Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cho con học vượt lớp: Phụ huynh nên cân nhắc

Tạp Chí Giáo Dục

Em Nguyễn Phúc Trường làm toán cho giáo viên Trường TH Núi Thành xem

Việc phụ huynh em Nguyễn Phúc Trường (năm nay 6 tuổi) có đơn xin cho con bỏ qua lớp 1, học vượt lên lớp 2 đã làm nhiều bậc phụ huynh không khỏi bàn tán xôn xao… 

Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Hồng Tân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (Đà Nẵng) xác nhận: “Đầu năm học 2011-2012, nhà trường có nhận đơn xin học vượt lớp của phụ huynh em Nguyễn Phúc Trường. Nội dung đơn bày tỏ gia đình xét thấy khả năng của cháu có thể vào học lớp 2 và cả nguyện vọng của cháu mong muốn được học lớp 2. BGH Trường Tiểu học Núi Thành đã làm đơn gửi Phòng GD-ĐT Q.Hải Châu để nhà trường tiến hành xem xét, kiểm tra chất lượng hai môn toán, tiếng Việt đối với em Trường”.
Ngay sau đó, nhà trường đã tiến hành khảo sát học lực của Nguyễn Phúc Trường qua hai môn học toán và tiếng Việt. Cô giáo Trần Thị Lệ – Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành, người trực tiếp làm kiểm tra lực học của Trường cho hay: “Qua hai môn thi chính này, em Trường đã hoàn thành tốt đề khảo sát môn tiếng Việt yêu cầu ở mức tương đương với HS lớp 3. Phần chính tả, tốc độ viết của Trường đạt ở mức 90 chữ/20 phút, mặc dù có những âm vần khó và em chưa tiếp xúc với văn bản lần nào. Phần tập làm văn, với yêu cầu viết một đoạn văn ngắn kể về con vật nuôi em yêu thích, Trường đã viết bốn câu ngắn, có đủ ý để tả một con mèo, đây là phần học tương đương với yêu cầu của chương trình đầu năm học lớp 3. Mức độ yêu cầu trong đề toán khảo sát tương đương với chương trình lớp 2 và lớp 3 cuối HK I. Cả hai môn học này, Trường hoàn thành ở mức xuất sắc với môn toán đạt 10 điểm”.
Chúng tôi trực tiếp gặp em Nguyễn Phúc Trường. Tuy mới 6 tuổi nhưng Trường tỏ ra rất nhanh nhẹn. Em vừa khoe biết làm phép tính nhân ba con số và cho biết thêm, ở nhà mẹ đã dạy cho em rất nhiều phép tính, kể cả số thập phân. Và Trường đã làm rất chính xác phép toán cộng số thập phân của thầy hiệu trưởng đưa ra. Khi được hỏi về thời gian ở nhà, Trường cho biết, sau các buổi học hàng ngày, buổi tối nào em cũng được mẹ bày cho cách học bài. Như vậy, khả năng tư duy của em Trường khá nhanh nhạy, khi phụ huynh kèm cặp, động viên tạo nên sự hưng phấn giúp em tiếp thu bài và phát huy được khả năng tư duy, trí nhớ.
Tuy nhiên, thực tế trong môi trường giáo dục ngày nay, trường hợp trẻ chưa chính thức vào lớp 1 đã biết đọc, biết viết, biết làm toán thông thạo là khá phổ biến. Bởi lẽ, ở lớp mẫu giáo lớn ít nhiều các em đã tiếp xúc với các con số và mặt chữ, kèm theo đó nhiều phụ huynh muốn con mình không thua kém bạn bè đã bày cho các em học hoặc cho các em học thêm từ khi các cháu đang học mẫu giáo lớn. Ông Nguyễn Đăng Ngưng – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hải Châu cho biết, hằng năm, phòng đều chỉ đạo các trường tiểu học phân công GV lớp 1 phối hợp với các trường mẫu giáo để hướng dẫn tư thế ngồi, cách cầm bút, đặt vở… Đối với chương trình mẫu giáo lớn, chỉ yêu cầu trẻ làm quen với chữ cái, chữ số và tuyệt đối không được dạy trước cho trẻ đọc – viết. Thế nhưng, để yên tâm, nhiều phụ huynh đã cho con học chữ trước khi vào lớp 1.
Chính vì thế, theo thống kê của Trường TH Núi Thành thì trong số 220 học sinh vừa vào lớp 1 năm học này, có gần 80% em thành thạo kỹ năng đọc, viết và làm một vài phép tính. Vài năm trở lại đây, “hội chứng thần đồng” liên tục được thông tin đại chúng đăng tải và trong số đó có không ít trường hợp cười ra nước mắt do sự kì vọng quá đáng từ phía phụ huynh về khả năng vượt trội của con em mình cũng như vô tình tạo nên những áp lực với trẻ làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển bình thường về tâm sinh lý của trẻ.
Qua sự việc này chúng tôi không khẳng định nên hay không cho cháu Trường học vượt lớp, mà chỉ muốn góp thêm dẫn chứng cụ thể để các bậc phụ huynh có một lựa chọn đúng đắn khi quyết định tương lai cho con em mình, không đặt quá nhiều kì vọng tạo nên áp lực quá sức cho con trẻ. Bởi đằng sau sự kì vọng ấy, bao giờ cũng tiềm ẩn những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra nếu không được cân nhắc kỹ lưỡng.
Tư duy trẻ phát triển nhanh, nhạy là điều đáng mừng, nhưng việc các bậc phụ huynh quá kì vọng muốn con mình học vượt theo cách “đốt cháy giai đoạn” phát triển tự nhiên của não trẻ đặt ra không ít băn khoăn rằng liệu sau một thời gian khi sự phát triển của bộ não cân bằng thì việc học vượt này có trở thành gánh nặng quá sức với trẻ hay không?
Bài, ảnh: Hàn Giang

Theo cô Trần Thị Lệ, Phó hiệu trưởng nhà trường nhận xét: “Khả năng tư duy của em Trường là rất tốt, nhưng một số kỹ năng như viết ngang với yêu cầu của học sinh lớp 2 thì Trường chưa làm được. Bên cạnh đó, nhà trường chỉ mới kiểm tra hai môn toán và tiếng Việt trong khi nếu muốn học vượt lớp thì em Trường phải vượt ở tất cả các môn học, đó là điều đáng ngại cho em khi tiếp xúc với chương trình học”.

 

Bình luận (0)