Ngày 21-7, Bộ GD-ĐT chính thức phát động cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2020” tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM với sự tham dự của đại diện Bộ Khoa học – Công nghệ; các doanh nghiệp; 20 sở GD-ĐT; 80 trường ĐH và 450 học sinh, sinh viên phía Nam.
Các sinh viên tìm hiểu, trao đổi về những dự án khởi nghiệp được trưng bày tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM sáng 21-7
Tại đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, để hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, đối với các trường phổ thông cân 3 nhiệm vụ chính, là xây dựng các chương trình truyền cảm hứng cho học sinh; tổ chức các hoạt động đào tạo giúp học sinh có các kiến thức cơ bản về khởi nghiệp; tạo môi trường trải nghiệm giúp học sinh có thể ứng dụng kiến thức hình thành những dự án khởi nghiệp.
Đối với các trường ĐH, cần có lộ trình từng bước xây dựng triển khai các nội dung gồm: Xây dựng và tạo cơ chế chính sách riêng của từng trường; thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp của học sinh, sinh viên phù hợp đặc điểm từng trường; xây dựng nội dung, chương trình đào tạo về khởi nghiệp chính khóa hoặc ngoại khóa; bố trí cơ sở vật chất, hình thành các không gian khởi nghiệp trong cơ sở đào tạo phù hợp nhóm ngành đào tạo; bố trí đội ngũ cán bộ đủ mạnh để hỗ trợ toàn diện các hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, các trường còn cần có các hoạt động kết nối doanh nghiệp, kết nối nguồn lực từ các cựu sinh viên; sớm nghiên cứu và xây dựng các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cấp trường để tiến hành triển khai thí điểm các dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
Thứ trưởng đánh giá, năm 2017 (khi bắt đầu chỉ đạo triển khai đề án), những hoạt động khởi nghiệp tại các cơ sở đào tạo nhìn chung vẫn còn khá rời rạc, chưa có lộ trình, nội dung hoạt động vẫn chưa đủ mạnh để tạo nên một môi trường toàn diện hỗ trợ cho học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên chưa được quan tâm, đẩy mạnh.
Năm 2018, 2019, Bộ GD-ĐT đã khởi động, tổ chức cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” trong toàn quốc, nhận được gần 350 dự án đến từ các cơ sở đào tạo và 150 dự án đến từ các trường THPT. Trong đó, 70% dự án đã có sản phẩm và 30% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử. Hiện nhiều dự án của học sinh, sinh viên đã được doanh nghiệp lớn mua lại để sản xuất đại trà. Kết quả đó dù không lớn nhưng cũng tạo ra được dấu ấn ban đầu đối với các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.
Cuộc thi năm nay nhằm tạo sân chơi bổ ích, sáng tạo, thiết thực cho học sinh, sinh viên toàn quốc; lan tỏa và tạo động lực thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp, tinh thần học tập, rèn luyện. Năm vòng thi của cuộc thi sẽ diễn ra từ 15-10 đến 19-12-2020; đối với sinh viên, giải nhất gồm 60 triệu đồng tiền mặt cùng với gói hỗ trợ đào tạo, triển khai dự án trị giá 115 triệu đồng và cơ hội tham gia đàm phán để nhận đầu tư số tiền 40 ngàn USD. Đối với học sinh, giải nhất trị giá 30 triệu đồng.
Mê Tâm
Bình luận (0)