Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chỗ dựa vững chắc cho bệnh nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều tháng trời không về nhà, dịch bệnh Covid-19 khiến hàng trăm ngàn BS, nhân viên y tế, giảng viên, sinh viên TP.HCM phải cắm chốt trên trận chiến. Với tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm, họ đã sát cánh bên nhau, xông pha vào tâm dịch đẩy lùi dịch bệnh. Trong số đó có không ít người đã dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng họ vẫn không ngại gian nguy, tiếp tục công việc để giữ sinh mệnh cho các bệnh nhân Covid-19 được an toàn.


Bác sĩ Linh tin các F0 đã khi bnh v nhà

Bác sĩ F0 điu tr cho bnh nhân F0

Đó là ThS.BS Đào Nguyễn Phương Linh, công tác tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM. Ngày 9-7, BS Linh cùng 45 BS, nhân viên y tế của BV lên đường hỗ trợ chống dịch tại BV dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2 (Q.12). Trong đoàn, duy nhất BS Linh là nữ.

Sau 22 ngày nỗ lực cứu chữa cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19, BS Linh đã nhận kết quả dương tính. Dù có nhiều triệu chứng nặng, sốt cao, ho nhiều, có lúc tụt SpO2 nhưng không muốn bỏ lại bất cứ bệnh nhân nào, BS Linh đã xin phép Ban Giám đốc BV Đại học Y Dược để được ở lại BV dã chiến tiếp tục công việc từ xa.

“Tôi đã cùng các đồng nghiệp bước vào tâm dịch, cứu chữa cho hàng ngàn bệnh nhân từ mức độ nặng đến nhẹ. Khả năng nhiễm bệnh khó tránh được vì phải phơi nhiễm nồng độ virus cao mỗi ngày. Nhưng hiểu được tính chất của bệnh, được tiêm đầy đủ vắc-xin, tôi tự tin bản thân sẽ vượt qua. Hơn nữa, thời điểm đó công việc đã vào nề nếp, có những việc bản thân đóng vai trò quan trọng nên tôi muốn ở lại để tiếp tục công việc”, BS Linh bày tỏ.

Trong khu cách ly, BS Linh làm các video hướng dẫn bệnh nhân cách theo dõi dấu hiệu nặng tại nhà, cách sử dụng máy đo nồng độ ôxy trong máu, cùng những lời động viên, chia sẻ để bệnh nhân yên tâm, nâng cao tinh thần vượt qua Covid-19. Các video ý nghĩa, thiết thực, kịp thời sau này được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, đến được với nhiều người.

“Tôi rất vui do chủ động được công việc thay vì ngồi đó gặm nhấm chuyện bản thân bị bệnh. Động lực này thôi thúc tôi phải cố gắng nhanh khỏe lại để hỗ trợ thêm nhiều bệnh nhân khác”, BS Linh nói.

Nhớ lại những ngày ở nơi tuyến đầu chống dịch, BS Linh cho biết, dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng đối diện với tình cảnh quá tải bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, nhiều bệnh nhân vừa qua đời chuyển đi thì bệnh nhân khác chuyển vào, bản thân không khỏi xót xa…

Trường hợp 3 mẹ con ngồi trên xe cấp cứu cả đêm chỉ chạy trên đường mà không nhập được viện vì tất cả đều quá tải khiến cô nhớ mãi. Bằng mọi nỗ lực, cô đã đưa được 3 mẹ con vào BV dã chiến số 2. Người mẹ quá nặng, con trai nhỏ mới học lớp 10, con trai lớn thì bị bệnh Down. Chúng cũng vừa mất đi người cha bởi Covid. Suốt đêm, cô thức trắng túc trực hướng dẫn hai đứa trẻ cách sử dụng bình ôxy, theo dõi máy đo chỉ số ôxy trong máu cho người mẹ. Có được một máy đo SpO2, cô cũng nhường lại dù bản thân đang mang bệnh. Vài ngày sau, cô nhường nốt “tấm vé bệnh nhân dương tính” của mình để đưa người mẹ vào trung tâm hồi sức của BV Đại học Y Dược cấp cứu. Tuy nhiên kỳ tích đã không xảy ra. Người mẹ qua đời.

