BS đang khám bệnh hen suyễn cho trẻ. Ảnh: B.L |
Hen suyễn không chỉ có triệu chứng khó chịu như thở khò khè, hổn hển mà còn ảnh hưởng đến tính mạng nếu ở giai đoạn 4 (suy hô hấp mạn tính). Hơn nữa, cách phát hiện và chẩn đoán bệnh cũng không dễ như các căn bệnh khác.
Bốn mức độ của bệnh
Đã lên 8 tuổi nhưng bé Trúc Ly – con gái út chị Châu (Q.Gò Vấp, TP.HCM) vẫn thường thở khò khè như hồi đi nhà trẻ, nhất là khi đi ngủ. Tuy không ở trong phòng máy lạnh nhưng thỉnh thoảng cháu vẫn ho húng hắng giống như người bị viêm họng.
Triệu chứng đó tuy “thời gian có thời gian không” – như lời mẹ cháu – nhưng đã kéo dài từ mấy năm nay làm cho vợ chồng chị Châu phải lo lắng. Một lần đưa cháu về Bắc ăn Tết, chị Châu lại thấy bé Ly ho nhiều hơn và nghe rõ tiếng thở hổn hển của con vào những ngày giá lạnh. Khi vào khám tại Bệnh viện TP.Hà Tĩnh, cháu được BS chẩn đoán bị suyễn, cần phải nhập viện ngay. Theo BS. Nguyễn Trọng Quảng – Bệnh viện TP.Hà Tĩnh – hen suyễn là một bệnh lý có 2 vấn đề chủ yếu xảy ra sâu bên trong đường dẫn khí của phổi gồm: Co thắt và viêm đường dẫn khí. Trường hợp thứ nhất, đường dẫn khí (còn gọi ống phế quản hoặc trước đây gọi là cuống phổi) bị co thắt khi các cơ trong đường dẫn khí thắt (hoặc siết chặt) lại với nhau làm cản trở không cho không khí được hít vào hay thở ra tại phổi. Thứ hai, hen suyễn cũng có thể xảy ra đối với bệnh nhân khi đường dẫn khí luôn luôn bị tắc (do nhiều chất nhầy ngăn cản), sưng nhiều và bị kích ứng. Triệu chứng viêm này làm cho lượng không khí ra vào cơ thể bị giảm sút rõ rệt gây cho con người mệt mỏi, khó thở. Cũng giống như Trúc Ly, cháu Nguyễn Phúc Đức, con anh Nguyễn Phúc Thọ (Q.Thủ Đức) bị hen suyễn nhưng ở mức độ nhẹ mà nguyên nhân chính là do cơ địa dị ứng với chất xúc tác trong quá trình thở. Từ thể trạng yếu, cháu Đức (6 tuổi) không có sức đề kháng miễn dịch nên thường bị hen tái phát mà triệu chứng là khò khè, ho hen liên tục. Cũng theo BS. Quảng, bốn mức độ của bệnh suyễn từ thấp tới cao là: Nhẹ, trung bình, nặng và ác tính. Nếu trẻ nhỏ thường hen suyễn ở mức độ nhẹ thì ở người lớn thường bị ở mức độ nặng và ác tính nếu chủ quan không chữa trị thường xuyên. Biểu hiện ở mức độ ác tính là triệu chứng khó thở, ho liên tục, nhất là nửa đêm về sáng, mặt tím tái và rất nguy hiểm đến tính mạng vì sự co thắt của ống phế quản đã ngăn chặn bưng bít đường thở của phổi.
Không để chậm trễ
Ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, các bệnh nhân suyễn cũng rất khó chịu trong sinh hoạt lẫn cuộc sống. Các em học sinh và cả giáo viên thường mặc cảm với bạn bè khi ngồi gần mà cứ thở khò khè, khịt mũi liên hồi. Vì thế theo lời khuyên của BS, nên có biện pháp giữ tốt đường dẫn khí coi nó như một “huyết mạch của đường giao thông” đi vào lá phổi bằng cách phòng tránh kịp thời như giữ ấm cho cơ thể, cả trẻ em và người lớn. Vì thế, khi thấy trẻ nhỏ hoặc người thân có triệu chứng viêm phế quản, viêm phổi khó thở lâu ngày thì đừng chủ quan mà phải nhanh chóng đưa đến khoa nội tổng hợp của bệnh viện để được BS thăm khám, chẩn đoán bệnh. Theo cảnh báo của BS, nếu không chữa trị hoặc chữa trị không kịp thời, hen suyễn sẽ gây suy giảm dài hạn chức năng của phổi dẫn đến suy hô hấp mạn tính, lúc này chữa rất tốn kém và mất thời gian. Cũng có khi đường dẫn khí bị viêm nhưng bề ngoài lại không có triệu chứng hen suyễn dễ làm cho nhiều người chủ quan không điều trị liên tục (vì tưởng là đã dứt bệnh). Phòng bệnh đối với các bệnh nhân hen suyễn không bao giờ dư thừa và lãng phí. Nếu có đầy đủ triệu chứng, bệnh sử, Xquang và chức năng hô hấp điển hình thì hen suyễn rất dễ để chẩn đoán. Cũng có nhiều trường hợp việc chẩn đoán vô cùng khó khăn vì không có đầy đủ các yếu tố trên.
Hương Thủy
Bình luận (0)