Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chờ đến bao giờ?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đổi mới phương pháp dạy học, dạy học cá thể… là vấn đề được ngành giáo dục đề cập từ nhiều năm nay, được xem là then chốt trong việc đổi mới giáo dục Việt Nam
Thực tế hiện nay, ở hầu hết các trường tiểu học – bậc học khởi đầu cho việc đổi mới phương pháp – việc dạy học vẫn theo kiểu cũ là thầy giảng – trò nghe, thầy đọc – trò chép, thầy hỏi – trò trả lời, trò tiếp thu một cách thụ động. Hậu quả là học sinh dễ bị ù lì.
Việc đổi mới dạy học ở các trường có chăng chỉ mang tính “biểu diễn” khi cấp trên kiểm tra, dự giờ. Cô Đỗ Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Bình (Q.9-TPHCM), từng nhìn nhận: “Dạy học cá thể hóa theo từng nhóm thì chỉ có ở những tiết dự giờ!”.
Cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4-TPHCM), cũng cùng nhận định: “Việc đổi mới phương pháp giảng dạy được thực hiện từ lâu nhưng chỉ sơ sài, không thường xuyên. Lúc dự giờ thì giáo viên nào cũng đổi mới, nhưng bất ngờ đi ngang qua thì vẫn thấy đọc – chép”.

Những lý do thường được viện ra là sĩ số học sinh/lớp quá đông, chương trình quá nặng, cách đánh giá vẫn nặng về kiến thức, trình độ giáo viên không đồng đều, giáo viên không được chủ động trong việc thực hiện chương trình, bàn ghế không chuẩn…
Đó là chưa kể nhiều nơi còn hiểu không đầy đủ về đổi mới phương pháp. Tại một trường tiểu học “điểm” ở Q.Gò Vấp, khi nghe chúng tôi đề cập chuyện đổi mới giảng dạy, ông hiệu trưởng say sưa nói về giáo án điện tử. Còn hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn – một trường “điểm” ở Q.3- thì từ chối tất cả mọi câu hỏi liên quan đến việc đổi mới chương trình! Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học- Sở GD-ĐT TPHCM, nói: “Đổi mới dạy học không chỉ là giáo án điện tử, là ứng dụng công nghệ thông tin… Đổi mới để dạy cá thể mà vẫn kê bàn cho học sinh ngồi theo cách cũ thì chỉ là hình thức!”.

Trong khi đó, Trường Tiểu học Lương Định Của (Q.3-TPHCM) từ năm học này đã bắt đầu tổ chức học theo nhóm cho học sinh toàn trường dù trong điều kiện bàn ghế không chuẩn, sĩ số cao, từ 45- 48 học sinh/lớp… “Vấn đề chính là nhà trường và giáo viên có vượt qua được quán tính cũ, có quyết tâm làm hay không!”, thầy Nguyễn Đạt Sử, hiệu phó nhà trường, cho biết.

Thực sự, nếu ngồi chờ đến khi có bàn ghế chuẩn (bàn đơn, ghế rời), sĩ số chuẩn (30- 35 học sinh/lớp) thì biết khi nào chúng ta mới có thể đổi mới! Trong khi việc đổi mới dạy học theo thầy Sử là không khó vì yêu cầu kiến thức vẫn như vậy, phương pháp dạy học thì đã có tài liệu hướng dẫn tỉ mỉ…
Minh Nhật/NLĐ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)