Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cho em sống lại tuổi thơ

Tạp Chí Giáo Dục

Lớp học nằm bên trong bệnh viện, giáo viên đứng lớp khoác áo blouse trắng, còn học trò là những bệnh nhi đang từng ngày giành giật sự sống…

Mấy tháng qua, sáng nào bọn trẻ “xóm chạy thận” bên trong Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cũng í ới rủ nhau đi học. Buổi học bắt đầu lúc 9g, nhưng mới hơn 8g học trò đã vào lớp đông đủ.
Học trò “xóm chạy thận” Bệnh viện Nhi Đồng 2 sau giờ tan lớp – Ảnh: Thái Bình
Lớp chúng mình rất vui
Mở đầu buổi học, lớp trưởng Ngọc Như đứng lên nói: “Thưa cô, hôm nay lớp có 14 bạn, vắng hai bạn đi chạy thận”. Theo cô giáo Phạm Thị Rành (cử nhân giáo dục đặc biệt), hầu hết học trò trong lớp là bệnh nhi suy thận mãn, cho nên chuyện các em vắng học để đi chạy thận đương nhiên được chấp thuận.
Cả lớp giơ tay, cô Rành mời trò Bi đọc thơ. Dường như sợ cô đổi ý gọi trò khác, Bi hấp tấp đứng dậy đọc ào thật nhanh. Cô Rành làm mẫu đọc to, rành rọt và chậm rãi từng câu rồi yêu cầu Bi đọc theo: “Lặng rồi cả tiếng con ve/Con ve cũng mệt vì hè nắng oi/Nhà em vẫn tiếng ạ ời/ Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi mẹ ru…”.
Cũng với bài thơ đó, cô Rành đọc chậm cho cả lớp tập viết chính tả. Rảo quanh lớp học, thấy trò nào ngồi viết không đúng tư thế là cô dừng lại chỉnh sửa. Trong giờ giải lao, các bé ngồi hí hoáy tô màu, vẽ tranh. Rồi trò Bi đứng lên bắt nhịp cho cả lớp cùng hát: “Lớp chúng mình lớp rất vui, anh em ta chan hòa tình thân…”.
Vừa chạy thận, vừa học chữ
Gần hai năm trước, đang học lớp 3 ở Kiên Giang thì Bi đổ bệnh, cậu theo mẹ lên Sài Gòn điều trị đến bây giờ. Tuần hai lần Bi phải đi chạy thận (3 giờ/lần). Bệnh tật làm da Bi thâm đen, cánh tay cậu chi chít những dấu kim thành sẹo từ hơn 100 lần chạy thận. Ham học nên Bi nhờ mẹ xin bác sĩ bố trí cho chạy thận vào buổi chiều để đi học buổi sáng.
Cũng như Bi, lớp trưởng Ngọc Như suốt hai năm qua chưa một lần được trở lại quê nhà ở Cà Mau. Hồi trước học lớp 5 nhưng do bệnh tật phải nghỉ học giữa chừng, giờ Như chỉ đủ sức theo kịp chương trình lớp 2. Tương tự, Hoài (quê Đồng Nai) trước học lớp 5, giờ học lớp 2 mới vừa sức.
Suốt ba năm qua, không gian tuổi thơ của Cảnh là dãy hành lang bệnh viện và thế giới tuổi thơ của cậu là bao câu chuyện buồn, những nỗi đau mà cậu chứng kiến ngay trong “xóm chạy thận”. Chị Thoa, mẹ của Cảnh, bộc bạch: “Từ hôm được đi học trở lại nó vui lắm, tui cũng vui nữa!”.
Blouse trắng trên bục giảng
Ý tưởng về lớp học tình thương trong bệnh viện được chị Lê Thị Đào (cử nhân vật lý trị liệu) ấp ủ từ hơn một năm trước, nhưng mãi đến tháng 2-2009 mới thành hiện thực. Do trước đây từng là giáo viên nên cô Rành vui vẻ nhận đứng lớp. Hồi đầu, lớp học nằm ngay trong phòng hành chính của tổ vật lý trị liệu. Đến tháng 4 vừa rồi lớp mới có “cơ ngơi” riêng.
Do độ tuổi, học vấn của học trò khác nhau nên cô chỉ tập trung dạy toán, tiếng Việt, vẽ và hát. Từ ngày có lớp học, các nhân viên y tế trong tổ bận bịu hơn do phải choàng gánh công việc chuyên môn cho “cô giáo”. Đổi lại, niềm vui mà họ nhận được là khi chứng kiến nét hồn nhiên trẻ thơ đã trở lại trên những gương mặt căng thẳng, âu lo của các bệnh nhi.
Chị Nguyễn Thị Hương, mẹ trò Bi, bộc bạch: “Bệnh này chỉ sống được vài ba năm, thằng nhỏ vui được ngày nào hay ngày nấy”. Đem nỗi ưu tư này đến gặp thầy thuốc, họ gật đầu xác nhận. Cô Rành nghẹn ngào: “Mỗi ngày lên lớp, tôi cùng vui với các bé chứ không dám nghĩ tới tương lai. Chỉ mong trong thời gian ở bệnh viện các bé được sống với tuổi thơ bình thường như bao đứa trẻ khác”.
Bốn tháng qua, thỉnh thoảng lại có bé ngậm ngùi chia tay lớp học do bệnh tình thuyên giảm được xuất viện về quê. Nhưng cũng có những bé đột ngột ra đi không kịp nói lời từ biệt…
THÁI BÌNH (TTO)
TP.HCM: ngày hội “Búp bê dễ thương”
Sáng 31-5, khoảng 1.000 bạn nhỏ khuyết tật, mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, trẻ có HIV… của TP.HCM đã có mặt trong ngày hội “Búp bê dễ thương” tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM do Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM tổ chức.
Nguyên phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trao quà cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong ngày hội – Ảnh: Q.L.
Đã có gần 21.000 búp bê được các bạn nhỏ tại TP.HCM cùng đóng góp gửi tặng những bạn có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn khác. Ban tổ chức đã tặng 2.000 phần quà (150.000 đồng/phần) cho các bạn nhỏ, trong đó dành riêng 1.000 phần cho các bệnh nhi ung thư và những bạn mồ côi tại một số mái ấm.
Q.LINH

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)