Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cho con được… phạm lỗi

Tạp Chí Giáo Dục

Khuyến khích trẻ làm các công việc trong khả năng sẽ là động lực khiến các em phấn đấu tốt hơn. Ảnh: N.Trinh
4 tuổi đã biết xếp quần áo, 6 tuổi đã có thể rửa bát dĩa và nấu một bữa cơm cho mình khi cha mẹ vắng nhà. Bên cạnh đó, ngoài việc học tốt thì trẻ cũng tự biết chăm sóc cuộc sống cá nhân…
Tuy nhiên, để trẻ làm được điều này không phải ngày một ngày hai mà đó là cả một quá trình rèn luyện.
“Những chú gà nuôi công nghiệp”
Tại sao cha mẹ có thể làm vỡ một cái dĩa, còn trẻ thì không thể được? Tại sao cha mẹ có thể nấu một món ăn bị cháy, món canh bị nhạt hay cơm bị nhão còn trẻ thì không?… Đấy chỉ là những việc đơn giản nhất từng bước tập và hình thành tính cách trẻ qua những công việc hằng ngày. Chỉ vì sợ con sẽ làm hư hỏng nên cha mẹ thường có tâm lí không cho các em đụng tay đụng chân vào. Theo quan niệm của nhiều bậc phụ huynh, nhiệm vụ của con chỉ có học và học. Ngoài việc học thì không phải đụng tay đụng chân vào bất kì việc gì ở nhà.
Ở một lớp tập gym (tập thể dục thẩm mỹ) mà tôi tham gia, phần đông học viên là những chị đã có con cái. Chị Hằng nhà ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) có cô con gái đang học lớp 11 nhưng hàng ngày chị vẫn gọi điện thoại nhắc nhở con từng li từng tí, như: Gọi con thức dậy đi học thêm; gọi con ăn cơm, thậm chí ăn gì, đồ ăn để đâu chị cũng phải chỉ rõ ràng con mới biết được. Chị Hằng giải thích cho việc thuộc làu thời khóa biểu của con là “không phải vì quan tâm mà là từ nhỏ tới lớn con bé không phải làm gì cả”. Nếu không nhắc ăn cơm thì con không ăn, không gọi dậy đi học thêm thì con ngủ quên luôn tới chiều.
Trong buổi liên hoan của đứa cháu gái học lớp 2, tôi được cha mẹ cháu nhờ đưa tới lớp; tại đây tôi thấy có nhiều em không biết xé chiếc bánh xốp ra ăn như thế nào, không biết mở nắp chai nước uống ra sao. Cô giáo phải đi từng bàn lấy kéo cắt từng cái và các em chỉ biết lấy ăn. Trong khi, trên mỗi chiếc bánh đều có đường răng cưa chỉ cần cầm xé là có thể ăn được.
Có thể nói cuộc sống đầy đủ khiến cha mẹ vô tình biến con cái thành những “hòn đất” – đặt đâu ngồi đó chứ không có khả năng tự nhận thức, chăm lo cho cuộc sống của chính mình.
Nhiều bậc cha mẹ đã “ngụy biện” cho việc nuông chiều con cái là nó không biết làm gì đâu. Nhưng phụ huynh đâu biết rằng: Con không làm được là do ngay từ đầu cha mẹ đã không cho các em có cơ hội thử thách, vô tình biến các em thành “những chú gà nuôi công nghiệp”, ngay cả việc tự chăm sóc bản thân cũng phải nhờ đến người khác.
Cho con cơ hội làm sai
Nhiều bậc cha mẹ “đầu tắt mặt tối” vì công việc ở cơ quan, việc nhà…, thế nhưng vẫn ôm đồm luôn cả việc soạn sách vở, bút thước cho con đi học. Để con tự soạn thì sợ bị thiếu lên lớp thầy cô sẽ la rầy. Nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ khi cha mẹ cho con cơ hội làm sai thì các em mới có thể nhận ra những việc nhỏ cũng cần được học. Do đó, cha mẹ cần tập cho con tính tự lập ngay từ nhỏ và bắt đầu từ những việc nhỏ.
