Y tế - Văn hóaThư giãn

Chợ Bến Thành bị lãng quên

Tạp Chí Giáo Dục

Là ngôi chợ nổi tiếng ngay trung tâm TP.HCM, tồn tại như một chứng nhân lịch sử và gắn bó mật thiết với Sài Gòn nhưng chợ Bến Thành cho đến nay vẫn chưa được xếp hạng di tích.

Chợ Bến Thành đầu thế kỷ 20 – Ảnh: Tư liệu
Nhân dịp Sài Gòn – TP.HCM 300 năm (1698 – 1998), trong công trình nghiên cứu của PTS, kiến trúc sư Lê Quang Ninh (nguyên Viện trưởng Viện Thiết kế xây dựng TP.HCM) đưa 108 đối tượng văn hóa của TP vào danh mục bảo tồn, chợ Bến Thành được xếp vị trí đầu tiên.
Họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Uyên Huy cho biết thêm: Trước đây, trong cuộc thi chọn biểu tượng Sài Gòn, thu hút hơn 1.000 tác phẩm trong và ngoài nước gửi về tham dự (mà ông Huy là thành viên Hội đồng tuyển chọn), chợ Bến Thành được số phiếu đồng thuận rất cao, có thể nói “một chín một mười” với địa danh Bến Nhà Rồng được chọn sau này.
Chưa được công nhận di tích
Mặc dù ngày 26.4.2014, UBND Q.1, TP.HCM đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm chợ Bến Thành tròn 100 năm nhưng chuyện công nhận di tích cho đến thời điểm đó vẫn chưa có quyết định.
“Khi ấy chúng tôi quyết tâm phải hoàn thành sớm các thủ tục để chợ Bến Thành được công nhận di tích, làm tôn vinh thêm giá trị thương hiệu nhân sự kiện trọng đại này nhưng không kịp. Hồ sơ Ban quản lý chợ Bến Thành làm rất đầy đủ, chẳng hiểu sao UBND Q.1 lại không đồng ý. Thiệt uổng quá!”, ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích (Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM) tiếc rẻ.
Trả lời Báo Thanh Niên, ông Lê Quang Thiện – Trưởng ban Quản lý chợ Bến Thành cho biết: “Mọi thủ tục giấy tờ chúng tôi đều đã hoàn thành và có văn bản đề nghị xin được xếp hạng di tích, chỉ còn chờ ý kiến chấp thuận từ Sở Văn hóa – Thể thao, UBND Q.1 và UBND TP.HCM mà thôi”.
Nhưng cho đến nay việc công nhận chợ Bến Thành là di tích vẫn chưa được giải quyết.
Kiến trúc sư Thái Ngọc Hùng (Hội Kiến trúc sư TP.HCM) khẳng định: “Đối với Sài Gòn xưa và nay, chợ Bến Thành luôn là một biểu tượng độc đáo, mang dấu ấn gắn bó hơn 100 năm với cả một chiều dài phát triển kinh tế của TP nên cần phải được bảo tồn. Việc khẩn trương đưa công trình này vào danh mục được xếp hạng là rất cần thiết để có những đầu tư đúng tầm vóc và giá trị to lớn của danh thắng đặc biệt như vậy”.
Mất kiến trúc gốc
Chiều 20.1, trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo UBND Q.1 cho biết quận rất mong muốn chợ Bến Thành được xếp hạng di tích. Tuy nhiên, việc quận chưa duyệt hồ sơ xin xếp hạng vì đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND TP. Theo vị lãnh đạo này, kiến trúc hiện hữu của chợ Bến Thành không phải là kiến trúc gốc. Đơn cử như phần mái, hiện nay mái lợp chợ bằng tôn nhưng nguyên bản trước đây là bằng ngói. Quan điểm của TP là phục hồi nguyên bản kiến trúc từ lúc mới xây dựng, khi hoàn thành rồi thì sẽ xin xếp hạng di tích để bảo tồn. Tài liệu về nguyên bản kiến trúc của chợ cũng đã được tập hợp và TP đang xem xét việc sửa chữa, gia cố vì thực tế hiện nay chợ đã bị xuống cấp…
“UBND TP cũng đã có chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành rà soát, vẽ lại hiện trạng kiến trúc, chi tiết hoa văn các công trình cổ có giá trị về kiến trúc, văn hóa, lịch sử, trong đó có nhiều công trình trên địa bàn Q.1 để lên kế hoạch phục dựng, bảo tồn, chống xuống cấp, hư hỏng”, vị này nói.
Thiết nghĩ kế hoạch này cần sớm trở thành hiện thực để tôn vinh giá trị cũng như trả lại vẻ đẹp vốn có của ngôi chợ giàu tính biểu tượng này.
Ngôi chợ trăm tuổi
Theo các tài liệu ghi lại thì lúc đầu chợ Bến Thành nằm ở phía đông H.Bình Dương (một huyện của tỉnh Gia Định). Vì chợ nằm dọc theo bến sông trước thành Phiên An (Gia Định) nên được gọi là chợ Bến Thành (có ý nghĩa ngôi chợ tọa lạc tại bến sông của thành Gia Định). Chợ ở khoảng giữa của đoạn từ cột cờ Thủ Ngữ tới đầu đường Nguyễn Huệ sau này. Chợ Bến Thành lúc đó còn là đầu mối rất quan trọng về giao thông, đi lại thuận tiện vì gần ga xe lửa nối với Chợ Lớn và các tỉnh miền Tây, nơi giao thương tấp nập và gặp gỡ của khách thập phương. Trải qua các cơn binh lửa, chợ này không còn nguyên vẹn như lúc đầu.
Chợ Bến Thành mới được một hãng thầu Pháp xây dựng trên vị trí hiện thời bằng gạch, cột kèo sắt, mái ngói, có một tháp cao tầng trên bốn phía gắn đồng hồ để người dân đi chợ theo dõi. Chợ khởi công năm 1912 đến năm 1914 hoàn tất, diện tích hơn 13.000 m2, bán đủ các mặt hàng từ bình dân đến cao cấp, đặc biệt là những thực phẩm thuộc loại ngon nhất, thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước.

Theo TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)