Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chớ coi nhẹ cảm nắng!

Tạp Chí Giáo Dục

Hè về cũng là thời điểm các gia đình thường đi du lịch, tổ chức các hoạt động vui chơi ngoài trời như tắm biển, dã ngoại… Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm chuyển mùa, nắng nóng, nhiệt độ tăng cao nên dễ gây bệnh.

Theo ghi nhận gần đây, nhiệt độ cao nhất trong ngày ở các tỉnh Bắc bộ phổ biến khoảng 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C; ở các tỉnh ven biển Trung bộ phổ biến 36-39 độ C, có nơi trên 39 độ C. Tại TP.HCM, thời tiết trước khi chuyển mưa thường oi bức, nóng nực cũng dễ gây ra các bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng (dân gian thường gọi là cảm nắng).

Ảnh: Shutterstock
Ảnh: Shutterstock

Nguy hiểm của cảm nắng
Trao đổi với TNTS, BS CKI Nguyễn Viết Hậu – Phòng khám tổng quát Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cho biết vừa qua, tại khoa cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược đã tiếp nhận một số trường hợp người bệnh ngất xỉu do nhiệt hay kiệt sức do nhiệt. Người bệnh thường trong tình trạng lo lắng, mệt mỏi do mất nước, nhiệt độ cơ thể tăng cao. Yếu tố giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác các bệnh lý trên là nhờ tình huống xuất hiện của triệu chứng bệnh và đáp ứng nhanh chóng dịch truyền.
Đối với cơ thể người, nhiệt độ thích nghi nhất là khoảng 25OC. Trong khoảng từ 20OC – 30OC, cơ thể điều chỉnh thích nghi tốt là do có trung tâm điều nhiệt nằm trên não. Trung tâm này có chức năng giúp cơ thể thích nghi được với bất kỳ nhiệt độ nào, nhưng đến một ngưỡng nhiệt độ lạnh quá hay nóng quá cơ thể không thể điều chỉnh kịp do vượt quá khả năng hoạt động của trung tâm này. Khả năng điều chỉnh với sự thay đổi nhiệt độ cũng kém ở trẻ nhỏ (nhỏ hơn 4 tuổi), hoặc người già (lớn hơn 70 tuổi) hoặc người có nhiều bệnh lý đi kèm. Do đó, tùy theo mức độ tiếp xúc với thời tiết nắng nóng ra sao, nhiệt độ môi trường xung quanh như thế nào, thời gian bao lâu, công việc nặng nhọc hay không… thì các bệnh lý do ảnh hưởng của nhiệt độ sẽ xuất hiện và được chia theo các mức độ từ nhẹ đến nặng. “Cảm nắng” là từ gọi chung trong dân gian đối với tất cả các bệnh lý do thời tiết nắng nóng gây ra, như:
Phù do nhiệt. Triệu chứng xuất hiện khi thay đổi môi trường như đi du lịch đến nơi có thời tiết nắng nóng hơn nhiều so với nơi ở thường ngày, ở trong phòng máy lạnh lâu và đột ngột đi ra nắng nóng. Biểu hiện của bệnh là phù ở phần thấp cơ thể như ở mắt cá, bàn chân. Nguyên nhân là do mạch máu giãn ra để thải nhiệt, gây ra phù. Sau khi cơ thể thích nghi trong thời gian vài giờ hay một vài ngày thì triệu chứng sẽ mất đi. Nếu triệu chứng không mất đi, chúng ta có thể kê cao chân khi ngủ để mạch máu lưu thông bình thường.
Phát ban do nhiệt. Nguyên nhân do những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hay nhiệt độ cao bên ngoài dễ bị kích thích làm xuất hiện nổi mẩn ngứa, mề đay. Sau một thời gian sẽ phục hồi, không cần điều trị đặc hiệu. Nếu bị ngứa nhiều có thể dùng các loại thuốc kháng dị ứng thông thường, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng; sau đó cơ thể sẽ tự điều chỉnh và các triệu chứng sẽ biến mất.