Đâu hẳn cứ thương con là cho con được miễn làm công việc nhà, về lâu dài thì điều đó lại làm triệt tiêu kỹ năng tự chăm sóc và bảo vệ bản thân của trẻ. 
Một lần đến chơi nhà người chị làm cùng công ty, tôi thật bất ngờ khi hai đứa con gái của chị – một 6 tuổi và một 4 tuổi – đã có thể nấu một bữa cơm trưa. Dẫu những món ăn rất đơn giản chỉ với trứng chiên và pha mì gói làm canh. Ăn xong hai đứa trẻ tự cho chén dĩa vào bồn rửa và úp vào kệ rất ngăn nắp, trật tự. Bồn rửa cao so với tầm với nên chúng phải đứng trên một cái ghế nhưng vẫn làm thật thành thạo. Sao những đứa trẻ ấy có thể làm được như vậy?, tôi tự hỏi. Sau khi dò hỏi chị bạn, tôi mới biết là chị “dám để con làm sai, dám cho con phạm lỗi”. Chị cho biết: “Tập cho con tính tự lập ngay từ nhỏ là một việc mà các bậc cha mẹ nên làm. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình. Cha mẹ hãy cứ để con tự làm những việc của chính mình”.
Tuy nhiên, nghịch lí ở chỗ khi con lớn lên không biết làm gì thì cha mẹ lại mắng “đồ ăn bám, quẳng ra đường là chết đói liền, có biết làm gì để nuôi lấy cái thân đâu”. Có cha mẹ nào hiểu được chính việc quá thương yêu, không dạy con lao động đã khiến con trở thành những đứa… ăn hại đâu.
Một chuyên gia tâm lý cho rằng cha mẹ cứ để cho con làm bất kì thứ gì mà chúng thích, chỉ cần cha mẹ để mắt tới hướng dẫn nhằm tránh những sai lầm đáng tiếc xảy ra. Khuyến khích con làm tốt sẽ là động lực để con cố gắng hơn. Đâu hẳn cứ thương con là cho con được miễn làm công việc nhà, về lâu dài thì điều đó lại làm triệt tiêu kỹ năng tự chăm sóc và bảo vệ bản thân của trẻ.n
Khánh Đan (TP.HCM)
Cơ hội để trẻ trải nghiệm, trưởng thành
Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A, giảng viên Trường CĐ Sư phạm TW TP.HCM, cho biết: Xuất phát từ tình yêu thương mà một số phụ huynh cho rằng nên tạo điều kiện để con toàn tâm toàn ý cho việc học hoặc vui chơi thỏa thích. Do đó, trẻ không cần phải đụng tay đụng chân vào công việc nhà, dù đó là công việc phù hợp với năng lực bản thân. Mặt khác, phụ huynh cũng sợ con làm hỏng công việc, hoặc cầu toàn, sợ tốn thời gian nếu giao việc cho con; thế nên, thay vì giao việc, phụ huynh lại tự mình giải quyết, quán xuyến tất cả. Chính những điều này vô tình tước đi cơ hội để trẻ trải nghiệm, trưởng thành, phát triển nhân cách toàn diện. Bởi lẽ, thông qua việc lao động vừa sức, trẻ sẽ được rèn luyện một cách trực tiếp kỹ năng làm việc, hiểu giá trị công việc, tinh thần trách nhiệm. Dù trong quá trình thực hiện, trẻ có làm sai, làm hỏng thì điều đó cũng là những “nguyên liệu” để phụ huynh dạy con về sự thất bại, về tính cẩn thận và kiên trì. Chính vì thế, tùy vào lứa tuổi, sức khỏe, phụ huynh hãy mạnh dạn giao việc vừa sức cho con, bởi đó là một trong những cách quan trọng để con được trưởng thành.
N.Trinh (ghi)
 
 

Bình luận (0)