Các nhà mạng đã bắt đầu chính thức chuyển đổi các đầu SIM 11 số về 10 theo lộ trình từ 15/9. Những vấn đề khúc mắc trước đó đã dần được giải quyết. Tuy nhiên, thị trường SIM số đẹp lại bất ngờ im ắng lạ thường.
Các nhà mạng đã bắt đầu chính thức chuyển đổi các đầu SIM 11 số về 10 theo lộ trình từ 15/9. Những vấn đề khúc mắc trước đó đã dần được giải quyết. Tuy nhiên, thị trường SIM số đẹp lại bất ngờ im ắng lạ thường.
Trao đổi với Tiền Phong, nhiều đơn vị kinh doanh SIM số đẹp và dân buôn sim số chuyên nghiệp trên địa bàn Hà Nội cho biết, những ngày qua, khi đợt chuyển đổi chính thức diễn ra, thị trường SIM 11 số đẹp chuyển về 10 số lại khá ảm đạm, không như mong đợi ban đầu.
“Vào thời điểm cách đây ít lâu, khi có thông tin chính thức về việc chuyển đổi SIM 11 số sang 10 số, dân buôn chuyên nghiệp chạy đua gom hàng bằng mọi giá với mục đích kiếm lời. Với dân kinh doanh sim thẻ chuyên nghiệp thì đây là cơ hội không thể bỏ qua. Tuy nhiên, thực tế cung đang vượt cầu nên thị trường có phần không quá sôi động như mong đợi”, anh Nguyễn Văn Long, chủ một đơn vị chuyên kinh doanh SIM số đẹp tại Hà Nội chia sẻ.
Trong khi đó, nhận định về dấu hiệu thị trường SIM số đẹp có dấu hiệu im ắng “bất thường” khi chính thức diễn ra việc chuyển đổi SIM 11 số, anh Ngô Văn Minh, chủ một đơn vị kinh doanh SIM số khác cho rằng, kinh doanh SIM số đẹp thực tế như đi… “đánh bạc” vì dân buôn vốn không lớn mà chỉ chạy đua theo thời vụ thì sẽ lỗ nặng. Với dân buôn chuyên nghiệp, kinh doanh lớn thì thực tế đây chỉ là thời điểm để gom SIM là chính rồi sẽ bán ra dần dần chứ không chỉ đợi vào một chốc lát để quát giá lên cao ngất ngưởng. Đơn giản vì qua các cơ quan truyền thông khuyến cáo và người tiêu dùng có nhu cầu cũng có những nhận định riêng của mình, không dại gì họ bỏ ra số tiền lớn để mua các đầu SIM số đẹp trong diện chuyển đổi như hiện tại để bán ra với giá có thể lao dốc.
Thực tế, theo khảo sát của PV Tiền Phong, trước ngày 15/9, thị trường SIM số đẹp và đặc biệt là các loại SIM 11 số nằm trong diện chuyển đổi được cho là số đẹp có những diễn biến bất thường. Đã xuất hiện các đầu SIM được rao bán với giá lên mức bạc tỷ và được đăng bán trên nhiều kênh các nhau. Tuy nhiên, thực tế, lượng giao dịch thành công là không quá nhiều so với kì vọng. Trong khi đó, đa phần các loại SIM số đẹp ở “tầm trung” đều được dân buôn đẩy giá lên chênh trung bình từ 20 – 30 triệu. Với các loại SIM “siêu VIP” thì kén người mua vì số tiền là không nhỏ nên không dễ gì bán được ngay.
