Đây đang là thời điểm của dịch bệnh tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH). Hiện 2 dịch bệnh này cũng không còn là “đặc sản vùng miền” như trước đây mà xuất hiện ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước với nhiều ca biến chứng nặng gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh, thậm chí có nguy cơ tử vong…
Các bác sĩ tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đang thăm khám cho một bệnh nhân mắc sốt xuất huyết
Bệnh nhân sốt xuất huyết 83 tuổi
Bệnh SXH trước đây thường chỉ xuất hiện ở trẻ em nhưng nay ngày càng có nhiều người lớn mắc SXH. Và bệnh cũng không còn là “đặc sản” của các tỉnh phía Nam mà cả miền Bắc, miền Trung cũng có nhiều ca mắc.
Cụ thể như trường hợp bệnh nhân Đỗ Thị V. (83 tuổi, Hà Nội) có tiền sử tăng huyết áp và ung thư vú đã phẫu thuật 3 năm. Trước khi nhập viện, bà V. xuất hiện sốt cao kèm đau đầu nhiều, mệt mỏi. Sau 3 ngày điều trị tại nhà không thấy hạ sốt nên gia đình đưa bà đến khám tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, kết quả xét nghiệm phát hiện bà V. mắc SXH Dengue, kèm theo các biểu hiện như tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng. Do bệnh nhân là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền, được chẩn đoán SXH có dấu hiệu cảnh báo nên đã được nhập viện theo dõi, điều trị kịp thời. Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Một trường hợp khác cũng là người lớn mắc SXH là bệnh nhân Trần Thị M. (60 tuổi, Nam Định). 5 ngày trước khi nhập viện, bà M. xuất hiện các dấu hiệu nôn và đau thượng vị; sau đó sốt cao, đau đầu, nôn… Theo đó, bà M. đến khám và nội soi dạ dày tại Trung tâm Tiêu hóa gan – mật – tụy, Bệnh viện Bạch Mai. Xét nghiệm Dengue dương tính nên các bác sĩ chuyển bệnh nhân đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới. Lúc này người bệnh đã có các dấu hiệu cảnh báo như tiểu cầu hạ chỉ còn 10 G/L, tình trạng cô đặc máu, có tràn dịch màng phổi, thoát huyết tương…
Theo PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường – Trung tâm Bệnh nhiệt đới, năm nay SXH đến sớm hơn mọi năm. Ngay từ đầu tháng 5, trung tâm đã tiếp nhận điều trị nội trú cho nhiều bệnh nhân SXH. Hiện trung tâm đang điều trị cho 6 ca SXH có dấu hiệu cảnh báo.
BS Cường cho biết thêm, nhiều người lớn khi bị sốt thì nghĩ là mắc Covid-19, cúm hoặc một số bệnh khác chứ ít ai nghĩ mình mắc SXH. Do vậy phải đến ngày thứ 4, thứ 5, lúc đó máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ thấp, hoặc trên các bệnh nhân có biểu hiện bệnh lý nền, cơ địa phụ nữ có thai… thì mới đến bệnh viện. Lúc này bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử, một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng như men gan tăng, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu….
Để chẩn đoán chính xác bệnh nhân SXH cũng như mức độ giảm tiểu cầu chỉ cần làm xét nghiệm máu đơn giản và cho kết quả nhanh trong vòng vài giờ. Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150 – 450 G/L. Khi SXH, xét nghiệm công thức máu sẽ thấy số lượng bạch cầu giảm, số lượng tiểu cầu giảm và hematocrit tăng (máu cô đặc). Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L.
“Người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản để phát hiện SXH sớm từ những ngày đầu tiên. Nếu đúng SXH sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết phải nhập viện nếu không có chỉ định”, BS Cường khuyến cáo.
Hiện nay chưa có vắc-xin nên để phòng bệnh SXH chủ yếu vẫn là tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường không cho muỗi đẻ trứng, kết hợp các biện pháp diệt loăng quăng bọ gậy…
6 tháng mắc tay chân miệng 2 lần
Sau vài ngày sốt cao không hạ, nổi nhiều nốt ban đỏ ở tay, chân và miệng, giật mình nhiều, bé A.N (26 tháng, Bắc Giang) được gia đình đưa đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Tại đây, bé N. được chẩn đoán mắc TCM có biến chứng viêm não.
Mẹ bé N. cho biết: “Đầu năm con tôi đã mắc TCM một lần với biểu hiện sốt, lở loét miệng nhưng điều trị tại nhà vài ngày là khỏi. Vì vậy lần này khi con có các biểu hiện giống lần trước tôi đã nghĩ bé mắc TCM, tuy nhiên lại không ngờ là con bị nặng như vâỵ. Cũng may bé được điều trị kịp thời nên hiện tại con đã tỉnh táo và chuẩn bị được ra viện”.
Bé M.Q (12 tháng, Vĩnh Phúc) cũng đang điều trị TCM tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới. Trước khi nhập viện 2 ngày, bé Q. có biểu hiện sốt cao, quấy khóc, chảy dãi, ăn uống kém nhưng cha mẹ chỉ nghĩ con sốt mọc răng nên không đưa đi khám, đến khi trẻ bắt đầu giật mình, nôn trớ nhiều gia đình mới vội đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây bé được chẩn đoán mắc TCM chủng virus EV71, có biến chứng viêm não.
TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương – thông tin, từ đầu năm 2023 đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc bệnh TCM đến khám với gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong số đó có 20% – 30% trường hợp nhiễm chủng Enterovirus 71 (EV71).
“Hai nhóm tác nhân gây bệnh TCM thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và EV71. Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà thì EV71 gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời”, BS Lâm nhấn mạnh.
ThS.BS Đỗ Thị Thúy Nga – Phó Trưởng khoa Nội Tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới – cũng cho biết, bệnh TCM có hai biến chứng thường gặp là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Năm nay, Khoa Nội Tổng quát tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình nhất là viêm não. Các bệnh nhi vào viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu giấc ngủ và cuối giấc ngủ; ngoài ra còn có biểu hiện run chi, đi lại loạng choạng…
“Do bệnh TCM chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị. Cha mẹ không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm”, BS Nga khuyến cáo.
Ngọc Hà
Bình luận (0)