Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Chờ được mạ, má đã sưng” là thành ngữ?

Tạp Chí Giáo Dục

“Ch đưc m, má đã sưng” là mt ng liu quen thuc thưng đưc mi ngưi s dng trong li ăn tiếng nói hng ngày.

Theo giải thích trong cuốn “Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ” của tác giả Hoàng Văn Hành (HVH) thì “Mạ, tiếng địa phương là mẹ”. Thành ngữ “chờ được mạ, má đã sưng” có nghĩa “chờ được mẹ ra thì đã bị đánh sưng má rồi”. Câu này có ý khuyên không nên ỷ lại, phải biết tự lực trong cuộc sống. Chờ được sự giúp đỡ của người khác, có khi đã bị thiệt hại rồi.

Thành ngữ này có lẽ xuất hiện ở địa phương dùng từ mạ để chỉ mẹ, cho nên khi thành ngữ này được truyền khẩu sang các vùng khác thì đâm khó hiểu và do âm vạ gần với mạ nên câu thành ngữ được tách thành một dị bản sai: “Chờ được vạ, má đã sưng”. Mà nói như thế về ý nghĩa cũng có vẻ xuôi xuôi vì vạ là từ cổ, có nghĩa phạt (bắt vạ, ngả vạ) hoặc tai họa (bị vạ) nhưng lâu nay người ta đã hiểu được vạ khác đi với nghĩa “được cuộc”, “được kiện”. Do đó thành ngữ này từ lâu cũng được dùng trong những trường hợp có chuyện “được thua”.

Nhưng thực ra, vạ với nghĩa cổ phạt và tai họa thì không phải là thứ mong được. Trong làng xóm xưa kia có lối phạt vạ những ai vi phạm lệ làng, trong đó có hình thức phạt là: cả làng kéo đến nhà người bị phạt để ngả vạ, nghĩa là bắt sự chủ làm cỗ cho mà ăn, nên được vạ là không chính xác. Người ta chỉ nói phạt vạ, bắt vạ, ngả vạ, gieo vạ, đổ vạ, nạp tiền vạ… Có sách từ điển định nghĩa chờ được vạ là “chờ được xét xử bồi thường”. Định nghĩa như thế thật khiên cưỡng, thiếu chính xác”. (trang 147-148)

Có tác giả khác cũng thống nhất cách hiểu như trên, nêu ra sự phi lý theo cách hiểu quen thuộc xưa nay trong dân gian về từ “vạ” xuất hiện trong ngữ cảnh trên và khẳng định câu trên phải đọc là “Chờ được mạ, má đã sưng” mới đúng theo giải nghĩa về xuất xứ (nghĩa đen) và diễn giải thêm: “Chờ được mạ (mẹ) ra can thì đã bị (ai đó) đánh cho sưng má lên rồi”. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến bày tỏ cách hiểu khác về câu này.

“Từ điển Thành ngữ – Tục ngữ” của nhóm Vũ Dung nêu lần lượt 3 câu: chờ được mạ, má đã sưng (1), chờ được nạ, má đã sưng (2) và chờ được vạ, má đã sưng (3), rồi giải nghĩa chung của 3 câu trên giống nhau là: “Chờ được xét xử bồi thường, sáng tỏ oan ức thì đã bị thiệt hại rồi”. Như vậy, về mặt từ ngữ, 3 câu trên chỉ khác nhau các từ “mạ/ nạ/vạ”, còn lại là giống nhau cả về từ ngữ lẫn cách hiểu nghĩa khái quát. Nhưng, xét về nghĩa đen thì rõ ràng 3 câu trên có những cách hiểu khác nhau.

Câu (1) hiểu như HVH là phù hợp, câu (3) sự phi lý như HVH đã chỉ ra cũng hợp lý, còn lại câu (2) chờ được nạ, má đã sưng, thì từ “nạ” có nghĩa là gì, và nghĩa đen của câu này hiểu như thế nào? “Việt Nam tự điển” (quyển thượng, 1970) của Lê Văn Đức (LVĐ) giải thích: “Chờ được nạ, má đã sưng. Chờ cho có cái mặt nạ để che mặt thì bị tát đã sưng cả má rồi, (nghĩa bóng: Kẻ giúp mình thường vô trách nhiệm, nếu ỷ lại vào họ thì hư việc cả)”. Như vậy, từ “nạ” trong câu (2) được hiểu là “cái mặt nạ”, nó nhất quán với từ “má” trong vế sau trong cùng nhóm từ có nét nghĩa liên quan với nhau “che mặt, bị tát, sưng má” như cách giải thích nghĩa đen của LVĐ.

Thống nhất với cách hiểu của LVĐ, trước đó ngót thế kỷ, học giả Huỳnh Tịnh Paulus Của (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, 1896) cũng giải thích từ “nạ” là “mặt nạ” (trang 676).

Có ý kiến cũng nêu một câu khá gần nghĩa với câu “Chờ được vạ, má đã sưng” là câu “Chờ được mã thì (đã) rã đám”, và giải thích nghĩa là “dùng để nói ai đó quá chậm chạp, làm không kịp so với việc cần kíp, vì vậy mà làm nhỡ, làm hỏng cả việc hệ trọng, ví như ai đó được cử đi mua vàng mã về làm đồ cúng tế nhưng lại rề rà, để đến nỗi khi mua được các thứ đó đem về thì việc đình đám cúng bái đã xong mất rồi”. Xin bổ sung thêm cách hiểu của LVĐ “Chờ được mã thì rã đám”. Chờ phất xong đồ mã thì đám cúng đã tan (nghĩa bóng: chờ cho có dụng cụ, vật liệu hay tiền bạc thì việc đã qua không dùng được gì)”, LVĐ hiểu “chờ được mã” là chờ dán xong đồ hàng mã (phất), còn ý kiến trên thì lại hiểu là đi mua vàng mã, suy cho cùng cũng không hề mâu thuẫn nhau, chỉ có cách hiểu khác nhau mà thôi.

Cuối cùng, chúng tôi cũng nhất trí với tác giả LVĐ xếp câu trên vào loại “tục ngữ” chứ không phải “thành ngữ”, vì nó thuộc loại “câu ngắn gọn, thường có vần điệu, đúc kết tri thức, kinh nghiệm sống và đạo đức thực tiễn của nhân dân” (Hoàng Phê).

Đ Thành Dương

 

Bình luận (0)