Sân khấu cải lương đang có nhiều chuyển biến tích cực khi lực lượng làm nghề ngày càng được củng cố và năng động hơn về nhiều mặt. Đặc biệt, một lớp đạo diễn cải lương mới đã xuất hiện.
Nhiều tiềm năng
Liên hoan sân khấu cải lương (SKCL) toàn quốc 2021 diễn ra tại Long An vào cuối năm 2022 có sự góp mặt của một lực lượng đạo diễn hết sức đông đảo. Bên cạnh những Triệu Trung Kiên, Hoàng Quỳnh Mai, Lê Nguyên Đạt… đã thành danh và là cột trụ về công tác đạo diễn cải lương nhiều năm qua thì sự xuất hiện của những Lê Trung Thảo, Điền Trung, Minh Trường, Quỳnh Khôi… cũng góp phần mang đến những sắc màu đa dạng.
Vở cải lương Chân dung người mở cõi do Minh Trường và Vũ Trần đồng dàn dựng có nhiều mảng dựng tạo cảm giác mới mẻ cho người xem
Trong đó, Lê Trung Thảo đã ở giai đoạn khẳng định năng lực làm nghề. Bản dựng sang trọng và hiện đại của vở Đêm trước ngày hoàng đạo đã nhận được nhiều lời khen từ báo chí và giới chuyên môn tại cuộc thi Tài năng đạo diễn trẻ sân khấu 2013, giúp Trung Thảo tự tin hơn trong công tác dàn dựng. Năm 2018, anh có bước tiến mới khi lần đầu dự Liên hoan SKCL toàn quốc trong vai trò đạo diễn với vở Ngày đó họ đều còn trẻ, khai thác một đề tài rất khó là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Lần thứ hai trở lại hội diễn, vở Câu hò đất mẹ của Lê Trung Thảo cũng được đánh giá cao và nhận được nhiều cảm tình của khán giả.
Đồng đạo diễn với Minh Trường vở Chân dung người mở cõi là đạo diễn Vũ Trần, vốn quen thuộc hơn ở sân khấu kịch và dàn dựng game show, chương trình truyền hình. Tuy nhiên, Vũ Trần là “con nhà nòi cải lương”, có ông bà ngoại là đôi nghệ sĩ tài danh Ánh Hồng – Hữu Lộc nức tiếng miền Tây. Trở lại “cái nôi cải lương”, anh hòa nhập nhanh chóng và trong thời gian ngắn đã được tin tưởng mời dựng các vở diễn doanh thu như: Bạch xà đáo địa ngục môn, Máu loang Lộc Đài thành, Yên Đan thất thủ Dịch Thủy giang (sân khấu Lê Nguyễn Trường Giang), Loạn thế anh hùng (sân khấu Hoàng Hải)…
Ngoài ra, những gương mặt quen của kịch nói, như Quang Thảo, Đình Toàn, Thái Kim Tùng, Bùi Quốc Bảo… cũng thể hiện sự yêu thích, tìm hiểu và tham gia dàn dựng cải lương. Trong đó, Bùi Quốc Bảo còn có thể viết kịch bản.
Đạo diễn Vũ Trần gây ấn tượng với các vở diễn tuồng cổ thời gian qua, điển hình là Máu loang Lộc Đài thành của sân khấu Lê Nguyễn Trường Giang
Cần thêm thời gian
Theo NSƯT – đạo diễn Nguyên Đạt, việc có các đạo diễn mới ở kỳ hội diễn chuyên nghiệp vừa qua và nhiều diễn viên như Võ Minh Lâm, Thanh Toàn, Nhã Thy, Thanh Tiền, Phùng Ngọc Bảy… đang theo học đạo diễn là điều đáng mừng. “Nếu phát triển đúng hướng, đây sẽ là lứa đạo diễn cải lương có nhiều ưu thế khi xuất thân là diễn viên cải lương lẫn được đào tạo bài bản, hiểu bản chất cải lương để những sáng tạo trong dàn dựng không đi chệch hướng. Với kinh nghiệm thực tiễn, các bạn cũng dễ có những sáng tạo mới mẻ cho công tác đạo diễn chung mà không sa đà vào chủ nghĩa kinh nghiệm” – NSƯT Nguyên Đạt lạc quan.