Thương hai đứa trẻ trong thời gian ngắn mất cả cha lẫn mẹ, lại một lần nữa BS Linh cố gắng tìm một chuyến xe đưa bọn trẻ vào tiễn biệt người mẹ xấu số lần cuối.

“Đến bây giờ tôi vẫn cầu mong hai bạn nhỏ vượt qua khó khăn để sống tốt. Nhiều người bảo tôi trở thành F0 cũng vì quá nặng lòng với bệnh nhân. Tôi không sợ bệnh, chỉ sợ bệnh nhân của mình không qua khỏi”, BS Linh xúc động.

11 ngày cách ly điều trị, BS Linh đã âm tính, đây cũng là thời điểm các đồng nghiệp ở BV dã chiến số 2 kết thúc 30 ngày chống dịch. Cô và đồng nghiệp tiếp tục phối hợp với một số mạnh thường quân lập “Đội hỗ trợ F0 Sài Gòn”. Các thành viên thay phiên trực cung cấp ôxy, thuốc cho bất cứ bệnh nhân nào cần, bất kể ngày đêm, trời mưa hay nắng. Duy trì đến hết thời gian TP giãn cách xã hội, “Đội hỗ trợ F0 Sài Gòn” ngừng hoạt động, BS Linh quay về BV Đại học Y Dược tiếp tục công tác chuyên sâu, hỗ trợ các bà mẹ F0, F1 và những trẻ sinh non. Điều may mắn, nhiều bà mẹ F0 khỏi bệnh.

Ngày 18-10 vừa qua, BS Linh và các đồng nghiệp đã cho xuất viện một bệnh nhi sinh thiếu tháng do mẹ nhiễm Covid-19. Trước đó, người mẹ F0 mang thai ở tuần thứ 30 nhập viện trong tình trạng vô cùng nguy kịch. Các BS BV Đại học Y Dược TP đã tiến hành mổ bắt em bé. Do sinh thiếu tháng, mẹ lại đang phải điều trị Covid-19 nên bé được các BS chuyên khoa nhi tận tình chăm sóc. Sau 40 ngày điều trị tích cực, các BS đã chữa khỏi cho người mẹ. Lúc này sức khỏe của em bé cũng tốt hơn nên cả hai mẹ con đã được xuất viện về nhà.

“Được tiễn bệnh nhân xuất viện lòng tôi lại phấn chấn niềm vui, là động lực lớn lao cho tôi trong công việc, cuộc sống”, BS Linh chia sẻ.

Trước đó, lúc còn chống dịch tại BV dã chiến số 2, phương án xuất viện cho các F0 về nhà an toàn, giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng do BS Linh đề xuất đã được Ban Giám đốc BV thông qua và áp dụng hiệu quả.

Nhìn lại 30 ngày nỗ lực của tổ công tác BV Đại học Y Dược tại BV dã chiến số 2, thành quả đạt được lớn nhất là có khoảng 6.000 F0 được cứu chữa và xuất viện.

Riêng BS Linh, sau hơn 4 tháng cách ly gia đình kể từ ngày tham gia tiêm vắc-xin cho cộng đồng, chi viện cho BV dã chiến số 2, ngày 17-10, BS Linh mới được về nhà thăm người thân…

Ch v nhà khi… hết bnh nhân

Mặc xong bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, điều dưỡng Phan Thị Vi Kha bước vào phòng chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Chiếc bình ôxy quá khổ so với thân hình nhỏ bé 42kg, cao 1m50 khiến cô chật vật, lại phải nhờ đến các BS nam đẩy giúp.

“Những lúc đẩy bình ôxy hay khiêng bình nước uống cho bệnh nhân quá nặng, tôi phải nhờ đến sự hỗ trợ của các BS nam. Các công việc khác tôi vẫn làm rất tốt”, cô cười chia sẻ.

Điều dưỡng Kha năm nay 24 tuổi, công tác tại Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, BV Đa khoa Bưu Điện. Cô tham chống dịch tại BV dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3 (TP.Thủ Đức) hồi đầu tháng 8. Lúc này cô vừa khỏi bệnh Covid-19 do nhiễm trước đó trong quá trình tham gia lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng.

