ngộ. Ảnh: N.Trinh

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục tại Hội thảo quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trong các trường sư phạm do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức mới đây.

Người giỏi không vào sư phạm

ThS. Lê Thị Quỳnh Nga (Trung tâm Nghiên cứu tâm lý học và giáo dục học thuộc Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) đã đưa ra chính sách phát triển nghề nghiệp giáo dục trong cải cách giáo dục ở Phần Lan và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Theo bà Nga, trước thập niên 70 của thế kỷ XX, nền giáo dục Phần Lan vẫn còn đang cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng của Liên Xô. Lúc này, nền giáo dục Phần Lan thực hiện chế độ quản lý tập trung, có nhiều quy chế ràng buộc công việc của giáo viên. Các nhà cải cách giáo dục nước này đã sớm nhận ra chế độ quản lý này không phù hợp, làm cho nền giáo dục không phát triển được. Bởi không bao giờ có một nền giáo dục tốt nếu không có những người thầy tốt. Các nhà cải cách giáo dục đã nhận thức rõ điều này nên năm 1963, Quốc hội Phần Lan đã đưa ra quyết định chọn giáo dục như cú đột phá tốt và phát triển nghề nghiệp giáo viên là khâu then chốt cho sự nghiệp cải cách giáo dục của nước mình.

Bà Nga cho hay, điều đầu tiên trong chiến lược phát triển nghề nghiệp giáo viên ở Phần Lan chính là nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo. “Các trường ở Phần Lan chỉ tuyển những người có tinh thần hết lòng phụng sự nhân dân và có đạo đức nghề nghiệp cao đẹp. Con đường vào ngành sư phạm là vô cùng cạnh tranh, chỉ có khoảng 10% ứng viên trúng tuyển. Ví dụ như ở Trường ĐH Helsinki, năm 2012, có khoảng 2.000 ứng viên nộp đơn xin vào ngành sư phạm tiểu học và chỉ có 120 ứng viên được nhận”, bà Nga cho hay.

Bồi dưỡng giáo viên trước, thí điểm lên học sinh sau

Theo ThS. Nguyễn Hoàng Đoan Huy (Viện Nghiên cứu sư phạm thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), cải cách, đổi mới giáo dục phải được tiến hành song song và chú trọng nhiều hơn nữa vào công tác phát triển chuyên môn cho đội ngũ giáo viên. Giáo viên phải được đào tạo, bồi dưỡng trước, thí điểm lên học sinh, nhà trường sau, cuối cùng mới áp dụng đại trà để đảm bảo kế hoạch đổi mới có hiệu quả sau khi điều chỉnh và bổ sung phù hợp. Có như vậy giáo viên mới phát triển chuyên môn bền vững, đáp ứng yêu cầu và kế hoạch đổi mới lâu dài. Tránh trường hợp thay đổi kế hoạch, việc phát triển chuyên môn của giáo viên theo đó cũng ảnh hưởng, hết kế hoạch bồi dưỡng này lại đến kế hoạch bồi dưỡng khác, lãng phí thời gian, công sức và tiền của.

Đồng tình với quan điểm này, GS. Đinh Quang Báo (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cũng khẳng định: “Đổi mới giáo dục muốn thành công phải có chính sách thu hút người giỏi vào ngành sư phạm”. Ông Báo lấy ví dụ ở các nước có nền văn hóa gần giống với Việt Nam trong khu vực châu Á nhưng giáo dục phát triển như Hàn Quốc, Singapore, chỉ 20-30% người giỏi được lựa chọn vào sư phạm. Còn ở Việt Nam hiện nay, những người giỏi không lựa chọn sư phạm. Thậm chí nhiều trường sư phạm còn không tuyển sinh được. Nhiều trường chỉ tuyển được một nửa chỉ tiêu dự kiến. “Vì vậy bây giờ phải có chính sách thu hút người giỏi vào sư phạm”, ông Báo nói.

Đào tạo như y nội trú

Theo GS. Owen Jeremy Hicks (Trường ĐH Western Australia), giáo dục cần thay đổi tư duy về lớp học. Lớp học không còn được hiểu theo khái niệm cứng là phòng học mà là không gian học. “Người học có thể học được ở bất cứ đâu, bất cứ chỗ nào, miễn là học được. Vì vậy, giáo viên không phải là người ngồi trước học sinh để giảng bài. Mà giáo viên giờ có vai trò là người hướng dẫn, định hướng học sinh học”, GS. Owen Jeremy Hicks khẳng định. Đây là thách thức đặt ra đối với giáo viên hiện nay.

TS. Mai Văn Tỉnh (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam) đưa ra những khuyến cáo về các tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và việc xác định vai trò của giáo viên trong thế kỷ XXI. “Trong kỷ nguyên số hóa này, người thầy làm việc trong cơ sở giáo dục ĐH phải hiểu được sự khác nhau giữa “học về” và “học để” và thực hiện cái “học để” nhằm đạt kết quả đầu ra hiệu suất giữa các sinh viên”, ông Tỉnh nhấn mạnh.

Ngoài chính sách thu hút được người giỏi, theo GS. Đinh Quang Báo, các trường sư phạm phải xây dựng được chương trình đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới. Tỷ trọng được ông Báo đưa ra là 15% đại cương, 60% chuyên ngành và 25% nghiệp vụ sư phạm (bao gồm cả thực tập sư phạm). Bên cạnh đó, ông Báo cũng đưa ra giải pháp đào tạo giáo viên lý tưởng: mô hình quản lý hệ thống sư phạm – phổ thông. “Đào tạo theo phương thức tổ chức sinh viên trải nghiệm nghề nghiệp chỉ thực hiện hiệu quả tại trường phổ thông. Các trường phổ thông thực hành cần phải được xây dựng thành các trường phổ thông liên kết phát triển nghề. Đó là cách học về dạy ngay trên thực địa, tại lớp học thực giống như bác sĩ nội trú học tại giường bệnh, trên lâm sàng. Các trường sư phạm hiện nay quay trở lại mô hình này rất khả thi. Sinh viên đến trường phổ thông đóng vai là một thành viên trong nhà trường, được “tắm mình” trong văn hóa nhà trường. Mỗi ngành đào tạo giáo viên phải có ít nhất 1 giảng viên làm việc tại trường thực hành sư phạm. Sinh viên được biên chế theo nhóm về học tại cùng một trường phổ thông và những người hướng dẫn cũng được biên chế cố định theo nhóm sinh viên. Như vậy, giáo viên phổ thông, giảng viên sư phạm thành ê-kíp cộng tác đào tạo giáo viên”, ông Báo giải thích.

Thiên Lam

Bình luận (0)