Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học Nga A.Furshenko |
Bộ luật về kỳ thi quốc gia thống nhất (EGE) hay còn được gọi là "2 trong 1" ở Nga chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2009. Kể từ thời điểm ấy, học sinh ở tất cả các trường phổ thông trên toàn lãnh thổ CHLB Nga sẽ phải trả thi theo đề thi của EGE. Tất cả các trường ĐH ở Nga phải thừa nhận kết quả của kỳ thi và coi nó như là kỳ thi vào ĐH – Người đứng đầu Uỷ ban thanh tra giáo dục Nga Liubov Glebova thông báo. Kỳ thi quốc gia thống nhất được tiến hành thí điểm ở Nga trong 8 năm trời. Trong giai đoạn tổ chức thi thí điểm, học sinh có quyền được lựa chọn hoặc là thi theo EGE hoặc thi theo hình thức truyền thống.
"Từ ngày 1/1/2009, EGE trở thành hình thức thi quốc gia bắt buộc ở trường phổ thông. Kết quả của EGE cũng được coi là kết quả của kỳ thi vào các trường ĐH"- Glebova nói. Trong năm nay, tất cả học sinh lớp 11 sẽ thi tốt nghiệp theo EGE với 2 môn bắt buộc là tiếng Nga và toán. EGE theo 11 môn còn lại được học sinh tự chọn tuỳ thuộc vào trường ĐH nào hay ngành nào mà học sinh có ý định thi vào. Nếu điểm tổng kết của học sinh lớp 11 (lớp cuối cấp hệ phổ thông ở Nga) chỉ cần có 1 môn dưới trung bình, học sinh đó không được thi tốt nghiệp hệ EGE. Những học sinh không được thi hoặc thi trượt trong kỳ thi EGE được cấp chứng chỉ đã học qua chương trình phổ thông. Trước ngày 1/2/2009, tất cả các trường ĐH sẽ liệt kê tất cả các môn thi theo từng ngành học. Còn học sinh phải nộp đơn cho nhà trường trước ngày 1/3, theo đó, các em cần ghi rõ những môn thi mà các em sẽ tham gia. Từ ngày 20 đến 29/4 cuộc thi sẽ được tổ chức cho những học sinh có quyền được thi trước thời hạn. Đó là những học sinh tham gia các cuộc thi quốc tế, Olympic hay đi chữa bệnh. Học sinh phải nộp đơn xin thi trước thời hạn trước ngày 1/3. EGE sẽ được tổ chức chính thức từ 26/5 đến 19/6. Từ 20-30/6 các trường phổ thông có trách nhiệm cấp bằng tốt nghiệp và chứng nhận kết quả thi EGE cho học sinh. Học sinh có thể được nhận bằng tốt nghiệp nếu "qua" được 2 môn tiếng Nga và toán của EGE.
Kết quả EGE được tính theo hệ 100 điểm. Điểm thi của các môn đều được thể hiện trong bảng điểm. Theo lãnh đạo Bộ GD&KH CHLB Nga thì nước này không quay trở lại hình thức thi truyền thống với thang điểm 5 như trước nữa. Vào đúng ngày mà phần lớn học sinh trả thi quốc gia theo các môn, Thanh tra GD sẽ quyết định điểm chuẩn. Nếu số điểm của học sinh ít hơn điểm chuẩn thì học sinh đó bị loại. Trong trường hợp học sinh có số điểm của 2 môn bắt buộc cao hơn điểm chuẩn, còn ở những môn tự chọn kết quả thấp hơn điểm chuẩn họ vẫn được nhận bằng tốt nghiệp. Những thí sinh bị trượt trong kỳ thi thống nhất có thể được thi lại vào các ngày từ 7-17/7.
Năm nay, 24 trường ĐH ở Nga, trong đó có ĐHTH Moskva (MGU), ĐHTH Saint-Petergsburg, ĐH Ngoại giao (MGIMO)…sẽ tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh của riêng mình. Ngoài ra, các trường ĐH Văn hoá và Thể thao cũng được quyền tự tổ chức thi tuyển sinh. Tuy nhiên, các trường này vẫn phải sử dụng kết quả của 4 môn thi thuộc EGE như: Tiếng Nga, chuyên môn và hai môn thi theo chuyên ngành. Những học sinh người nước ngoài, học sinh khuyết tật, những người đã tốt nghiệp các trường trung cấp hay học nghề có nguyện vọng học lên ĐH sẽ được thi theo hình thức cũ. Những học sinh đoạt giải Olympic các loại, có tên trong danh sách của Hội đồng Hiệu trưởng toàn liên bang được quyền vào thẳng ĐH mà không phải qua EGE. Kỳ thi vào ĐH được tổ chức từ 20-25/7. Trước ngày 20/8, toàn bộ các thí sinh trúng tuyển phải được nhập học tại các trường ĐH của nước Nga. Lộ trình tổ chức EGE trong năm 2008 đã chỉ ra rằng, từ 1/1/2009 nước Nga sẽ chính thức tổ chức EGE – Glebova nói. Trong năm nay môn văn học không lọt vào danh sách những môn thi EGE bắt buộc. Trong 5 môn thi EGE, tiếng Nga và toán là 2 môn bắt buộc, 3 môn còn lại phụ thuộc vào chuyên ngành mà thí sinh lựa chọn.
Phải nói một cách công bằng rằng để EGE có giá trị pháp lý, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học Nga A.Furshenko cùng các đồng sự của mình đã phải đấu tranh bền bỉ với các ý kiến trái chiều ở Nga trong nhiều năm qua. Đã có lúc người ta tưởng như EGE chỉ là “giấc mộng hão huyền” của các nhà cải cách giáo dục. 8 năm qua, câu chuyện về EGE luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo các chính trị gia, các nhà lập pháp, nhà khoa học và các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục. Câu hỏi về EGE được đặt ra cho Thủ tướng V.Putin trong buổi đối thoại trực tuyến của ông với toàn thể dân Nga cuối năm qua. V.Putin không nghiêng về phe ủng hộ hay phe phản đối EGE, nhưng theo Thủ tướng Nga thì EGE sẽ góp phần chặn đứng nạn tham nhũng trong kỳ thi vào ĐH ở Nga hiện nay.
Vậy là sau 8 năm tranh cãi, EGE đã chính thức được luật hóa. Vấn đề còn lại là phải tổ chức EGE như thế nào, bởi Ủy ban chống đối EGE vừa được thành lập và ngay lập tức nhận được sự đồng tình của không ít các tổ chức xã hội.
Anh Phương (GD&T Đ)
Bình luận (0)