Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM |
Năm 2015-2016 là năm học mà Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình, đề án mới của ngành. Một trong số đó là tiếp tục chuẩn bị biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK). Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện đề án “Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” tại 89 trường học, sau đó nhân rộng ra toàn TP…
Trước thềm năm học mới, ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP – cho biết: Chương trình tích hợp đang được triển khai giảng dạy tại các trường tiểu học và THCS hiện nay là chương trình được biên soạn tích hợp hai chương trình quốc gia Anh và chương trình Việt Nam cho 3 môn toán, khoa học và tiếng Anh. Chương trình này đã được UBND TP phê duyệt và giao cho Sở GD-ĐT triển khai giảng dạy trong trường công lập trên địa bàn TP. Đây là chương trình tiên tiến, vừa đảm bảo yếu tố hiện đại nhưng vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc. Cuối mỗi cấp học, HS được kiểm tra, thi để được xét công nhận tốt nghiệp cấp học như các HS khác không học chương trình này. “Ngoài ra, HS còn được đăng ký dự thi lấy chứng chỉ quốc tế của Hội đồng Khảo thí Anh quốc Edexcel (thuộc Tập đoàn Pearson) cũng như đăng ký dự thi kiểm tra tiếng Anh theo các chuẩn quốc tế IELTS, TOEFL, TOEIC…”, ông Hiếu nói thêm.
PV: Đề án thí điểm nào cũng có những thuận lợi, khó khăn riêng, và đây lại là một dự án mang tính đột phá – đi đầu cả nước. Do đó, đội ngũ thầy cô giáo được ngành giáo dục TP chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
Trước mắt, đội ngũ GV tham gia giảng dạy chương trình hiện nay là GV bản ngữ, có đầy đủ bằng cấp và trình độ chuyên môn cao, có trình độ sư phạm, phương pháp giảng dạy tiên tiến để truyền đạt các kiến thức bộ môn bằng tiếng Anh. Trong quá trình thực hiện, sở sẽ đưa GV của TP tham gia các khóa bồi dưỡng, học hỏi và tiếp cận chương trình này. Qua từng năm, sẽ có một lượng GV được đào tạo để giảng dạy thay thế GV bản ngữ. Lộ trình này sẽ giúp giảm dần chi phí cho phụ huynh, thu hút nhiều HS theo học và nâng cao chất lượng dạy và học hơn nữa.
Như vậy việc liên thông giữa các cấp học ra sao, thưa ông?
Về chương trình và tài liệu giảng dạy Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã chuẩn bị đầy đủ để thực hiện xuyên suốt bậc học phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12, sau mỗi cấp học, HS được kiểm tra, đánh giá kết quả học tập nếu đạt yêu cầu thì sẽ được xét tuyển vào lớp đầu cấp trên liền kề ở các trường đã được sở phê duyệt tham gia chương trình. Đảm bảo tính liên thông giữa các cấp học cũng là một điểm mạnh của chương trình này, làm cho HS và phụ huynh yên tâm vì quận – huyện nào có trường tiểu học thực hiện thì phải có trường THCS thực hiện tiếp theo. Ngoài ra, sở cũng đã chọn một số trường THPT triển khai chương trình để bảo đảm sự liền mạch, ổn định của chương trình.
Còn việc biên soạn bộ SGK mới, sau khi được Bộ GD-ĐT đồng ý với chủ trương của TP, ngành đã triển khai như thế nào?
Hiện TP đang chờ bộ ban hành chương trình khung, sau đó sẽ lập kế hoạch, phê duyệt đề án viết một bộ SGK. Sở đã dự kiến thành lập ban chỉ đạo, xây dựng các nhóm tác giả, hội đồng phản biện. Đội ngũ biên soạn ngoài chuyên viên, GV của sở còn có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà giáo lão thành.
Giờ học tiếng Anh tích hợp tại Trường TH Minh Đạo (Q.5, TP.HCM) |
Từ năm 2009, Sở GD-ĐT TP.HCM đã biên soạn lần lượt bộ tài liệu dạy học môn vật lý, môn toán và mới đây là tiếng Anh bậc tiểu học. Tới đây, khi thành lập các ban biên soạn SGK, sở sẽ lấy nòng cốt là các thành viên đã tham gia viết các bộ tài liệu các môn học mà sở đã biên soạn. Do yếu tố thời gian, đồng thời do quy mô sử dụng trên toàn quốc nên SGK hiện hành có những yếu tố lạc hậu. Dù vậy, trong thời gian tới khi tham gia biên soạn SGK chắc chắn vẫn phải kế thừa những thành quả được nhìn nhận từ bộ sách đang sử dụng nhưng phương pháp thể hiện sẽ rõ ràng hơn. SGK mới phải hỗ trợ GV đổi mới phương pháp dạy học, giúp HS có thể tự học, tự rèn luyện để hình thành năng lực vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Nếu có chương trình khung sớm ngay trong thời gian tới thì sở sẽ bắt tay vào việc biên soạn một bộ SGK dành cho HS TP để khi Bộ GD-ĐT triển khai thực hiện chương trình và SGK mới vào năm học 2018-2019 thì ngành giáo dục sẽ có sách phục vụ HS TP.
Được biết, sở mong muốn bộ sách sắp tới phải đảm bảo tính khoa học, sư phạm, tiên tiến, tiếp cận với khoa học của khu vực, thế giới nhưng vẫn mang đậm tính dân tộc và địa phương. Ông có thể cho biết cụ thể là thế nào?
Sách về địa lý, lịch sử sẽ thêm những nội dung giáo dục địa phương. Sách về khoa học sẽ biên soạn lại với các ngữ liệu, hình ảnh minh họa gần gũi, thiết thực để HS thích đọc và thích học bộ môn hơn. Thuận lợi là mỗi môn học đã có một hội đồng chuyên môn làm việc với nhau từ lâu rồi, hiểu nhau, biết thế mạnh của nhau nên không ngại về tiềm lực con người. Cái khung đã có, giờ chỉ mời bổ sung các nhà khoa học, nhà giáo lão thành, các giảng viên các trường ĐH để thẩm định tính khoa học của bộ sách. Tuy nhiên, với SGK thì điều cần thiết là các nhà giáo có kinh nghiệm, tâm huyết, có thực tế giảng dạy lâu năm, chỉ họ mới biết được bài này khó phần nào, hấp dẫn HS ở chỗ nào.
Xin cám ơn ông!
Lê Quang huy (thực hiện)
Bình luận (0)