Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cho 20 người leo lên bàn thờ gia tiên tránh lũ

Tạp Chí Giáo Dục

Mưa ầm ầm trút nước. Gió rít từng cơn. Nước dâng cao từng giây nhấn chìm mọi thứ. Chị Reo đạp sập bờ rào, tất tả đi từng nhà đón phụ nữ, trẻ em về nhà mình trú lũ. 20 con người bấu víu lấy ngôi nhà tường của chị giữa mênh mông biển nước…

Đó là câu chuyện cứu người trong nước lũ và người dân xã Bình Thới, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, kể cho nhau nghe suốt gần tuần nay với lòng biết ơn, cảm phục. Nhân vật chính của câu chuyện ấy là chị Nguyễn Thị Reo (45 tuổi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Thới). 

Chị Reo (bìa trái) vui mừng vì đã giúp được 20 người – trong đó có một sản phụ sắp sinh – thoát khỏi tay thủy thần. 

Một ngày đánh vật với nước lũ, lo cho 20 sinh mạng 

8h sáng ngày 28/9, vùng quê Quảng Ngãi của chị Reo bị bão số 9 càn quét. Biết tin lũ lớn sắp về, chị Reo tất tả đi đón phụ nữ, người già, trẻ em về nhà mình tránh lũ. Khoảng 20 con người già trẻ, lớn bé bấu víu lấy ngôi nhà tường của chị. Chị lại tất tả ngược xuôi kiếm đủ 20 cái mũ bảo hiểm phát cho mỗi người, “đề phòng gạch đá rớt trúng đầu”. Rồi chị cùng mấy thanh niên chặt chuối làm bè, cứu tài sản của dân. Nước càng lúc càng lên cao. Không chút ngần ngại, chị hất mấy bao lúa kê trên ván xuống nước, nhường chỗ cho bà con. 

Nước vẫn cứ cuồn cuộn dâng. Trong lòng chị Reo chỉ đau đáu nghĩ cho 20 sinh mạng đang nhờ cậy vào mình. Nhìn quanh trong nhà chỉ còn cái bàn thờ tổ tiên xây bằng xi măng là cao nhất, chị quyết định chắp tay “xin gia tiên thứ lỗi” rồi cho bà con lên bàn thờ ngồi tránh lũ. Thấy nước hung hãn quá, chị tính nếu cần sẽ hất cả tủ lạnh và máy giặt xuống nước để nhường chỗ cho sản phụ Trần Thị Nở đang sắp đến kỳ sinh nở. 

Suốt 17 tiếng đồng hồ, chị Reo khoác chiếc áo phao, di chuyển như con thoi, canh mực nước lên để tính đường thoát cho mấy chục con người. Khi nước mấp mé cả bàn thờ, chị lăm lăm hai cây rựa bén và lá cờ tổ quốc trong tay, “nếu nước lên 5 phân nữa thôi thì phá mái đưa mọi người lên nóc nhà, cắm cờ kêu cứu”. 

22 giờ đêm, nước tràn qua vai, chị hì hục tìm cách nấu cho được 20 bát mì tôm bởi chị nghĩ: “Đây là bữa ăn cuối cùng vì ngày mai không biết ai còn ai mất. Làm gì cũng không để thành ma đói”. Chị còn chủ động điện thoại báo cho xã biết: “ Lỡ có chuyện gì, ráng kiếm đủ xác 21 người nghe”.  

Cầm cự cả ngày trời, đến 23h15 mưa ngớt, nước đứng rồi từ từ rút dần. Mọi người hò reo, nhẹ nhõm.  

Nhưng chị Reo vẫn chưa cho phép mình nghỉ ngơi. Sau lũ chị lại tất bật lo từng bữa cơm cho bà con vì “nhà ai nấy hư hại hết rồi, có về cũng đâu còn cái bỏ bụng”. Chị phát động phong trào “vần công”, kẻ trước người sau dùng máy bơm vét giếng để có nước sạch dùng ngay, tránh dịch bệnh. 

Sau lũ, chị lại cùng bà con khắc phục hậu quả. 

Thấm nhuần phương châm “bốn tại chỗ”, người cán bộ Hội Phụ nữ mẫn cán vận động bà con dọn dẹp khu dân cư, làm sạch môi trường. Cảm phục tấm lòng của chị, nhà nhà đều nhiệt tình hưởng ứng.  

Sống để đem điều tốt đẹp đến cho đời

Những thành tích của chị Nguyễn Thị Reo: 

– “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” ở TP Quy Nhơn (tỉnh Nghĩa Bình cũ) 

  Nhiều lần báo cáo điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi toàn tỉnh Quảng Ngãi 

  Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh 

 Được Thủ tướng tặng bằng khen “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” 

– Là 1 trong 2 gương điển hình Hội phụ nữ toàn tỉnh tiêu biểu về  “Học tập và làm theo gương đạo đức của bác Hồ” năm 2009.

Chị Reo sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. Nghèo đến mức một năm chỉ có đúng hai bữa được ăn cơm là ngày mùng 1 Tết. Từ mùng 2 Tết đến giáp năm sau là triền miên những bữa củ mì. Cha mẹ mất sớm, ba đứa em còn tuổi ăn, tuổi học. Chị Reo quyết định hy sinh hạnh phúc riêng để toàn tâm nuôi các em ăn học thành tài. 

Tuy mới học hết lớp 9 nhưng với tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, chị tìm mượn các loại sách của thư viện về nghiên cứu và ứng dụng thành công nhiều sáng kiến trong trồng trọt, chăn nuôi. 

Nhắc đến chị  Reo, bà con chòm xóm ai cũng trầm trồ về cách nuôi heo độc đáo của chị.  Có khi chị đi công tác 10 ngày, heo ở nhà không cần người cho ăn mà vẫn béo tốt. Chị nghĩ ra cách treo bao cám ngay bên trên máng ăn, xuyên cây gỗ hình chữ T qua đáy bao đục lỗ cho cám rớt xuống. Bên cạnh đó là vòi nước nhiễu giọt. Mỗi khi heo đói, húc vào cây gỗ, cám rớt ruống, hòa với nước, thế là có bữa ăn vừa đủ no, không có thức ăn thừa gây hôi hám. 

Chiêu nuôi vịt của chị cũng sáng tạo không kém. Chị mua trứng vịt lộn về cho gà ấp, nở con. Lúc vịt còn nhỏ, chị tập cho đàn vịt nghe tiếng còi tụ về ăn. Dần dần, dù có lẫn vào các đàn khác nhưng nghe tiếng còi thân quen, chúng lại lạch bạch chạy về.   

Trong nhà chị Reo treo đầy những bằng khen, giấy khen của chị. 

Câu chuyện về những sáng kiến của chị, ngồi nghe cả ngày cũng không hết. Mấy ngày mưa bão vừa qua, điện cúp, chị nghĩ ra sáng kiến dùng bình điện xe máy sạc pin điện thoại di động. Nhờ vậy mà dù cả vùng bị cô lập nhưng chị vẫn liên lạc được với bên ngoài.  

Những năm qua, chị liên tục là điển hình “chăn nuôi, làm kinh tế giỏi” được chọn báo cáo trong các hội nghị tuyên dương. Nhận xét về chị, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi không ngớt lời ngợi khen: “Đó là con người sống để hy sinh. Sống để đem những điều tốt đẹp đến cho đời”.  

Hồng Tâm (dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)