Rời bục giảng sau 30 năm tâm huyết với nghiệp “đưa đò”, cô giáo Thái Thị Lan ở phường Đông Lương (TP.Đông Hà) tiếp tục thành lập quỹ học bổng “Cho con” để chắp cánh ước mơ cho hàng trăm học trò nghèo, mồ côi có cơ hội được đến trường.
Cô Lan (thứ 4 từ phải sang) mang học bổng “Cho con” đến với học sinh mồ côi
Nối dài những nẻo đường học
Rời bục giảng đã hơn 3 năm, cô giáo Thái Thị Lan dường như vẫn chưa một ngày nghỉ ngơi. Giữa mùa dịch Covid-19 bủa vây, các trang sổ ghi từng hoàn cảnh học sinh cần hỗ trợ rồi nhiều suất học bổng vẫn được trao đi, bằng sự kết nối online qua mạng xã hội. Với nhiều học trò Quảng Trị, nhiều năm qua cô giáo Lan như người mẹ thứ hai, lặng lẽ chăm lo cho từng đứa con giữa buổi ngặt nghèo.
3 năm trước, hai anh em song sinh Nguyễn Tài Nam và Nguyễn Cương Trung, ở xã Hải Dương (huyện Hải Lăng) từng ngập ngừng trước năm học mới khi bắt đầu lên lớp 12. Ông Nguyễn Thông (75 tuổi), ông ngoại của Nam và Trung bộc bạch: “Thời trẻ, mẹ cháu đi làm công nhân rồi lấy chồng tận Tây Ninh. Hai anh em Nam và Trung vừa chào đời 3 tháng thì bố mất do tai nạn. Cuộc sống khó khăn, mẹ cháu đành gửi hai con về cho ông bà ngoại chăm sóc. Chúng tôi tuổi cao, sức yếu, mỗi năm chỉ làm được vài sào ruộng lúa nên chật vật nuôi các cháu lớn khôn. Tới năm lớp 12 thì mọi chi tiêu cho các cháu lớn hơn nên vất vả hơn rất nhiều. May mắn thời điểm ấy, cô giáo Lan đến và trao học bổng cho các cháu mỗi tháng 2 triệu. Nhờ đó các cháu được tiếp tục đến trường…”. Năm đó, cả Nam và Trung đều đỗ vào Trường ĐH Tài chính ngân hàng và ĐH GTVT ở TP.HCM. Những suất học bổng của cô Lan lại tiếp tục chắp cánh ước mơ cho hai anh em đi xa. “Vui nhất là với kết quả đạt loại giỏi năm học thứ nhất, học bổng “Cho con” của cô Lan đã thưởng cho hai anh em 8 triệu đồng. Chừng đó đỡ được khoản tiền trả nhà trọ và ăn uống cho mẹ và ông bà ngoại bớt vất vả”, Nam nói.
Nghỉ hưu nhưng không ngừng làm việc. Cô giáo Thái Thị Lan vẫn lặng thầm tiếp sức cho hàng trăm hoàn cảnh khó khăn đến trường, bằng tấm lòng của một người mẹ. “Hạnh phúc của tôi là khi nhận tin nhắn của các con về thành quả tốt trong quá trình học tập và rèn luyện. Để có những trái ngọt đó, tôi chỉ là người làm cầu nối đưa niềm vui đến cho các em, còn những suất học bổng đó là nhờ có rất nhiều các mạnh thường quân khác đã chia sẻ, gom góp”, cô Lan trải lòng. |
Còn nhớ vài tháng trước, cầm trên tay tờ quyết định gọi con nhập học Trường ĐH Nghiên cứu Y khoa Quốc gia Nga, anh Nguyễn Hữu Trụ ở khu phố Vĩnh Phước (phường Đông Lương, TP.Đông Hà) rưng rưng: “Cô Lan không chỉ là cô giáo từng dạy tui thời cấp 2 mà bây giờ chính cô lại dìu dắt cháu tiếp tục con đường học. Ân nghĩa ấy với vợ chồng tui hơn cả nghĩa thầy trò”. Cậu học trò Nguyễn Hữu Lộc, con trai anh Trụ là một trong những học sinh đầu tiên được cô Lan hỗ trợ tiếp sức đến trường. “Hôm tìm đến nhà Lộc theo giới thiệu của nhà trường nơi em theo học, tôi ngỡ ngàng nhận ra ba Lộc lại chính là học trò cũ của mình. Trụ từng là học sinh có học lực khá nhưng dang dở ước mơ vì nghèo. Điều đó làm tôi áy náy mãi trong những năm tháng dạy học của mình. Nay gặp lại em cũng đang trong hoàn cảnh khó khăn nên quyết định hỗ trợ cho Lộc suốt 3 năm học THPT”, cô Lan kể lại.
