Sáng 10-10, chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 9 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã khai mạc tại Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM). Năm nay, chương trình diễn ra ở 150 trường THPT, trung tâm GDTX trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh Long An, Tây Ninh, Đồng Nai…
TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM) đang trao đổi với các em học sinh về kỳ thi THPT quốc gia 2017 |
Có thể chọn thi cả 2 tổ hợp bộ môn
Trao đổi với các em học sinh lớp 12 về kỳ thi THPT quốc gia 2017, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM) cho biết mỗi năm, TP.HCM có khoảng 70.000 học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi THPT quốc gia và khoảng từ 10-20% thí sinh tự do thi lại. “Năm nay, kiến thức kỳ thi THPT quốc gia nằm trọn trong chương trình lớp 12 nhưng theo lộ trình sau đó, kiến thức kỳ thi THPT quốc gia sẽ bao gồm một phần kiến thức lớp 11 (năm 2018) và lớp 10 (năm 2019). Ngoài những môn bắt buộc, thí sinh có thể chọn cả 2 tổ hợp bộ môn tự nhiên (lý, hóa, sinh) và xã hội (sử, địa, GDCD) để thi trong cùng một ngày và được chọn tổ hợp bộ môn nào có số điểm cao nhất để xét tốt nghiệp. Về tổ hợp bộ môn xét tuyển ĐH, CĐ, dự kiến, tổ hợp bộ môn xét tuyển cũng sẽ không thay đổi nhiều so với các năm trước đây”, TS. Nghĩa cho hay.
Em Phạm Hồng Khang (học lớp 12A1) đặt câu hỏi với Ban tư vấn |
“Chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” của Báo Giáo dục TP.HCM là “cánh tay nối dài” với Bộ GD-ĐT, cung cấp thông tin chính thống từ bộ và các trường ĐH, CĐ đến các em học sinh và thầy cô giáo”, ông Hà Hữu Phúc (Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) nói. |
Ngay sau đó, em Phạm Hồng Khang (học lớp 12A1) nêu thắc mắc: “Các môn trong tổ hợp bộ môn thi sẽ phát đề cùng lúc hay phát vào khoảng thời gian khác nhau?”. Đồng thời, em học sinh này cũng bày tỏ: “Em thích khối ngành kinh tế, nhưng lại cũng rất thích ngành du lịch. Vậy, làm sao để dung hòa được cả hai ngành này”. TS. Nghĩa trả lời: “Hiện Bộ GD-ĐT chưa có thông báo hướng dẫn về lịch thi cụ thể cho từng môn. Văn bản hướng dẫn cụ thể sẽ được bộ thông tin trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, nếu thời gian phát đề tổ hợp các bộ môn là khác nhau thì sẽ có khoảng thời gian “đệm” giữa các môn từ 5-10 phút”. ThS. Đào Lê Hòa An (Giám đốc chiến lược Trung tâm Ý tưởng Việt) chia sẻ thêm: “Em có thể lựa chọn một ngành mà trong đó có thể kết hợp được cả hai ngành lại; ví dụ như ngành quản trị du lịch – nhà hàng – khách sạn. Khi học ngành này em có thể kết hợp được cả yếu tố kinh tế lẫn du lịch, được học các kỹ năng để làm việc trong môi trường đòi hỏi sự năng động và nhiều thử thách”.
4 xu hướng việc làm trong tương lai
Các em học sinh lắng nghe ThS. Đào Lê Hòa An nói về sự chuẩn bị tâm lý trước kỳ thi |
Đề cập đến vấn đề thị trường lao động trong tương lai, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho rằng, không có nghề nào “hot”, cũng không có bậc học nào là dở bởi thời kỳ của các em là thời kỳ lao động hội nhập, thời kỳ kinh tế rộng mở, mọi ngành nghề, mọi lao động đều có cơ hội ngang nhau nếu có kỹ năng và thái độ làm việc tốt. Trong giai đoạn 2017-2020 đến năm 2025, nhu cầu nhân lực tại TP.HCM dự báo bình quân mỗi năm có khoảng 270.000-280.000 chỗ làm việc (130.000 chỗ làm việc mới). Trong đó nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm tỉ lệ 85%, nhu cầu nhân lực có trình độ trung cấp chiếm 33%, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật chiếm 18%, trình độ CĐ chiếm 15%, trình độ ĐH chiếm 17%, trên ĐH chiếm 2%.
Các em học sinh vui mừng trước các thông tin do Ban tư vấn cung cấp |
Ông Tuấn cũng cho biết, thị trường lao động hiện nay đang mở ra 4 xu hướng việc làm phù hợp với tất cả mọi trình độ, năng lực, gồm: các cơ quan, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; xuất khẩu lao động; di chuyển lao động theo nhu cầu thị trường lao động các tỉnh/thành, khu vực kinh tế và quốc gia và hội nhập; khởi nghiệp (tự tạo việc làm). “Dù chọn xu hướng nào, ngành nghề nào thì chỉ những người biết phấn đấu, không ngừng học hỏi, tự trau dồi bản thân mới có cơ hội thành công sau này”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Nhiều sinh viên ngồi nhầm giảng đường Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Thanh Tú (Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM) nhìn nhận: “Mỗi năm cả nước có hơn 1 triệu học sinh THPT bước vào ngưỡng cửa chọn ngành nghề ở các trường ĐH, CĐ để tìm kiếm tương lai cho bản thân. Để biết thông tin chọn ngành nghề, học sinh và gia đình đã tìm hiểu qua nhiều nguồn thông tin, trong đó có sự định hướng của thầy cô tại các trường THPT mà các em đang theo học. Nhiều học sinh xem sự tư vấn của thầy cô là một trong những kênh chính thống, là “kim chỉ nam” cho việc định hướng nghề nghiệp của mình. Qua thông tin từ thầy cô, các em đã chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích, sở trường, điều kiện kinh tế gia đình của bản thân. Tuy vậy, vẫn còn không ít học sinh và phụ huynh dưới góc nhìn phiến diện, hoặc thông tin thiếu chính xác từ truyền thông hay do bạn bè cung cấp đã thổi phồng những ngành nghề “hot”, “thời thượng” nên còn mơ hồ về những giá trị (kinh tế, đạo đức, vị thế, danh dự) trong công việc, tạo nên áp lực nặng nề trong việc học tập. Hậu quả là gần 70% sinh viên chọn nhầm ngành nghề, ngồi nhầm ghế ở giảng đường ĐH; khiến 32,4% sinh viên muốn thi lại ĐH vào năm sau. Từ đó dẫn đến gần 180 ngàn sinh viên sau khi ra trường không có việc làm (theo thống kê gần đây của Bộ LĐ-TB&XH). Nguy hiểm hơn, do không học đúng ngành nghề yêu thích, hay cấp bậc cao, nhiều học sinh đã tìm đến những việc làm tiêu cực sau các kỳ thi mỗi năm. “Chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức nhằm mục đích giúp học sinh có thêm một kênh thông tin chính thống, giúp các em chọn cho mình một ngành nghề, một ngôi trường đúng với năng lực, sở thích của mình để sau này có một tương lai tươi sáng. Tại đây, các chuyên gia tuyển sinh, chuyên gia tâm lý, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực sẽ cung cấp thông tin về đào tạo nghề nghiệp, chọn trường, chọn ngành cho các em sau THPT”, ông Tú khẳng định. |
Bình luận (0)