Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cho đi là còn mãi

Tạp Chí Giáo Dục

Ngoài giờ lên lớp, chị tranh thủ dạy organ cho con – môn nghệ thuật chị tự học được khi còn là sinh viên

Thoạt nghe câu chuyện của chị, người ta bảo chị là người “ôm đồm”. Song chính những thành quả chị gặt hái được khiến mọi người hiểu ra rằng, bằng phương pháp làm việc khoa học, sự nỗ lực và niềm đam mê của bản thân thì việc gì khó cũng thành công.

Chị là nhà giáo ưu tú Hoàng Thị Mỹ Nhung, giáo viên Trường THCS Lộc Hưng (Lộc Hưng – Lộc Ninh – Bình Phước). Ngoài tính “tham công tiếc việc”, chị còn là người dễ gần gũi, tình cảm.
Thử làm một lần xem sao…
Năm 1993, mới về Trường PTCS Tân Tiến (xã Tân Tiến, huyện Lộc Ninh) làm cô giáo dạy toán được nửa năm, bà con trong xã bắt gặp chị – một cô giáo trẻ có thân hình nhỏ nhắn, cứ sau giờ lên lớp lại cọc cạch chiếc xe cà tàng vào tận Đồn biên phòng 797, rồi quay ngược lại UBND xã xin kinh phí để tổ chức đêm văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Từ ngày 20-11-1993 trở về trước, học sinh (HS), giáo viên của trường chưa biết thế nào là phong trào văn nghệ, thế nào là buổi cắm trại chỉ vì không có kinh phí và không người đứng ra tổ chức. Điều đó khiến nhiều người ái ngại và khuyên chị “đừng có làm, không được đâu”, cương quyết nhất là thầy Hiệu trưởng. “Thầy bảo, tổ chức e không đủ kinh phí. Khi đã tổ chức thì phải “ra trò”, nếu không xong người ta cười cho, rồi lại mang tiếng” – chị nhớ lại. Song vì khó khăn đó mà bỏ đi niềm vui của thầy và trò thì thật tội nghiệp, chị nhủ, “Thử làm một lần xem sao”..
Thế rồi phải mất ba lần kiên trì thuyết phục chị mới nhận được cái gật đầu của thầy Hiệu trưởng. Nhưng khi xin được kinh phí rồi thì lại không có gỗ làm sân khấu. Phương án lấy bàn học làm sân khấu cũng không xong vì mặt bàn nghiêng, chị lại quay vào đồn biên phòng nhờ làm hộ cái sân khấu. Khi sân khấu, kinh phí tổ chức đầy đủ lại thiếu dàn nhạc. Làm sao đây, chị đành: Thôi, cứ “muối mặt” vào đồn mượn nốt cái dàn nhạc vậy.
Nói là muối mặt vào mượn, nhưng thật ra các anh chiến sĩ đồn biên phòng bấy giờ thông cảm và thương chị lắm. Anh Phan Trung Túy (chiến sĩ Đồn biên phòng 797, bây giờ là chồng chị – PV) cười nhớ lại: “Nhờ Nhung mà các chiến sĩ Đồn 797 mới có dịp giao lưu với nhiều cô giáo trẻ đẹp và cả cô Nhung nữa”. Và cũng từ tơ duyên này mà anh chị nên vợ nên chồng. Thế là Ngày Nhà giáo Việt Nam năm đó, học trò được cầm micro thi hát tặng cô, tặng thầy. Cô thầy cũng được bày tỏ niềm vui của mình, giao lưu, gặp gỡ cùng các anh bộ đội biên phòng. Còn chị, trở thành MC bất đắc dĩ của chương trình. Sau này, cứ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, Ngày 2-9, kỉ niệm Ngày thành lập Đảng, hoạt động văn nghệ lại được tổ chức.
Đã bước vào tuổi 40, 18 năm đứng lớp với 4 năm gắn bó với Trường PTCS Tân Tiến, 3 năm ở Trường THCS Lộc Thái (xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh), đến năm 2000 chị chuyển về Trường THCS Lộc Hưng. Song, khi đặt chân đến bất cứ ngôi trường nào, bàn tay chị không quên góp sức vào các phong trào. Chị chia sẻ: “Có phong trào thì sẽ có thi đua trong học tập, giảng dạy. Đó là cái đích để thầy trò phấn đấu”. Ngoài ra, chị còn tham gia bồi dưỡng HS giỏi, thi giáo viên giỏi, viết sáng kiến kinh nghiệm giảng dạy, không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Sau này, về định cư hẳn ở xã Lộc Hưng, chị cũng không bỏ sót các phong trào nào. Lắm người bảo, người thì nhỏ mà sao làm nhiều việc thế, có kham nổi không? Thậm chí, những năm mới lập gia đình, chồng chị thường xuyên công tác xa nhà, chị vẫn một tay bế con, một tay cầm micro hát cho HS múa trong hội thi văn nghệ tại xã, đến nỗi chồng chị cũng phải lắc đầu. Nhưng kể cũng hay, cứ kết thúc phong trào, đội nào có chị tham gia luôn mang về nhiều giải thưởng cao. Chị cười bảo: “Mình biết sắp xếp công việc một cách khoa học và nỗ lực hết mình thì sẽ đến đích”.Vì lẽ đó, người ta không thấy chị “mệt” trên con đường của mình.