Cuối tháng 9, lẽ ra điều dưỡng Kha có thể trở về vì đã hoàn thành thời gian hỗ trợ chống dịch nhưng cô đã đăng ký ở lại. “Tôi muốn cùng chia sẻ công việc với các nhân viên y tế, các anh chị BS để sớm đẩy lùi dịch bệnh. Tôi chỉ về khi hết bệnh nhân hoặc đồng nghiệp về hết”, điều dưỡng Kha nói.

Tại BV dã chiến số 3, ngoài việc trực cấp cứu, hỗ trợ các BS trong phòng mổ, hàng ngày điều dưỡng Kha cùng đồng nghiệp chăm sóc bệnh nhân. Từ phát đồ ăn sáng, giúp vệ sinh cá nhân, lấy sinh hiệu, tiêm, truyền thuốc cho bệnh nhân theo y lệnh; rồi tiếp nhận, sàng lọc, phân loại bệnh nhân đến các tầng. Theo ca, có hôm cô làm ban ngày, có hôm lại làm buổi tối, cũng có hôm làm xuyên đêm.

Từng dương tính và rơi vào lo lắng, hoang mang nên điều dưỡng Kha có sự đồng cảm, hiểu thêm tâm trạng của bệnh nhân Covid-19 để hỗ trợ tốt hơn. Nhiều bệnh nhân quá khích, chống đối, không tuân thủ quy trình điều trị, cô và đồng nghiệp kiên trì động viên, giải thích để hợp tác. 

Tại BV dã chiến, nhiều lần phải chứng kiến ranh giới sống còn, cảnh sang chấn tâm lý của bệnh nhân, nhiều lúc cô không cầm được nước mắt.


Điu dưng Phan Th Vi Kha (áo xanh bên phi) và các bác sĩ

“Có trường hợp hai cha con nhập viện cùng lúc, song người con không qua khỏi. Cú sốc tâm lý khiến người cha trầm cảm, không hợp tác điều trị. Chúng tôi không chỉ kiên nhẫn động viên, an ủi, đút ăn mà đút cả thuốc uống cho bệnh nhân. Dịch bệnh khiến nhiều người ra đi nhưng người ở lại cũng chịu ảnh hưởng nặng nề”, điều dưỡng Kha nhớ lại.

Cô trải lòng, nhiều lúc vô cùng mệt mỏi, người ướt sũng mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ. Hôm nào bệnh nhân nhập viện liên tục, hôm đó cường độ công việc kéo dài. Có những buổi tối bóp bóng ôxy cho bệnh nhân thở đến nhừ tay, về đến phòng nghỉ chỉ muốn ngủ một giấc thật sâu.

Thỉnh thoảng nhân viên y tế, BS cũng được ngơi tay. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi hiếm hoi đó, các BS lại mở điện thoại, cầm bộ đàm hát vui, điều dưỡng bên ngoài nghe cùng hát theo. “Chúng tôi hát cho bệnh nhân nghe, hát để cổ vũ tinh thần. Khoảnh khắc đó xua tan bao mệt mỏi để chúng tôi tiếp tục công việc”, cô tâm sự.

BS.CKII Trần Văn Khanh – Giám đốc BV Lê Văn Thịnh, kiêm Giám đốc BV dã chiến số 3 – cho biết, BV dã chiến số 3 hoạt động đến nay được khoảng 3 tháng, với sự tham gia của hàng trăm BS, nhân viên y tế tại TP.HCM và lực lượng chi viện từ các tỉnh, thành khác. 3 tháng điều trị với hơn 12.000 bệnh nhân xuất viện, hiện chỉ còn gần 1.000 bệnh nhân, đa số là bệnh nhẹ. Thành quả này là sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ BS, nhân viên y tế, hậu cần. Trong đó, một số BS, nhân viên y tế chẳng may trở thành F0 nhưng vẫn làm đơn tình nguyện ở lại làm việc sau khi khỏi bệnh. “Đây là điều rất đáng trân quý, góp phần hỗ trợ đẩy lùi dịch bệnh, giảm gánh nặng của nhân viên y tế, giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh”, BS Khanh nhấn mạnh.

Để tự thưởng cho bản thân sau chuỗi ngày dài tham gia chống dịch, điều dưỡng Kha cho biết, cô sẽ về thăm người thân tại Bình Định.

Minh Phương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)