Sức lan tỏa của quỹ học bổng “Cho con”
Hơn 3 năm kể từ ngày thành lập quỹ học bổng “Cho con”, cuốn sổ ghi chép của cô Lan dày thêm mỗi ngày. Đầu năm học 2021-2022, sổ học bổng thứ 158 rồi 159… lần lượt được trao. Bao giờ cũng vậy, mỗi học bổng luôn được trao đều đặn hàng tháng để con đường học của trẻ nghèo không bị đứt đoạn.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, từ ngày TP.Đông Hà còn là một thị xã nhỏ, còn nhiều khó khăn và thiếu thốn sau chiến tranh, cô Lan hiểu những nhọc nhằn trên con đường đến trường của bao thế hệ học trò. Đó là chưa kể, nhiều nơi trên mảnh đất Quảng Trị còn khó hơn nhiều lần. “Trăn trở nhiều nên khi nghỉ hưu, tôi quyết định dành thời gian cho công tác thiện nguyện, hỗ trợ học trò nghèo”, cô Lan kể.
Cô giáo Thái Thị Lan (thứ 2 từ phải sang) trao học bổng cho học trò nghèo
Những ngày đầu, quỹ còn hạn hẹp, mỗi tháng cô Lan trích 10% tiền lương hưu của mình dành cho quỹ. Rồi thông qua mạng xã hội, các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, cô gửi đi thông điệp kêu gọi các mạnh thường quân chung tay hỗ trợ. Để quỹ đến được với những học sinh cần nhất, nhanh nhất, cô Lan không ngại lặn lội đến tận các làng, bản, thôn xóm để tìm hiểu. Với chuyến đi gần, cô tự chạy xe máy. Chuyến đi nào xa, đường sá khó khăn cô lại nhờ con trai hoặc bạn bè, học trò đưa đi. Trao học bổng đồng thời cô cũng trao đi những lời thăm hỏi, lời động viên chân tình nhất như một người mẹ, người cô để học trò tự tin hơn, có thêm động lực vượt qua nghịch cảnh.
Cô Lan kể, ban đầu khi mới thành lập quỹ “Cho con”, sức lan tỏa còn hạn hẹp nên đa số các suất học bổng cô đều phải… rút tiền túi để bù. Từ khoảng 10 trường hợp được quỹ hỗ trợ khi vừa mới thành lập năm 2018, đến nay, quỹ đã tiếp sức cho 150 hoàn cảnh học sinh nghèo khó, mồ côi được tiếp tục đến trường. Mỗi suất 10 triệu đồng. Trong đó nhiều em được nhận học bổng lần 2. Ngoài ra có 20 học sinh được nhận hỗ trợ hàng tháng từ 500 đến 1 triệu đồng và nhiều sinh viên có kết quả học tập giỏi được thưởng. Điều đáng mừng là quỹ nhận được sự quan tâm từ các học trò cũ của cô đã trưởng thành. Cô Lan bảo, sự nối tiếp đó là sợi dây bền vững nhất để những khó khăn dần được đẩy lùi và có nhiều hơn các hoàn cảnh được tiếp sức.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên
Bình luận (0)