Trong những phiên chợ đặc sắc của người vùng cao nơi miền biên cương, có một phiên chợ độc đáo – chợ chim họa mi ở Mường Khương. Không chỉ là nơi mua, bán, chợ chim Mường Khương còn là nơi những người yêu thích giống chim quý gặp gỡ, trò chuyện và trao đổi…
Cảnh mua bán chim họa mi hàng ngày ở chợ chim Mường Khương |
Chúng tôi có dịp đặt chân đến trung tâm phố huyện Mường Khương, Lào Cai vào một buổi sáng của những ngày cuối tháng 7 khi cả đất trời biên cương vẫn chìm trong sương mờ. Trời mát mẻ pha lẫn chút se se lạnh. Đến chợ huyện Mường Khương, mới sáng sớm mà đã tấp nập người mua, người bán.
Điều thú vị hơn cả là quanh trung tâm huyện, hầu như nhà nào cũng có một vài lồng chim trước cửa. Tiếng chim hót líu lo vang khắp phố núi buổi sớm mai, đánh thức vùng cao Mường Khương làm cho ai cũng cảm thấy bình yên ở miền sơn cước…
Nằm rìa ngoài của chợ, khu phố bán chim họa mi mới thực sự sôi động. Hàng trăm người, già có, trẻ có, bỏ ra hàng giờ chăm chú, ngắm nghía từng chú chim, chủ yếu là họa mi. Chim mới bẫy được nhốt chung vào một lồng, còn lại mỗi con có một “nhà” riêng. Đi chợ Mường Khương không có chim đẹp thì không được vào cổng này”. Chợ chim Mường Khương là nơi mua, bán, trao đổi và chọi chim họa mi. Chợ thường diễn ra vào ngày chủ nhật. Các chủ chim đến đây nghe hót và trao đổi cách thuần dưỡng và dạy chim.
Ông Triệu Tắc (người Hoa) – chơi chim từ khi 14, 15 tuổi, nay đã ngoài 80, cho biết: Lúc đầu thuần dưỡng rất khó khăn, phải liên tục gần gũi nó, đi đâu cũng phải mang theo bên mình cho chim quen hơi. Sau khi thuần dưỡng được rồi cần để ý chế độ ăn uống của chim: chim có béo, tròn, căng thì hót mới hay. Chim họa mi là loài chim ưa sạch sẽ, cứ 2 ngày phải tắm một lần. Nếu không được tắm, chim sẽ hót ít và không có sức mà… “choảng” nhau. “Võ” của chim cũng không cần phải dạy. Sinh ra mỗi con có một kiểu “võ” khác nhau, rất đa dạng: con thì bóp mỏ, con thì bóp cổ đối phương…
Chim họa mi thường đã thú vị là vậy, chúng tôi còn tò mò hơn khi ông Hảng Sùng Diu, người Mông Tả Ngải Chồ nhắc đến chim họa mi trắng – loài chim hiếm. Ông Diu khoe: Tôi đã ba lần mua và bán loại chim họa mi trắng rồi đấy. Nó đẹp và hót hay lắm nhưng tìm mua rất khó. Mấy năm trước tôi đã bán cho khách Trung Quốc, con được giá nhất là trên 1.000 Nhân dân tệ (khoảng hơn 3 triệu VNĐ).
Chim họa mi ở đây được bán với giá trung bình từ 1 triệu đồng trở lên là chuyện thường. Kỷ lục về giá chim ở đây phải kể đến con họa mi của ông Diu – 15 triệu đồng. Đó là con họa mi vô địch ở lễ hội Say Sán – Tết Nguyên đán vừa qua.
Chơi chim, ngắm nghía chúng, bàn về âm thanh, tiếng hót… là thú vui không chán của đàn ông Mông ở rẻo cao Mường Khương. Hễ xuống chợ là nói về chim và khi tan chợ vẫn chẳng muốn về.
Khách từ khắp nơi đổ về, từ tỉnh khác tới, thậm chí là từ Trung Quốc vượt cả trăm cây số qua. Họ mua chim về chủ yếu để tham gia những cuộc thi chọi chim.
Một cụ già ở đây cho biết: Từ khi có chợ phiên Mường Khương, người Mông biết xuống chợ, rồi từ đó chợ chim cũng xuất hiện. Chợ chim cũng thay đổi theo mùa. Mùa hè thì tìm nơi nhiều cây, nhiều bóng mát, mùa đông tìm nơi kín gió.
Đàn ông Mông ở xứ Mường khoe mẽ sự “oai vệ” bằng những chú chim hót hay, chọi giỏi. Chả thế mà, lên Mường Khương vào các ngày chợ, dọc nẻo đường vắt vẻo lưng chừng núi, dễ bắt gặp hình ảnh những người đàn ông “xách lồng chim đi chơi chợ”. Đó là một thú chơi tao nhã, gần gũi với thiên nhiên mà bấy lâu nay đồng bào Mông ở Mường Khương vẫn thưởng thức vào mỗi phiên chợ huyện.
Bài, ảnh: Lê Giang
(ĐH Quốc gia Hà Nội)
Bình luận (0)