Người dân buôn bán ngay bên cạnh một bãi tập kết rác |
Hiện nay, nhiều nhóm người buôn bán tự phát chọn khu đất gần đường ray xe lửa để mưu sinh. “Chợ” lập ra tuy không lớn nhưng vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm ở đây thật đáng báo động.
“Chợ đường ray” phường Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức, TP.HCM) họp vào khoảng 3 đến 5 giờ chiều và chỉ bán các mặt hàng thực phẩm, rau củ, quả. Việc buôn bán ở đây rất mất vệ sinh. Gà, vịt được giết mổ ngay tại chợ mà không cần bất kỳ cơ quan nào kiểm định. Cá nằm la liệt, giãy đành đạch trên mặt đường đầy cát, thịt heo, thịt bò, khô cá, khô mực thì ruồi bâu đen đặc. Trong khi đó, người bán vẫn vô tư bán, người mua thản nhiên mua mà không hề quan tâm đến sức khỏe của mình.
Chị Lê Hoàng Lan – một công nhân mua hàng tại “chợ đường ray” này cho hay: “Tuy biết là mất vệ sinh nhưng riết rồi quen. Gần đây không có chợ nào khác nên đi làm về tôi ghé vào mua qua loa vài thứ nấu cho xong bữa”.
Vì đây là một chợ họp “trái phép”, chính quyền địa phương đã nhiều lần mạnh tay xử lý nhưng sau vài hôm đâu lại vào đấy. Hôm nào các anh bên đội trật tự xã hội ra quân thì chợ vắng vẻ, không người mua bán, nhưng được vài hôm lại tấp nập như cũ.
Gà, vịt được giết mổ ngay tại chợ một cách mất vệ sinh nhưng có người lại cho rằng đó là thực phẩm an toàn và “tươi sống”. Chị Trần Thị Liên – vừa mua một con gà “tươi sống” cho biết: “Gà, vịt còn sống như vậy mới chắc chắn là không có dịch, chứ giết thịt rồi thì làm sao biết, vả lại thế mới chứng tỏ là “thực phẩm tươi sống”. Mình thích con nào người ta giết con đó, đợi vài phút là có ngay”.
Nước sôi dùng để luộc gà, lông gà, vịt, vảy cá, phế phụ phẩm của người buôn bán được xả thẳng ra đường gây mất vệ sinh môi trường xung quanh. Không những vậy, ngay cạnh chợ là một bãi tập kết rác của phường Hiệp Bình Chánh, bao nhiêu rác được tập trung về đây để xử lý nên bốc mùi rất hôi.
Tuy mất vệ sinh về an toàn thực phẩm nhưng “chợ” này vẫn đông đúc người mua vì giá cả phải chăng, hợp túi tiền của những người có thu nhập thấp như công nhân lao động, dân nhập cư. Một con gà sau khi giết mổ xong có giá khoảng 30-40 ngàn đồng, rau củ ở đây cũng khá rẻ. Anh Lê Văn Trọng, quê Thanh Hóa, làm nghề thợ hồ cho biết: “Làm thợ hồ như mình mà đi siêu thị thì tiền đâu chịu nổi. Tuy thức ăn ở đây có mất vệ sinh nhưng giá cả khá rẻ. Khi về nhà, mình rửa lại sạch sẽ, nấu kỹ thì không có gì đáng lo”.
Không thể nói rằng vì giá cả hợp với túi tiền của người có thu nhập thấp nên “chợ đường ray” mất vệ sinh này có quyền được tiếp tục hoạt động. Chính quyền địa phương cần có những biện pháp mạnh tay hơn nữa để giúp người lao động phòng tránh những mầm bệnh nguy hiểm.
Bài, ảnh: Công Luận
Bình luận (0)