Mọi thứ vẫn còn phía trước vì ngoài Lê Trung Thảo và Vũ Trần tập trung cho công tác đạo diễn và đã có nhiều tác phẩm, phần lớn vẫn chỉ dừng lại ở sản phẩm đầu tay hoặc dàn dựng vài chương trình nhỏ lẻ. NSND Trần Ngọc Giàu – Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM – cho rằng, tuy có thế mạnh nắm bắt nhanh các nguyên tắc của SKCL nhưng lực lượng này cần có thời gian để thoát khỏi tư duy diễn viên mà chuyển sang tư duy đạo diễn. “Cần chuyển từ tư duy tập trung khai thác hành động, cảm xúc cho nhân vật của người diễn viên sang tư duy bao quát, kết nối tổng thể, hài hòa các yếu tố cấu thành tác phẩm; và nhất là vẫn phải thực hành, tiếp tục có sản phẩm cụ thể” – NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ.
Thể hiện đề tài cách mạng về hình tượng lãnh đạo nhưng vở cải lương Câu hò đất mẹ do dạo diễn Lê Trung Thảo dàn dựng vẫn mềm mại, giàu cảm xúc
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, sau tết Nguyên đán 2023, Hội Sân khấu TPHCM sẽ tổ chức Câu lạc bộ Đạo diễn trẻ, quy tụ lực lượng làm nghề các nơi; trên cơ sở tiếp xúc, trao đổi mà hướng dẫn các đạo diễn tìm thấy và phát huy thế mạnh của mình. “Trong đó, tôi mong muốn tập hợp được các đạo diễn cải lương, không chỉ ở TPHCM mà cả ở các tỉnh. Tất cả cùng trao đổi về các vấn đề của SKCL hiện nay, cùng thảo luận giải pháp và đặt hàng nhau thực hiện. Tháng này có thể về Long An làm chuyên đề về vũ đạo và nghệ thuật múa trên SKCL; tháng sau về Cà Mau thực hiện chuyên đề ứng dụng màn hình led, công nghệ mới trên SKCL…” – NSND Trần Ngọc Giàu đề xuất.
Cũng theo NSND Trần Ngọc Giàu, ở các tỉnh hiện có một lực lượng đạo diễn kiêm cán bộ lãnh đạo như: NSƯT Quế Anh (Giám đốc nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai), NSƯT Hồ Ngọc Trinh (Phó trưởng đoàn nghệ thuật cải lương Long An), NSƯT Lịch Sử (Phó trưởng đoàn cải lương Hương Tràm – Cà Mau)… Đây là điều kiện thuận lợi để phối hợp, phát triển lực lượng đạo diễn cải lương mới nói riêng và tháo gỡ các vấn đề của SKCL nói chung.
“Không như thế hệ chúng tôi – cực kỳ cạnh tranh vì không nhiều cơ hội, hiện nay các đạo diễn trẻ có nhiều lựa chọn hơn với các sân khấu xã hội hóa, cải lương truyền hình, sân khấu lễ hội, game show… Thậm chí, họ có thể tự tạo cơ hội nếu đủ lực đầu tư dàn dựng tác phẩm” – NSƯT Nguyên Đạt nói. Với những nhân tố trưởng thành trong bối cảnh hội nhập và có tư duy đổi mới, đạo diễn Nguyên Đạt tin đây còn là điều kiện cần để giải quyết những vấn đề mang tính thời đại của SKCL hôm nay.
Theo Ninh Lộc/PNO
Bình luận (0)