Cùng với sự phát triển và cạnh tranh của xã hội, trẻ em ngày càng có ít thời gian dành riêng cho mình. Trẻ em ngày càng bị cha mẹ quản lý, gò ép theo ý muốn của người lớn, dần dần mất đi cơ hội và khả năng lựa chọn của mình. Điều này rất có hại cho sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Nếu thật sự vì sự phát triển toàn diện nhân cách của con trẻ, cha mẹ hãy cho con một không gian riêng đủ để chúng tung tẩy trong thế giới của mình.
Khi nghe một số đồng nghiệp chia sẻ cách quản con trong thời đại 4.0, chị Hồng (Q.1, TP.HCM) không khỏi ngậm ngùi: “Trẻ con bây giờ khổ thật, ngoài giờ học chính khóa chẳng biết đi đâu, tham gia hoạt động nào để giải trí, vậy mà ở nhà còn bị cha mẹ giám sát tứ phía bằng camera”.
Theo các chuyên gia tâm lý trẻ em, cùng với sự trưởng thành của trẻ, những vấn đề mà chúng cần tự giải quyết sẽ ngày càng nhiều hơn. Do đó, thời gian tự do cần thiết cũng cần nhiều hơn, cha mẹ không nên soi xét hay can thiệp quá sâu vào các mối quan hệ bạn bè của trẻ, hãy cho con một không gian riêng. Cha mẹ chỉ nên hỗ trợ, tham vấn giúp trẻ tự làm chủ thời gian của bản thân, có kế hoạch học tập, hoạt động cụ thể thì trẻ mới không cảm thấy bị áp lực, gò ép, mới thể hiện bản thân theo đúng những suy nghĩ của mình.
Kiểm soát, quản lý con quá chặt có thể làm mất đi niềm cảm hứng tích cực của trẻ. Trẻ càng lớn thì trách nhiệm học tập của chúng ngày càng cao hơn, thời gian rảnh rỗi đương nhiên vì thế cũng ít đi. Nếu thấu hiểu nỗi lòng của trẻ, các bậc cha mẹ nên tạo điều kiện cho con được thả mình trong khoảng không gian tự do để khơi dậy hứng thú, lấy lại năng lượng tích cực cho những hoạt động tiếp theo. Sự thật thì không ít bậc cha mẹ cho rằng con càng lớn thì cần quản lý con chặt chẽ hơn, nếu thả lỏng một chút cũng sẽ gây hậu quả khôn lường, trẻ tự do quá sẽ sinh ra tùy tiện khó mà giáo dục, quản lý được. Vì thế, theo không ít phụ huynh ở bậc tiểu học thì quản lý vừa phải, lên bậc phổ thông trung học thì càng quản lý nghiêm ngặt hơn. Dưới góc độ tâm lý trẻ em, trẻ càng lớn càng muốn khẳng định tính độc lập của mình, cha mẹ cần căn cứ vào đặc tính tâm lý của từng đứa con mình để có cách quản cho phù hợp. Chỉ biết rằng, càng quản con chặt chúng sẽ càng mất đi niềm cảm hứng tích cực để làm việc, thậm chí còn khiến chúng phản ứng ngược lại như gia tăng sức ỳ của bản thân, lầm lì hơn, thu mình và không có nhu cầu chia sẻ với cha mẹ.
Cần tôn trọng nhu cầu của trẻ, thấu hiểu được suy nghĩ của chúng. Những việc mà cha mẹ nghĩ rằng sẽ tốt cho con như học thêm tiếng Anh, học đàn, học bơi, học võ… cần đưa ra bàn bạc, nói chuyện nghiêm túc với trẻ để chúng có quyền lựa chọn và quyết định. Để trẻ nói lên những điều mình thích và không thích. Sau đó, cha mẹ phân tích những điều hay lẽ phải, giúp trẻ nhận thức rõ vấn đề của mình và cảm thấy hứng thú với những lĩnh vực mà con quan tâm.
Cha mẹ cần đồng hành với việc nghỉ ngơi, thư giãn của trẻ. Các bậc cha mẹ đều thừa hiểu rằng vốn thông tin không chỉ có trong sách vở, mà có thể đến với trẻ từ nhiều nguồn khác nhau. Chẳng hạn như khi trẻ đọc truyện cổ tích, trẻ xem phim hoạt hình, nghe các bản nhạc yêu thích trẻ không những có được niềm vui vì được thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của bản thân, mà trẻ còn hiểu được những đạo lý làm người. Do đó, cha mẹ đừng nên quá lo lắng đến thành tích học tập của con, nhất là trong những ngày nghỉ, kỳ nghỉ lễ, tết nên cho trẻ có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để lấy lại sức cho quá trình học tập lâu dài. Cha mẹ nếu muốn con mình học tập có hiệu quả hãy dành cho chúng một khoảng trời riêng có thể để cải thiện lại đời sống tinh thần và hướng trẻ đến những điều tích cực, lạc quan nhằm gia tăng niềm tin hợp lý vào bản thân.
Hướng cho con biết cách phối hợp các hoạt động học tập và vui chơi một cách hợp lý. Không có đứa trẻ nào lại không thích khám phá và thử sức các trò chơi, đó là thế giới riêng của chúng. Trò chơi cũng là một phương thức học tập, trẻ có thể học được rất nhiều kiến thức ngoài sách vở và khi tham gia vào trò chơi trẻ sẽ có thể nâng cao năng lực trong nhiều phương diện khác như kỹ năng nhóm, kỹ năng tư duy, kỹ năng xử lý thông tin…
Lê Phạm Phương Lan (Giảng viên tâm lý)
Bình luận (0)