Thành công ở sự sáng tạo
Chị đến với nghề giáo cũng là điều bất ngờ. Gia đình chị nghèo khó, bố mẹ phải vất vả lao động để có tiền nuôi con ăn học. Điều này thôi thúc chị học thật giỏi, theo ước mơ của cha: Thi vào ngành kế toán để làm ngân hàng cho bớt khổ cực. Song, suy nghĩ – mơ ước ấy đã đổi thay. Trong buổi khai giảng đầu năm lớp 5, chị say sưa nghe cô Hiệu trưởng phát biểu, đưa ra kế hoạch hoạt động. Giọng nói truyền cảm, rất đỗi thân thương của cô Hiệu trưởng – chợt le lói trong chị suy nghĩ, sẽ đi học ngành sư phạm để mai này làm cô giáo dạy chữ cho học trò giống cô Hiệu trưởng vậy. Thế rồi, giá trị của nghề truyền con chữ cũng khiến chị thuyết phục được cha. Chị quyết định thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Sông Bé.
Trong vai trò là Tổ trưởng Tổ toán – lý, chị luôn chủ động trong mọi kế hoạch, đặc biệt là công tác xây dựng khối đoàn kết nội bộ, kế hoạch soạn giảng. Thay vì kiểm tra giáo án đầu mỗi tuần, chị lại yêu cầu các thành viên trong tổ phải soạn trước một tuần. Chị bảo, việc soạn trước giúp giáo viên có nhiều thời gian chuẩn bị, chủ động hơn trong tiết dạy.
Bằng lối làm việc này, chị đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, đưa chị đến nhiều thành công. Đề tài “Giúp HS rèn luyện tư duy sáng tạo trong chứng minh hình học” năm 2001-2002 của chị đã đánh bật lối soạn giáo án, giảng dạy hình học theo cách GV dẫn dắt HS đi từ giả thuyết đến kết luận. Còn theo đề án của chị thì HS phân tích theo chiều ngược lại để HS tích cực chủ động suy nghĩ, tìm lời giải – chứng minh từ đó rút ra kết luận. Không phải ngẫu nhiên mà chị có sự chuyển đổi táo bạo này, chính nhiều năm vận dụng phương pháp lấy cá thể HS làm trung tâm, giúp chị hiểu học trò cần gì và mình sẽ dạy gì, hay đúng hơn là dạy như thế nào cho trò hiểu. Thế là chị tự tin đột phá. Sau này, khi Bộ GD-ĐT có sự đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy cá thể làm trung tâm thì phương pháp của chị càng minh chứng điều đó đúng hơn.
Đối với toán học, phương pháp giảng dạy thành công đồng nghĩa với chứng minh được một bài toán mới. Và sau mỗi lần thành công đã mang lại động lực giúp chị nỗ lực tìm thêm những phương pháp mới. Minh chứng năm nào chị cũng tham gia thi giáo viên giỏi (nếu có tổ chức) và viết nhiều đề tài sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy khác nhau như: “Giúp HS học tốt môn thực hành giải toán bằng máy tính Casio; Phân loại và hướng dẫn HS giải bài toán bằng cách lập phương trình và hệ phương trình hay Kinh nghiệm khi dạy bài “Lũy thừa với cơ số mũ tự nhiên – nhân hai lũy thừa cùng cơ số”…
Cứ như vậy, bằng sự nỗ lực trong giảng dạy, 12 năm liền chị đạt giáo viên giỏi cấp cơ sở, trong đó có 3 năm đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh, 2 năm là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh Bình Phước, của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt năm 2010, chị đượcChủ tịch nước phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú. Song, niềm hạnh phúc hơn hết đó là năm nào chị cũng thấy học trò của mình đạt thành tích HS giỏi cấp huyện, cấp tỉnh với hai môn toán lý.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh

Nhận được những thành tích này, với chị đó không chỉ là sự nỗ lực của riêng bản thân, điều quan trọng ngoài sự nỗ lực sáng tạo là phải biết chia sẻ, học hỏi từ đồng nghiệp, sự hỗ trợ từ ban giám hiệu và sự hợp tác của HS. Sự kết hợp này đã giúp chị có những bước đi đúng hơn.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)