Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chớ coi thường nhiễm giun đường ruột

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ cần được tẩy giun ít nhất 2 lần/năm, vừa tạo thói quen, vừa bảo vệ sức khỏe
Người nhiễm giun có thể phải chịu ảnh hưởng xấu về sức khỏe, sự phát triển thể chất, trí tuệ. Tuy nhiên, nhiễm giun đường ruột đến nay vẫn bị xếp vào nhóm bệnh nhiệt đới ít được quan tâm do các triệu chứng, biểu hiện không rầm rộ như nhiều bệnh truyền nhiễm cấp tính hoặc các nguy cơ khác.
Điều kiện sống, ăn uống chưa đảm bảo vệ sinh
Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho rằng, bệnh giun xuất hiện rất phức tạp, đã và đang gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người và đời sống cộng đồng. Bệnh phổ biến ở những nước kém, đang phát triển nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ngoài ra, do điều kiện kinh tế, tập quán vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, môi trường sống xung quanh… còn thấp, làm tăng nguy cơ lây nhiễm và hạn chế hiệu quả của các biện pháp phòng chống bệnh. Đơn cử những thói quen gây nhiễm giun mà chúng ta thường bắt gặp đó là người dân dùng phân tươi, phân chưa ủ kỹ để bón rau củ quả, tạo điều kiện để trứng giun phát tán ra môi trường. Hoặc thói quen chưa ăn chín uống sôi, chưa vệ sinh tay trước khi ăn, không che đậy kỹ thức ăn… Nguy cơ lây nhiễm này càng cao đối với trẻ nhỏ vì trẻ hay có thói quen đưa đồ chơi bẩn vào miệng, cầm nắm thức ăn khi tay chưa được rửa sạch, đi chân đất khi vui chơi…”.
Tuy nhiên, trước vấn đề này, ông Dương nhấn mạnh, nhiễm giun đường ruột đến nay vẫn bị xếp vào nhóm bệnh nhiệt đới ít được quan tâm do các triệu chứng, biểu hiện không rầm rộ như nhiều bệnh truyền nhiễm cấp tính hay các nguy cơ khác, dễ bị lãng quên. Đối với ngành y tế, việc phòng ngừa, điều trị mới chỉ thực hiện trên cơ sở chọn lọc một số vùng nhất định có tỷ lệ người nhiễm cao. Và công tác thực hiện gặp không ít khó khăn do kinh phí hạn hẹp. “Trung bình mỗi năm chúng tôi được Bộ Y tế cấp khoảng 500 triệu đồng kinh phí, con số không đủ để thực hiện rà soát số liệu, đánh giá kết quả cũng như công tác điều trị… Khó khăn này ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện”, ông Dương cho biết.
Nên tẩy giun ít nhất 2 lần/năm
Từ số liệu của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho thấy, bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể nhiễm giun, song tỷ lệ nhiễm ở lứa tuổi 6-11 khá cao. Con số này tập trung cao ở một số tỉnh thành phía Bắc như Lai Châu, Ninh Bình, Thanh Hóa, trung bình 60-75% và tập trung vào các loại giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim. Biểu hiện ở người lớn nhiễm giun thường đau bụng cả khi đói, khi no; dùng tay sờ thành bụng thấy gồng cứng. Còn trẻ nhỏ thường chảy nước dãi, bụng căng tròn, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, suy dinh dưỡng…
Các loài giun ký sinh ở tá tràng, bám thành ruột để hút chất dinh dưỡng và máu. Chu kỳ sinh trưởng, diễn biến vô cùng phức tạp. Ở giai đoạn ấu trùng có thể chui qua da, gây viêm da, gây viêm phổi dị ứng. Thường gặp ở người có thói quen đi chân đất, bề mặt da lòng bàn chân tiếp xúc đất, ấu trùng dễ dàng chui qua da vào cơ thể. Ở giai đoạn trưởng thành gây ra rối loạn tiêu hóa, tổn thương ruột, gây đau bụng, đi ngoài ra máu, viêm ruột thừa, viêm cơ tim, suy dinh dưỡng, đề kháng kém, gây giảm khả năng phát triển thể lực, trí lực… thậm chí tử vong.
Ông Dương dẫn chứng: “Một ngày 20 con giun đũa sử dụng hết 2,8g chất bột, 0,7mg thịt. Chúng gây nên tắc ruột, lồng ruột, thủng ruột. Ngoài ra giun đũa hay có di chuyển bất thường như chui ống mật, gây viêm nhiễm, thậm chí giun còn chui lên miệng, mũi. Còn giun móc, 1 con ăn 0,04 đến 0,16ml máu/ngày, gây thiếu máu, suy tim, phù nề, gầy mòn, suy kiệt, một ngày giun sinh sản từ 9.000 đến 30.000 trứng, chu kỳ từ 4-5 tuần. Hoặc giun tóc thường gây tổn thương niêm mạc ruột, rối loạn tiêu hóa, thiếu hụt vitamin A, sa trực tràng, nhiễm trùng thứ phát, thiếu máu. Một ngày sinh sản 3.000 đến 20.000 trứng, thời gian sống từ 5-10 năm…”.
Do Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm giun cao trong khu vực nên việc nâng cao nhận thức cho người dân về phòng ngừa nhiễm giun cũng như ngừa tái nhiễm là hết sức quan trọng. Ông Dương khuyên: “Nên ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh cũng như không nên đi chân đất. Đặc biệt không để trẻ nhỏ bò lê dưới đất, đưa đồ chơi bẩn vào miệng. Theo đó cần giữ vệ sinh môi trường sống xung quanh. Không dùng phân chưa ủ kỹ bón hoa màu, sử dụng nguồn nước sạch. Khi phát hiện bị nhiễm cần cắt đứt ngay nguồn nhiễm bằng việc điều trị thuốc đặc hiệu. Theo đó tất cả các thành viên trong từng gia đình cần được tẩy giun ít nhất 2 lần/năm, vừa tạo thói quen, vừa bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình”.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
Việt Nam có số người nhiễm giun đường ruột cao
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đang là nước có số người nhiễm giun đường ruột cao ở khu vực châu Á, khoảng 20 đến 40 triệu người mỗi năm trong đó đa số là học sinh. Tại khu vực miền Nam, tỷ lệ nhiễm từ 10-50%, còn khu vực miền Bắc có nơi lên đến 80%. Và ước tính mỗi năm người dân mất khoảng 1,5 triệu lít máu, 15 tấn lương thực để nuôi giun. Còn theo báo cáo của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương điều tra tại 54 tỉnh thành với gần 82 triệu người trong năm 2011 thì dân số nguy cơ nhiễm khoảng 33,2 triệu người. Tỷ lệ phân bố nhiễm tập trung đông ở các tỉnh phía Bắc. Cụ thể trong hơn 11 triệu dân vùng trung du, miền núi có đến hơn 41% người nhiễm, khu vực đồng bằng sông Hồng khoảng 48% trong tổng số gần 20 triệu người. Và khu vực thấp nhất tập trung tại các tỉnh thành phía Nam. 
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)