Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cho bé học chữ trước?

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi là giáo viên dạy bậc THCS, những năm con trai theo học mẫu giáo, tôi không tán đồng chuyện cho trẻ học trước tuổi, nghĩa là đi học thêm để biết đọc, biết viết khi vào lớp 1.

Không phải tôi không quan tâm tới chuyện học của con, bà mẹ nào không muốn con mình học giỏi, mà vì tôi đơn giản nghĩ, con đang còn tuổi ăn tuổi ngủ, việc trước mắt là lo cho con khỏe mạnh, đến trường không èo uột khóc quấy là mừng rồi. Chương trình dạy ở mẫu giáo, các chuyên gia giáo dục và chuyên gia tâm lý trẻ em đã nghiên cứu kỹ lưỡng rồi mới cho áp dụng. Mình không nên cầm đèn chạy trước ô tô làm gì.

Rồi con tôi cũng vào lớp 1, hết học kì I, cô giáo chủ nhiệm gặp tôi phản ánh: “Cháu nhà chị rất sáng dạ, dạy đâu biết đó, nhưng vì chị cứ để cháu phát triển tự nhiên nên so với mấy bạn đồng lứa, cháu thông minh hơn nhưng thành tích học tập lại không bằng. Đưa vào “khuôn khổ” đi chị. Những cháu khác, vô lớp 1 là đã đọc ro ro, viết tròn trịa ngay ngắn. Cháu nhà chị còn tập ráp chữ, đánh vần nên bị các bạn bỏ xa liền. Chị nên rèn cặp cho cháu nhiều hơn nha, tự học ở nhà vẫn là chính mà”.

Tôi đồng tình với ý nghĩ tự học là chính nhưng ở bậc tiểu học, con tôi học cả ngày, vậy thời gian đâu mà bắt cháu học thêm? Tôi vẫn muốn con mình được học, được vui chơi thuận với tâm lý lứa tuổi; tôi không ủng hộ kiểu ép xác, bắt con chịu áp lực học trước tuổi. Tôi cứ kiên định như vậy. Nhưng năm nay con tôi học hết lớp 3, không có những thành tích gì đặc biệt ngoài tờ giấy khen hoàn thành tốt chương trình. Mà tôi cũng không mong gì hơn. Khổ nỗi, mỗi lần tới cơ quan, những anh chị đồng nghiệp có con học cùng khối với con tôi cứ hỏi, cháu có nằm trong đội tuyển học sinh giỏi không?, đi thi huyện đạt giải gì?, tham gia thi trên mạng thành tích ra sao?…, tôi chỉ cười hề hề, nói con học chậm như mẹ. Nhưng nói thiệt, trong tình cảnh ấy thì ngoài-tươi-trong-héo rồi, cười làm sao được khi con mình học đuối so với bạn bè cùng trang lứa?

Hôm qua sang chơi nhà em gái. Nhìn thấy cháu gái 4 tuổi cặm cụi ngồi ghi chữ a, chữ b, tôi bảo em gái: “Vô năm mới cho cháu học mẫu giáo đi, cháu còn nhỏ mà đã cho học chữ rồi. Bộ em không nghe người ta vẫn lên án chuyện phụ huynh tước mất tuổi thơ của trẻ, chuyện cha mẹ đua nhau cho con học trước chương trình sao?”. Em gái tôi vội phân bua: “Em cũng không tính cho con học sớm làm gì, nhưng nghĩ tới nghĩ lui vẫn thấy không ổn, để con học theo đúng tuổi, đúng chương trình thì lại thấy lo. Mà không lo sao được, bây giờ, con ai cũng cho đi học trước, con mình cứ để ở nhà chờ tới trường thầy cô dạy gì học nấy thì sẽ bị “bỏ rơi” khi vào lớp 1 liền. Em lo lắng thực sự đấy. Chị cũng là cô giáo, ý kiến của chị về chuyện này thế nào?”.

Quả là một câu hỏi lớn, nhưng đã hỏi thì nói luôn. Đây là một vấn đề nan giải. Học trước tuổi được gì, mất gì ư? Cái được lớn nhất là cái được nhất thời, cái được trước mắt. Đó là con học giỏi, bằng bạn bằng bè. Mà thử nghĩ coi, ai cũng cho con học trước còn mình thì không, rõ ràng đầu vào đã thua bạn bè, khi mặt bằng học sinh không đồng đều, lớp nhiều học sinh giỏi, thầy cô sẽ vẫn ưu tiên chương trình nâng cao hơn là chú trọng bám sát cho một vài học sinh yếu kém. Vậy là học thua. Còn học trước tuổi mất gì á? Hơi bị nhiều đấy. Chuyện tuổi thơ bị đánh cắp là đương nhiên rồi, cái hệ lụy lớn nhất là cha mẹ vô tình tạo áp lực học hành cho con, vì cứ lấy thành tích học tập của con để khoe mẽ nên cứ cố biến con mình thành những “đấu sĩ” để tung ra “đấu trường”. Học hành trong trạng thái áp lực thì sự sáng tạo e rằng sẽ gặp trở ngại lớn.

Tôi nói một thôi một hồi, em gái hỏi: “Vậy chị kiên quyết không cho con học thêm hả?”. Tôi ngậm ngùi mà nói thật: “Nói vậy cho hết ý thôi chứ chuyện này làm chị điên cái đầu nè, biết tính sao khi con ai cũng cho học trước, rồi con mình sẽ thế nào?”.

Nguyễn Thị (Sông Hinh, Phú Yên)

Bình luận (0)