“Thị trường SIM số đẹp vẫn thường xuyên có những diễn biến bất thường cũng không phải điều gì quá khó hiểu. Tuy nhiên, giá trồi sụt liên tục như thời gian qua thực tế là khó đoán định. Một phần còn do chính dân buôn tự tung “hoả mù” để làm nhiễu loạn thị trường. Một phần là do tâm lý người mua vào cũng có ý dè chừng và tham khảo kỹ hơn rất nhiều. Ở cửa hàng của tôi, những ngày qua bên cạnh dân buôn lấy hàng đi các tỉnh với số lượng lớn như thường ngày thì cũng có nhiều người đến hỏi mua SIM số đẹp. Tuy nhiên, lượng khách giao dịch thành công không quá nhiều dù các loại SIM số đẹp loại số kép, số lặp, số tiến… có giá tăng vài triệu đồng, không phải mức quá cao”, chị Nguyệt, chủ một cửa hàng kinh doanh SIM số trên phố Kim Mã cho biết.
Thực tế, theo nhận định chung của giới buôn SIM số đẹp, như thời điểm hiện tại, mỗi cửa hàng kinh doanh SIM số, một đơn vị khác nhau lại có các mức giá khác nhau dẫn đến người mua cũng bị “hoa mắt”. Điều này là dễ hiểu. Bên cạnh đó là thông tin đại chúng dày đặc càng khiến người mua bị lạc trong “ma trận” giá các loại SIM và các đầu số chuyển đổi đồng loạt của các nhà mạng. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến thị trường bán ra có phần ảm đảm hơn nhiều so với dự kiến ban đầu của giới “ôm SIM”.
“Vào thời điểm hiện tại, khi các nhà mạng vẫn đang tiếp tục triển khai việc chuyển đổi cùng với sức mua như hiện tại những ngày qua của ngay chính dân buôn, cửa hàng của tôi đã thay đổi “chiến lược” bằng cách nghe ngóng thị trường để điều chỉnh mức giá các loại SIM đã nhập vào để cân đối và cũng phải xác định sẽ phải thu lại cả vốn và lời… từ từ chứ chưa thể xác định có lãi ngay dịp này. Đo đếm lượng người mua và thị trường đang nhiễu loạn rất khó nhận định bung hàng ra một cách chính xác”, chị Mai Quỳnh Trang, chủ một đơn vị kinh doanh SIM trên đường Cầu Diễn cho biết.
Trước đó, theo kế hoạch chuyển đổi của Bộ Thông tin và Truyền thông thì thời gian bắt đầu chuyển đổi vào 00 giờ 00 phút ngày 15-9-2018 và kết thúc chuyển đổi vào 23 giờ 59 phút ngày 30-6-2019.
Sẽ có khoảng 60 triệu thuê bao di động 11 số và khoảng 700 thuê bao VSAT (thuê bao vệ tinh) chịu sự tác động của kế hoạch chuyển đổi.
Các nhà mạng khuyến nghị khách hàng chủ động theo dõi lịch chuyển đổi, chủ động thông báo tới bạn bè và chủ động thay đổi thông tin cá nhân tại các ngân hàng/doanh nghiệp, thông tin hóa đơn hay name card… để không bị gián đoạn công việc trong thời gian chuyển đổi.
Thuê bao 11 số của mạng Viettel gồm các đầu số 0162, 0163, 0164, 0165, 0166, 0167, 0168, 0169 sẽ chuyển thành 032, 033, 034, 035, 036, 037, 038, 039.
Thuê bao 11 số của mạng MobiFone gồm các đầu số 0120, 0121, 0122, 0126, 0128 sẽ chuyển lần lượt thành 070, 079, 077, 076, 078.
Thuê bao 11 số của mạng VinaPhone gồm các đầu số 0123, 0124, 0125, 0127, 0129 sẽ chuyển thành 083, 084, 085, 081, 082.
Thuê bao 11 số của Vietnamobile và Gtel sẽ chuyển sang thuê bao 10 số đầu số 05x.
Cụ thể thuê bao 11 số 0188, 0186 của Vietnamobile sẽ được đổi sang đầu số 056, 058.
Thuê bao 11 số 0199 của Gtel sẽ được đổi sang đầu số 059. Như vậy, về cơ bản thuê bao của Vietnamobile và Gtel sẽ giữ được 8 số cuối khi chuyển sang thuê bao 10 số.
TRÍ ANH/ TPO
Bình luận (0)