Ngày 4-8, đoàn lãnh đạo TP.HCM do Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên làm trưởng đoàn đã đến khảo sát địa đạo Phú Thọ Hòa (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú).
Đoàn khảo sát khu vực địa đạo
Địa đạo Phú Thọ Hòa được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia từ năm 1996. Qua buổi tham quan phòng truyền thống, khảo sát khu vực địa đạo và xem xét các hạng mục mới được đầu tư nâng cấp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, quang cảnh địa đạo dù đã trùng tu nhưng vẫn giữ được nét hoang sơ mang một ý nghĩa riêng biệt, cần giữ gìn. Ông đề nghị địa phương quan tâm chỉnh trang, bảo tồn di tích, đầu tư cho địa đạo Phú Thọ Hòa xứng đáng tầm vóc lịch sử.
Bên cạnh cơ sở vật chất, cần đầu tư thêm nội dung, bổ sung thêm các hình ảnh về Bác Hồ, phương thức truyền tải thông điệp của Bác đến nơi này để các thế trẻ hiểu được lý tưởng, lòng yêu nước của các thế hệ đi trước. Ông kỳ vọng nơi đây có thể xây dựng được không gian Hồ Chí Minh đúng nghĩa.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thăm hỏi cụ Nguyễn Hùng Minh (82 tuổi), người từng tham gia đào địa đạo Củ Chi
Địa đạo Phú Thọ Hòa được xây dựng năm 1947 tại thôn Lộc Hòa và vùng phụ cận. Tiền thân nơi đây là những căn hầm bí mật cho cá nhân trú ẩn, do yêu cầu của cuộc kháng chiến, nhân dân ấp Lộc Hòa đã cải tiến và phát triển những hầm cá nhân này thành hệ thống địa đạo liên xã, bắt đầu từ ấp Lộc Hòa kéo dài đến ấp Bình Long, Bình Đông qua Bình Hưng Hòa đến Gò Đậu… với chiều dài hơn 10km.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, địa đạo Phú Thọ Hòa đã che giấu hàng ngàn cán bộ, du kích, bộ đội đồng thời đảm bảo an toàn cho nhiều cán bộ quân – dân – chính – đảng các cấp về dừng chân hoạt động trong khu vực.
N.Trinh
Bình luận (0)