Tại phiên họp hằng tháng vừa qua của Ủy ban Thị trường mở, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định không tăng cũng không giảm mà giữ nguyên mức độ lãi suất cơ bản. Lãi suất cơ bản của FED hiện tại dao động từ 5,25-5,5%, vẫn cao nhất trong 22 năm trở lại đây.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Trong khoảng thời gian 18 tháng qua, FED liên tục tăng lãi suất cơ bản và cùng với quyết định mới này chỉ có 2 lần quyết định không nâng và cũng không hạ mặt bằng lãi suất cơ bản.
Giữ nguyên mặt bằng lãi suất cơ bản thường được hiểu là FED không siết chặt thêm và cũng không nới lỏng bớt chính sách tiền tệ. Nhưng vì lãi suất cơ bản của FED hiện đã cao và FED đã liên tục nâng lãi suất cơ bản trong khoảng thời gian ngắn vừa qua, nên quyết sách mới này của FED cần phải được hiểu theo hướng "duy trì chính sách tiền tệ chặt chẽ" hơn là "bắt đầu ngừng siết chặt chính sách tiền tệ".
Xem ra, lời giải thích dễ xuôi tai nhất cho quyết sách mới này của FED là FED tin tưởng rằng kinh tế Mỹ có thể "hạ cánh mềm". Nhưng trong nội bộ FED rõ ràng không có sự đồng thuận quan điểm sâu rộng về dự liệu này, bởi chỉ có 12/19 thành viên của Ủy ban Thị trường mở đồng ý chủ trương giữ nguyên mặt bằng lãi suất cơ bản hiện tại. 7 thành viên còn lại muốn FED bắt đầu thời kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Số liệu thống kê mới được công bố ở Mỹ về tăng trưởng kinh tế, tỉ lệ lạm phát và tình hình trên thị trường lao động đưa lại cho cả hai phe những lập luận mà các phe muốn có được. Theo đó, kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng, liên tục và khá ổn định, tuy nhiên vẫn chỉ được với mức độ tăng trưởng thấp và dự báo triển vọng tăng trưởng cho năm 2024 vẫn chỉ được như vậy. Tỉ lệ lạm phát đúng là đã giảm mạnh, nhưng vẫn còn cao hơn rất nhiều so với mục tiêu 2% mà FED đề ra và theo đuổi như một sứ mệnh lịch sử cho sự tồn tại của FED. Tình trạng trên thị trường lao động khả quan và tích cực hơn cả đối với FED.
Ngoài ra, vấn đề phức tạp lớn đối với FED là lãi suất cơ bản càng cao và thời gian lãi suất cơ bản cao này càng dài thì gánh nặng trả lãi đối với FED càng lớn.
Trên thực tế và cả về lý thuyết, FED ý thức được rằng có nguy cơ "hạ cánh cứng" nhưng cho rằng, kịch bản ấy hiện chưa thể xảy ra và FED hoàn toàn có khả năng ngăn ngừa nó. Vì thế, FED nghiêng về chủ trương tiếp tục chính sách tiền tệ chặt chẽ để chống lạm phát triệt để hơn và thành công hơn thêm một thời gian nữa, rồi mới chuyển sang đối phó nguy cơ kinh tế Mỹ đi vào suy thoái.
Thời gian qua, FED đã nhiều lần tăng mạnh lãi suất cơ bản nhưng FED sẽ không hành xử quyết liệt như vậy khi đi vào nới lỏng chính sách tiền tệ.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)