Chuột rút do nhiệt. Bệnh thường xuất hiện ở những người lao động nặng hay những vận động viên phải tập luyện với cường độ cao. Trong khi cơ thể đang vận động và sinh nhiệt, gặp nhiệt độ môi trường cao sẽ dễ gây ra chuột rút do nhiệt. Biểu hiện đau ở các bắp thịt, đặc biệt ở các bắp đùi, cẳng chân. Các triệu chứng đau xuất hiện là do khi hoạt động nặng, các cơ phải làm việc liên tục đi kèm cơ thể bị mất nước và muối qua mồ hôi quá nhiều, dẫn đến tình trạng co thắt cơ.
Ngất xỉu do nhiệt. Thường gặp ở những người đi du lịch trong mùa hè, phải đi ngoài nắng, leo núi, di chuyển nhiều, tập quân sự… từ đó gây ra tình trạng mất muối và nước. Đến một giai đoạn nào đó việc mất muối và nước quá nhiều nếu không bổ sung kịp sẽ làm nước trong lòng mạch máu giảm đi, làm giảm huyết áp, đặc biệt ở tư thế đứng làm giảm lưu lượng máu lên não gây triệu chứng ngất xỉu.
Kiệt sức do nhiệt. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng mất muối và nước kéo dài hơn so với các tình huống trên. Biểu hiện không chỉ là ngất xỉu thông thường, mà kèm theo các dấu hiệu của triệu chứng thần kinh như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn ói… Bệnh này nếu sơ cứu kịp thời, ngưng các hoạt động hiện tại, đến được môi trường thoáng mát thì cơ thể sẽ phục hồi hoàn toàn. Nếu vẫn tiếp tục hoạt động hay không thể di chuyển qua môi trường khác thì sẽ gây ra hiện tượng sốc nhiệt. Sốc nhiệt là thể bệnh nặng nhất của các bệnh lý do tăng nhiệt độ gây ra.
Sốc nhiệt (đột quỵ do nhiệt). Đây là loại bệnh có tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ do tim hay đột quỵ do não. Nguyên nhân là do bị mất muối và nước kéo dài đi kèm sự quá tải khả năng hoạt động của trung tâm điều nhiệt. Tăng thân nhiệt kéo dài sẽ làm tổn thương hệ tim mạch, hô hấp, gan, thận đặc biệt là hệ thần kinh. Nhiệt độ cơ thể nạn nhân có thể lên đến trên 40OC, có kèm các triệu chứng thần kinh (đau đầu, chóng mặt, buồn ói, lơ mơ, rối loạn tri giác, co giật thậm chí hôn mê).
Ngừa cảm nắng hiệu quả
Để phòng ngừa các bệnh do thời tiết nắng nóng hay thời điểm giao mùa gây ra, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài hay môi trường có nhiệt độ cao, nên: mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành, hạn chế thời gian tiếp xúc ánh nắng từ 10 – 16 giờ, nếu bắt buộc phải làm việc hay hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao thì nên di chuyển đến nơi có không khí mát mẻ 1 lần/giờ, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó trở lại công việc. Chủ động uống nước, không nên đợi đến lúc khát nước mới uống. Trong thời tiết nóng bức hay trong thời điểm giao mùa, cần lưu ý thêm các bệnh lý về đường hô hấp.
Ngoài ra, đối với một số phụ nữ có các triệu chứng bệnh lý thần kinh trước đó như đau đầu căng cơ, đau đầu Migraine… việc gội đầu trước khi đi ngoài nắng sẽ dễ gây ra đau đầu, chóng mặt là do nhạy cảm với thay đổi nhiệt độ đột ngột, nên phải hết sức lưu ý. Thêm nữa, tránh tắm ngay sau khi đi dưới nắng về, bởi cơ thể đang ở ngoài nắng, nhiệt độ môi trường khá cao, về nhà tắm ngay khiến nhiệt độ thay đổi đột ngột thì trung tâm điều nhiệt phải hoạt động liên tục. Do đó, không được tắm ngay mà nên nghỉ ngơi, để khô mồ hôi khoảng 30 phút. Ngoài ra, cũng không nên tắm nhiều lần trong ngày để tránh việc cơ thể bị thay đổi nhiệt độ liên tục, không tốt cho sức khỏe.

Cẩm Nhung (TNO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)